Thường trực Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, trình Thường trực Chính phủ, trình Bộ Chính trị trong tháng 3/2024. Khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2024.
Văn bản số 57 Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam nêu rõ quan điểm cần xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao phải bảo đảm yếu tố hiện đại, đồng bộ, bền vững.
Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, lấy ý kiến chuyên gia rộng rãi để lựa chọn phương án đầu tư phù hợp nhất; nghiên cứu, rà soát kỹ để bảo đảm hướng tuyến thẳng nhất có thể, đồng thời tạo không gian mới. Nghiên cứu thêm việc giảm số lượng ga để giảm chi phí.
Thường trực Chính phủ giao Bộ GTVT khẩn trương phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu thành lập Tổ công tác triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Tổ trưởng. Đồng thời tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các cán bộ kinh nghiệm trong ngành đường sắt về nhiều phương án để lựa chọn một phương án tối ưu trình Bộ Chính trị.
Cùng với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, cũng sẽ sớm đầu tư các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Đồng Đăng; Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, kết hợp vận tải hàng hóa và hành khách; tuyến Cần Thơ - TPHCM chủ yếu là hành khách.
Như vậy cùng với hệ thống cao tốc đường bộ, mà “xương sống” là cao tốc Bắc - Nam, đường sắt cũng sẽ được hiện đại hóa. Đại hội XIII của Đảng đã xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là 1 trong 3 đột phá chiến lược. Cụ thể là 2 đại dự án: đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, chiều dài toàn tuyến 1.545km (từ Hà Nội tới TPHCM) và 2.063km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (từ Lạng Sơn đến Cà Mau), mục tiêu tới năm 2025 cả nước có 3.000km đường bộ cao tốc; năm 2030 là 5.000km.
Riêng với đường sắt tốc độ cao, nhiều ý kiến đóng góp với kỳ vọng đất nước có hệ thống đường sắt hoàn chỉnh, phù hợp; đặt trong tổng thể phát triển của cả 5 phương thức giao thông: hàng không, đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa.
Bộ GTVT cũng đã đưa ra 3 kịch bản đường sắt tốc độ cao.
Kịch bản 1: Xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, dài 1.545km, tốc độ thiết kế 350km/giờ. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỉ USD.
Kịch bản 2: Xây mới với quy mô đường đôi, khổ ray 1.435mm, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng, tốc độ thiết kế 200 - 250 km/giờ, chạy tàu hàng tối đa 120 km/giờ. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,2 tỉ USD.
Kịch bản 3: Đường đôi, khổ ray 1.435mm, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỉ USD. Trường hợp đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác thêm tàu hàng trên tuyến này thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỉ USD.
Cả 3 kịch bản đều nhận được nhiều ý kiến với những lý lẽ riêng.
Tuy nhiên, nếu phương án tàu chạy 350km/h được thực hiện thì nhiều người cho rằng chúng ta sẽ hiện thực hóa được giấc mơ “ăn sáng ở Hà Nội, ăn trưa tại TPHCM” khi mà đường sắt cao tốc chỉ mất 6 tiếng từ Hà Nội vào TPHCM, tương đương với thời gian di chuyển lên sân bay, làm thủ tục và bay vào TPHCM cũng mất 5 tiếng như hiện nay.
Tất nhiên để có thể xây dựng được một hệ thống đường sắt tốc độ cao hiện đại, đòi hỏi nhiều nỗ lực, quyết tâm, và nhất là nguồn vốn đầu tư khổng lồ. Nhưng, nói như ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thì không thể để đường sắt Việt Nam ở tình trạng lạc hậu kéo dài. Với điều kiện của Việt Nam thì phát triển đường sắt cao tốc là hết sức cần thiết. “Chậm xây dựng ngày nào thì thiệt ngày đó, chúng ta nhanh ngày nào thì sẽ phát triển kinh tế - xã hội ngày đó” - ông Minh nói.
Vì vậy, việc Thường trực Chính phủ giao Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, trình Thường trực Chính phủ, trình Bộ Chính trị trong tháng 3/2024; hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2024 đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của toàn xã hội.