Hiến kế cho lễ hội

Hoàng Minh 11/01/2017 08:15

Tại buổi tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2017, tổ chức ngày 10/1, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý đã chỉ ra những bất cập trong công tác tổ chức lễ hội thời gian qua, đồng thời có những hiến kế để mùa lễ hội sắp tới được tốt hơn.

Theo đánh giá chung công tác tổ chức lễ hội năm 2016 có sự chuyển biến tích cực, nhưng những tồn tại, hạn chế vẫn là câu chuyện nổi cộm.

Hiến kế cho lễ hội

Cảnh từng diễn ra trong Lễ hội cướp phết Hiền Quan.

Nêu tên, chỉ mặt

Cụ thể, những bất cập tồn tại ở các lễ hội trong năm qua vẫn bộc lộ những yếu kém trong công tác quản lý và tổ chức, đặc biệt vẫn để xảy ra những biểu hiện tiêu cực như, ném tiền, cướp lộc, chen lấn, xô đẩy...

Đơn cử, trong năm 2016, Thanh tra Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Dương phát hiện và tịch thu 29.200 tờ tử vi, 22 cuốn sách bói toán; Thanh tra Sở VH-TT&DL tỉnh Hưng Yên xử lý vi phạm tại chỗ đối với các biểu hện trục lợi, lừa gạt khách tham quan, mê tín dị đoan, cờ bạc; Thanh tra Sở VH-TT tỉnh Kiên Giang lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 4 cơ sở hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa phục vụ Lễ hội kỷ niệm 148 năm ngày sinh anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực như trò chơi điện tử, bán dạo trò chơi...

Bên cạnh đó, bà Trịnh Thị Thủy- Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cũng đã thẳng thắn “nêu tên, chỉ mặt” các địa điểm lễ hội sai phạm.

Bà Thủy cho hay một số địa phương chưa thực hiện nghiêm vẫn tổ chức hội chọi trâu, lễ hội chọi trâu mà không phải lễ hội truyền thống của địa phương như: xã Hải Lựu (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), huyện Phúc Thọ (Hà Nội); huyện Vị Xuyên, huyện Bắc Quang (Hà Giang); huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), huyện Hớn Quản (Bình Phước); xã Tân Nguyên (Yên Bình, Yên Bái); xã Bảo Hà (Bảo Yên, Lào Cai), xã Gia Phú (Bảo Thắng, Lào Cai); Mai Sơn (Sơn La)…

Ngoài ra, báo cáo tổng kết cũng cho biết yếu tố bạo lực tại một số lễ hội vẫn còn xảy ra các hiện tượng mang tính phản cảm trong lễ hội, hiện tượng chen lấn, xô đẩy, lén lút đổi tiền, tiền giọt dầu không đúng nghĩa quy định, hiện tượng ăn mặc phản cảm trong lễ hội gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Điển hình như hiện tượng chen lấn, xô đẩy, lén lút đổi tiền lẻ, ăn xin, ép giá tại Đền Trần (Nam Định); tranh cướp tại Lễ hội Gióng (Hà Nội); tục rước Tàng Thinh tại lễ hội Ná Nhèm, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn); tình trạng khấn khuê Đền Bà Chùa Kho (Bắc Ninh), Đền Kiếp Bạc (Hải Dương), Đền Liễu Hạnh (Quảng Bình)…

Một số lễ hội lớn vẫn chưa thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường trong lễ hội, vẫn còn để xảy ra hiện tượng bẻ cành cây, xả rác thải bừa bãi, nước thải gây mất vệ sinh, mỹ quan của lễ hội như Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), Lễ hội Núi Bà Đen (Tây Ninh) và một số lễ hội Nghinh Ông ở một số tỉnh ven biển.

Ngoài ra, vấn đề vệ sinh môi trường một số di tích chưa tốt, rác thải chưa được thu gom kịp thời; chất lượng các nhà vệ sinh về cơ bản chưa đạt chuẩn, thậm chí một số di tích có nguồn thu lớn, lượng khách đông, nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn, thậm chí một số di tích có nguồn thu lớn, lượng khách đông, nhà vệ sinh đã xây dựng từ lâu, đến nay xuống cấp, trang thiết bị hư hỏng không đảm bảo như như Đền Bà Chúa Kho, Đền Và, Đền Đức Thánh Cả…

Để lễ hội đi vào nề nếp

Trước thực trạng bất cập này, về phía cơ quan quản lý, ông Phạm Xuân Phúc- Phó chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL nhận định: “Sự thay đổi về nhận thức, hành vi của những người tham gia lễ hội ngày càng được thể hiện rõ nét, kéo theo đó là các hoạt động văn hóa trong lễ hội cũng thay đổi nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách tham gia lễ hội.

Các hoạt động trong lễ hội ngày càng đa dạng và phong phú hơn. Các yếu tố văn hóa truyền thống trong lễ hội đang bị mai một. Do vậy, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng tổ chức các hoạt động trong lễ hội cho phù hợp với truyền thống, văn hóa của nước ta”.

Cũng theo ông Phúc, để gỡ bỏ bất cập này cần tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội, ngày hội. Không cấp phép, tổ chức lễ hội tràn lan, vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh.

Chỉ đạo dừng tổ chức đối với những lễ hội đã cấp phép trước đây nhưng có nội dung phản cảm, kích động bạo lực, gây bức xúc dư luận xã hội. Một số địa phương đang tìm cách lách các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội để tiếp tục duy trì, tổ chức lễ hội chọi trâu, hội chọi trâu nếu không có sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước.

Từ hoạt động chọi trâu dẫn tới các vấn đề xã hội trong lễ hội nảy sinh như: hiện tượng dựa vào lễ hội để bán vé, trục lợi; bán thịt trâu chọi giá cao; vấn đề cá cược trá hình trong lễ hội. “Đơn cử Lễ hội Cướp Phết chúng tôi đang đề xuất từng thôn, xã có những người tham gia sẽ mặc đồng phục để tránh tình trạng tranh cướp phản cảm như những năm trước. Ngoài ra cũng cần tuyên truyền để người dân hiểu Cướp Phết chỉ là một trò chơi đầu xuân chứ không phải là một trò tranh cướp”, ông Phúc phân tích.

Còn theo TS Lê Thị Minh Lý- Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia: “Không gian lễ hội chật hẹp, lượng người tham gia lễ hội đông vượt quá khả năng đáp ứng của các di tích và lực lượng phục vụ… BTC lễ hội rút kinh nghiệm từ nhiều năm tổ chức để có kế hoạch, các phương án tổ chức linh hoạt, hiệu quả để những hiện tượng tiêu cực, phản văn hóa sẽ từng bước giảm đi, và cuối cùng sẽ giải quyết được dứt điểm.”

Bên cạnh đó, theo bà Lý, vấn đề dựa danh di sản để thương mại hóa là thực trạng “báo động” tại các lễ hội. Do vậy, để giải quyết triệt để vấn đề này cần phải đẩy mạnh việc sưu tầm, nghiên cứu về di tích, lễ hội, luận cứ khoa học để giảm thiểu sự tuỳ tiện, không đúng với bản chất của lễ hội.

“Nhiều lễ hội hiện nay việc tuyên truyền, giới thiệu về di tích, lễ hội còn mang tính hình thức, đơn điệu, chưa hấp dẫn để du khách hiểu về các giá trị lịch sử văn hóa của di tích, công trạng của nhân vật thờ tự và ý nghĩa của lễ hội cũng như cách thực hành nghi lễ, dâng lễ vật đảm bảo tính trang nghiêm, thành kính”, bà Lý cho hay.

Về phía địa phương, ông Nguyễn Đắc Thủy- Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Phú Thọ góp ý: “Để tránh giải quyết được những bất cập trong mùa lễ hội cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Đơn cử, như lễ cầu trâu giải thích cho người dân hiểu đây là hành động gây phản cảm. Hay như lễ hội cướp phết Hiền Quan cần phân biệt giữa người tham gia cướp phết với người đến tham gia.

BTC cần có những quy định cụ thể như chỉ có người của địa phương mới tham gia cướp phết. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường lực lượng an ninh để đảm bảo an toàn cho người tham gia lễ hội”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiến kế cho lễ hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO