Ngày 9/2, Ths, Bs. Nguyễn Trung Nguyên- Phụ trách Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, thời gian vừa qua hiện tượng ngộ độc nấm độc thường xảy ra ở các tỉnh vùng cao Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên..., không chỉ một vài thành viên mà trong cả một gia đình, mỗi năm hàng mấy trăm ca.
Thường các bệnh nhân bị ngộ độc nấm được đưa về BV Bạch Mai là các ca bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao, có thể lên đến hơn 50%.
Năm nay thời tiết không rét đậm nhưng từ Tết ra, tại các địa phương nói trên đã có mưa, thậm chí có mưa rào nên nấm độc vẫn có điều kiện phát triển mạnh.
Đây là những loài nấm trông rất đẹp mắt, khi ăn rất ngon. Những dấu hiệu này cùng với quan niệm sai lầm của người dân cứ tưởng những loại nấm này côn trùng ăn được thì mình cũng ăn được, khiến ngộ độc vẫn xảy ra.
Từ đầu mùa xuân đến nay tuy chưa ghi nhận ca ngộ độc nấm độc nào phải nhập viện nhưng các bác sĩ vẫn cảnh báo người dân không nên lơ là.
BS Nguyên nhấn mạnh: Người ăn phải nấm độc thường có dấu hiệu triệu chứng sau khi ăn như đau bụng, buồn nôn, rối loạn tiêu hoá dẫn đến ỉa chảy...
Các bác sĩ khuyến cáo: Việc đầu tiên, nạn nhân cần được gây nôn hết tất cả những gì trong ruột bằng cách lấy mùn thớt cho vào miệng hoặc dùng bàn chải đánh răng cạo lưỡi nạn nhân, sâu giáp vòm họng, đồng thời nạn nhân cần được rửa ruột rồi nhanh chóng rồi đưa ngay đến bệnh viện.
Trong những trường hợp như vậy, mọi người cần liên hệ ngay với Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai để nhận được lời tư vấn của bác sĩ xem mức độ nặng, nhẹ ra sao, xử lý thế nào, có nhất thiết phải đưa bệnh nhân lên tuyến trên hay ở lại tuyến dưới vẫn có thể chữa được...
TS BS Nguyễn Tiến Dũng cũng làm việc ở Trung tâm nói trên chia sẻ: Các địa phương cần học tập kinh nghiệm của tỉnh Cao Bằng trong việc truyền thông phòng chống tác hại của việc ăn nấm độc.
Trong những năm gần đây, cứ mỗi mùa xuân về, các bác sĩ ở đây lại liên hệ với chi cục ATTP tỉnh tổ chức tuyên truyền cho bà con về nấm độc và cách phòng chống.
Chính vì vậy, số vụ ngộ độc nấm đã giảm xuống từ gần 100 vụ/năm trước đây nay chỉ xuống còn vài vụ. Sau những lần xảy ra ngộ độc như vậy, các bác sĩ BV Bạch Mai thường phối hợp với bà con các địa phương nói trên tìm hiểu và đã phát hiện ở đây có tới hơn 13 loại nấm độc khác nhau.
Để phòng chống hậu quả này, cách tốt nhất là không nên ăn nấm dại và cần thận trọng đối với những loại nấm khô nói riêng, thực phẩm khác bán trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc.