Tại Hội thảo về kinh nghiệm xây dựng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn diễn ra vào sáng 10/6 tại Tuyên Quang, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện MTTQ các địa phương đã chia sẻ những kinh nghiệm tại địa phương; đồng thời đề xuất kiến nghị với Trung ương, tỉnh và các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung mà trọng tâm là xây dựng và nhân rộng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn ở khu dân cư.
Xử lý chất thải rắn sinh hoạt bền vững theo hướng biến chất thải thành tài nguyên
Tham luận mở đầu Hội thảo, PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam nhận định, hiện nay chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại nhiều vùng nông thôn chưa được thu gom và xử lý đúng quy định và là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường.
Chất thải rắn sinh hoạt hầu hết chưa được phân loại tại nguồn. Phương thức xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu vẫn là chôn lấp, các bãi chôn lấp chủ yếu tồn tại từ lâu, tiêu tốn quỹ đất, tỷ lệ chất thải được xử lý kết hợp thu hồi năng lượng còn thấp.
“Trong các năm 2006-2009, mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn 3R được triển khai thử nghiệm tại Hà Nội. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện đã đi vào quên lãng” ông Hải dẫn chứng và cho rằng nguyên nhân của sự thất bại là do chưa có tính bền vững trong chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng không đồng bộ khiến việc phân loại chất thải trở nên nửa vời”, PGS.TS Lưu Đức Hải nêu thực tế.
Do đó, PGS.TS Lưu Đức Hải khuyến nghị cần có nghiên cứu phân tích nguyên nhân và đề ra các giải pháp để xây dựng mô hình ‘Cộng đồng thu gom và phân loại chất thải rắn sinh hoạt bền vững”, từ đó mở rộng các mô hình này trên phạm vi cả nước để giải quyết vấn đề quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt bền vững theo hướng biến chất thải thành tài nguyên.
Từ kinh nghiệm xây dựng mô hình điểm sáng, xanh, sạch, đẹp và phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, ông Bùi Hữu Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hiện nay lượng rác thải phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 920 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom đã đạt trên 75% ở nông thôn và trên 95% ở đô thị.
Tuy nhiên phương pháp xử lý chủ yếu là chôn lấp thông thường (chiếm khoảng 75%) và đốt bằng các lò rác quy mô nhỏ ở cấp xã và cơ sở xử lý do tư nhân đầu tư. Hầu hết các bãi chôn lấp và cơ sở xử lý rác thải đang hoạt động hiện nay chưa đáp ứng được quy chuẩn về môi trường.
Từ bức tranh hiện trạng thu gom, xử lý rác thải của Vĩnh Phúc, ông Bùi Hữu Hưng cho rằng, để thực hiện được mục tiêu phân loại rác thải tại nguồn đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền vận động cũng như chú trọng đầu tư trang thiết bị.
“Trước hết cần phải xây dựng hệ thống nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt quy mô cấp huyện với công suất đủ lớn để có khả năng xử lý hết số rác thải hàng ngày trên địa bàn với các công nghệ đốt và kết hợp giữa đốt và tái chế thành các sản phẩm khác nhau. Đây là điều kiện tiên quyết và quyết định đến việc thành công của hoạt động phân loại rác thải tại nguồn”, ông Hưng đề xuất.
Ông Hưng cũng cho rằng cần có sự đầu tư đồng bộ dụng cụ đựng rác theo từng loại, việc thu gom rác phải có tính chuyên dụng cho từng loại rác, tránh hiện tượng rác đã được phân loại từ các hộ gia đình lại bị trộn lẫn khi vận chuyển đến nơi xử lý.
Đặc biệt phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động người dân hưởng ứng tham gia và có những hình thức tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể, sinh động để người dân xác định rõ từng loại rác tránh nhầm lẫn giữa rác hữu cơ, vô cơ, rác không thể xử lý mà chỉ có thể chôn lấp.
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, ông Mai Văn Phú, Ban công tác Mặt trận (CTMT) thôn Ủm Đon, xã Yên Mỹ, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn cho biết, thôn đã thành lập Tổ tự quản về bảo vệ môi trường với sự tham gia của 77 hộ gia đình sinh sống trên địa bàn cùng triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường như phân loại rác thải trước khi xử lý, các hộ gia đình cam kết đăng ký thi đua hàng năm không vi phạm ô nhiễm môi trường, không sử dụng, vận chuyển và kinh doanh các sản phẩm nông sản không an toàn, không rõ nguồn gốc.
Ban CTMT thôn Ủm Đon cũng tích cực vận động gia đình, hội viên các tổ chức hội trồng và chăm sóc hàng rào xanh, đoạn đường tự quản trồng hoa, tổ chức quét dọn đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh đảm bảo môi trường xanh, sạch vào ngày 29 hàng tháng. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã Yên Mỹ, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn tham gia các hoạt động hưởng ứng ngày môi trường thế giới.
“Ban CTMT thôn đã tuyên truyền đến các thành viên, các chi hội, đoàn thể vận động nhân dân áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi như: xây hầm Biogas, sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi, góp phần vào công tác giữ gìn vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới”, ông Mai Văn Phú thông tin.
Cần nâng cao ý thức và thay đổi hành vi của người dân trong phân loại, xử lý rác thải
Bà Hà Minh Liên, Trưởng ban CTMT bản Khinh, xã Thanh Lương, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái cho biết, nhiều năm qua Tổ tự quản bảo vệ môi trường Bản Khinh, xã Thanh Lương, thị xã Nghĩa Lộ được MTTQ các cấp ghi nhận và đánh giá cao là mô hình tiêu biểu thu gom, phân loại và xử lý rác thải ở địa phương.
Nhờ đó, nhà ở dân cư được xây dựng khang trang, chủ yếu là nhà sàn, nhà sàn cải tiến bê tông hóa, đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp, xây dựng được tuyến đường hoa lu, hoa ban dài 800m, xây dựng tuyến đường điện thắp sáng tổng số 62 bóng, dài 2,5km.
Cùng với đó, Ban CTMT bản Khinh thường xuyên phát động nhân dân trong thôn bản tham gia quét dọn 2 lần/ tháng, thu gom rác thải, phát quang cây bụi ven đường, khơi thông cống rãnh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm; vận động nhân dân phân loại rác thải từ gia đình xử lý tại hố rác của gia đình, sử dụng xe chuyên dụng để thu gom rác.
Gắn với thực hiện các mô hình “Ngày thứ bảy cùng dân”, mô hình "đường sáng, xanh, sạch đẹp”, mô hình “nhà sạch, vườn đẹp", mô hình đoạn đường tự quản, mỗi chi hội đoàn thể trong thôn cùng các nhóm liên gia đã thực hiện đoạn đường tự quản của chi hội Phụ nữ, chi hội Nông dân, chi hội cựu chiến binh, chi đoàn thanh niên, các chi hội đã tặng mỗi gia đình một sọt nhựa đựng rác nhằm làm tốt hơn việc thu gom rác, từ đó góp phần nhắc nhở người dân ý thức hơn trong việc cùng chung tay xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, nhân rộng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác tại nguồn, ông Vũ Đức Phúc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Trần Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên cho biết, tại các khu dân cư, Ban CTMT đã chủ trì phối hợp với lãnh đạo thôn, chi đoàn, chi hội tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết thực hiện bảo vệ môi trường, không xả chất thải ra hệ thống cống rãnh, bờ sông, bờ kè, đường làng, ngõ xóm, đảm bảo giữ sạch cảnh quan môi trường; kết hợp tuyên truyền cách thức phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón bằng cách sử dụng chế phẩm sinh học tại gia đình; tạo chuyển rõ trong việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình ở mỗi khu dân cư.
Theo ông Vũ Đức Phúc, trong thời gian tới, cần chú trọng nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của môi trường sống và nhiệm vụ bảo vệ môi trường của các cá nhân tổ chức, hộ gia đình ở các địa bàn dân cư, để người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh, môi trường trong sinh hoạt, sử dụng công trình vệ sinh của hộ gia đình hợp lý, nước thải, rác thải được thu gom và xử lý đúng quy trình, quy định; qua đó đẩy mạnh phong trào vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng cây xanh, nạo vét kênh mương, thu gom rác thải, sản xuất thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống.