Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã nghiên cứu về cuộc sống của các loài động vật hoang dã sống gần nơi xảy ra thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986.
Thảm hoạ Chernobyl là một vụ tai nạn hạt nhân xảy ra vào ngày 26/4/1986 khi nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở thành phố Pripyat, Ukraina bị nổ tại lò phản ứng số 4. Đây được coi là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới cả về chi phí tổn thất và thương vong.
Suốt nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã không ngừng nghiên cứu về cuộc sống của các loài động vật hoang dã sống gần nơi xảy ra thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986 và nhận thấy nhiều điểm đáng báo động.
Sức sinh tồn mãnh liệt của loài sói
Đầu tiên, công bằng mà nói, một số loài động vật dường như vẫn ổn ngay cả khi có lượng phóng xạ cao. Ví dụ điển hình với sự phát triển mạnh mẽ của loài sói. Năm 2011, Dịch vụ Truyền thông Công cộng đã phát hành một bộ phim tài liệu về những con sói ở Chernobyl và liệu chúng có thực sự ổn như vẻ bề ngoài hay không.
Bộ phim tài liệu theo chân hai nhà khoa học người Đức, những người đã tìm thấy mức độ phóng xạ cao trong xương của một con nai sừng tấm mà những con sói đang săn mồi. Họ dự kiến có thể sẽ tìm thấy các bất thường về gen hoặc các vấn đề sức khỏe khác ở những con sói, nhưng họ đã không tìm thấy gì. Tất cả những con sói dường như đều khỏe mạnh.
Một nghiên cứu năm 2019 được công bố bởi tổ chức Môi trường Quốc tế đã cung cấp một giả thuyết rằng, bởi loài sói có xu hướng săn mồi trong trong một phạm vi lớn, nên chúng không nhất thiết chỉ ăn những con mồi bị nhiễm phóng xạ xung quanh Chernobyl.
Động vật trang trại ‘dị tật bẩm sinh’
Trong khoảng thời gian ngắn sau thảm họa hạt nhân, hơn 400 vật nuôi trang trại dị dạng đã được sinh ra ở khu vực xung quanh Chernobyl vào năm 1990, chỉ 4 năm sau sự cố. Trong một số trường hợp xấu nhất, những con vật có thêm chi hoặc đầu và khuôn mặt dị dạng. Nhẹ nhàng hơn thì chúng sẽ nhỏ hơn mức bình thường hoặc có màu lạ.
Tổn thương tuyến giáp ở gia súc
Theo một nghiên cứu được công bố bởi Arquivos Brasileiros de Endocrinologia & Metabologia vào năm 2007, một thập kỷ sau vụ tai nạn, tỷ lệ ung thư tuyến giáp ở những người sống tại Belarus, Nga và Ukraine cao gấp 10 lần so với bình thường.
Gia súc trong khu vực cũng bị ảnh hưởng tương tự. Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Khoa học về Phóng xạ Nông nghiệp Belarus, những con vật được nuôi trên đồng cỏ cách lò phản ứng rò rỉ trong vòng nửa chục dặm hoặc thậm chí xa hơn đều có dấu hiệu bị tổn thương tuyến giáp do phóng xạ trong vòng 5 tháng sau sự cố.
Bộ não chim ‘nhỏ lại’
Các nhà khoa học đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu về tác động của sự cố hạt nhân Chernobyl đối với các loài chim cư trú. Một nghiên cứu năm 2011 được công bố bởi Plos One đã xem xét kích thước não của 550 con chim khác nhau từ 48 loài sinh sống quanh khu vực Chernobyl.
Nghiên cứu cho thấy rằng, trung bình, những con chim tại Chernobyl có bộ não nhỏ hơn khoảng 5% so với bộ não của những con không tiếp xúc với mức độ phóng xạ tương tự, và kích thước não có xu hướng nhỏ hơn ở những con chim non.
Nghiên cứu này quan trọng không chỉ vì nó giúp các nhà khoa học hiểu được lượng bức xạ có thể ảnh hưởng đến quần thể chim địa phương như thế nào, mà còn vì những tác động tương tự đối với kích thước não đã được quan sát thấy ở người tiếp xúc với bức xạ.
‘Chim bạch tạng’
Những loài chim sinh sống ở Chernobyl bị ảnh hưởng bởi thảm họa theo nhiều cách khác nhau, nhưng một trong những điều dễ thấy nhất là màu lông của chúng. Sau sự cố rò rỉ, đã có sự gia tăng một phần bệnh bạch tạng trong quần thể chim én và các loài chim trong khu vực khác.
Trong một nghiên cứu năm 2013 được công bố trên Tạp chí Mutation Research / Genetic Toxicology and Environmental Mutagenesis, các nhà nghiên cứu đã bắt 1.669 con chim Chernobyl và ghi nhận 111 trường hợp mắc bệnh bạch tạng một phần và 25 khối u.
Những con bạch tạng thuần chủng thường không sống được lâu vì các vấn đề về thị lực và lông yếu hơn, nhưng những loài bạch tạng một phần thường có một số vấn đề khác nhau. Chúng có xu hướng nhỏ hơn mức trung bình và có thể bị suy giảm miễn dịch, tương tự như những gì đã thấy ở một người bị bạch tạng một phần.
Động vật ảnh hưởng từ xa
Bạn có thể định nghĩa ‘động vật của Chernobyl’ chỉ là những con sinh sống trong vùng loại trừ, nhưng thực sự, bức xạ từ thảm họa không chỉ giới hạn ở khu vực xung quanh lò phản ứng rò rỉ và thành phố Pripyat. Thực tế, sau thảm họa, bức xạ sẽ xoay vòng trong không khí cho đến khi bị cuốn vào gió và bay đến những nơi khác như Đức, Thụy Điển và Cộng hòa Séc.
Theo WorldAtlas, trong khoảng thời gian sau sự cố, bức xạ đã lan rộng khắp châu Âu, khiến các loài động vật trang trại ở xa như Phần Lan và Na Uy bị nhiễm phóng xạ. Phần lớn bức xạ của Chernobyl lắng đọng trong đất, bị nấm và củ quả hấp thụ, rồi cuối cùng trở thành thức ăn cho lợn rừng. Đây sẽ không phải là vấn đề lớn đối với con người ngoại trừ việc con người đôi khi săn bắn và ăn thịt chúng.
Sự phong phú về loài giảm mạnh
Một trong những cách mà các nhà sinh vật học đo lường sức khỏe của hệ sinh thái là xem xét sự phong phú của các quần thể loài. Về cơ bản, điều này có nghĩa là không chỉ cần một vài loài phát triển trong một môi trường sống, mà phải có rất nhiều loài khác nhau cùng phát triển trong môi trường sống đó. Đặc biệt, phải có một quần thể khỏe mạnh trong mỗi loài.
Các nhà khoa học đã xem xét môi trường sống xung quanh khu vực loại trừ và đã phát hiện ra rằng sự phong phú của các loài thực sự không còn tuyệt vời, mặc dù thực tế là một vài loài dường như đang sinh sống đủ tốt. Điều này đến từ thực tế là có một số lượng lớn các gen đột biến di truyền ở những loài động vật này, cùng với tỷ lệ sống thấp hơn và khả năng sinh sản kém.
Theo một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên tạp chí Bulletin of the Atomic Sciences, sự phong phú về loài chim - tức là số lượng loài chim sống trong và xung quanh khu vực Chernobyl - đã giảm khoảng 50% kể từ năm 1986. Sự phong phú về loài - số lượng của các thành viên riêng lẻ của mỗi loài - đã giảm khoảng 66%.
Một thiên đường ‘bất ngờ’
Đối với các loài động vật ở Chernobyl, đột biến luôn là một rủi ro cùng với tỷ lệ sinh thấp và tuổi thọ ngắn. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả những tin xấu. Rốt cuộc, đây vẫn là một thiên đường khi hầu hết không có con người sinh sống, và theo nhiều cách, thích hợp hơn là sống ở một nơi đầy rẫy thợ săn, những kẻ háu ăn và những lái xe tồi. Một số đánh đổi là hoàn toàn xứng đáng.
Không ngạc nhiên khi Chernobyl đã trở thành nơi trú ẩn của một số loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Các loài động vật ăn thịt lớn như gấu và linh miêu (cả hai đều được coi là có nguy cơ tuyệt chủng) đã định cư trong khu vực loại trừ ở Chernobyl và dường như đang duy trì các quần thể khỏe mạnh.
Theo Restoration Ecology, khu vực này cũng là nơi sinh sống của ít nhất 13 cặp đại bàng đốm có nguy cơ tuyệt chủng. Ngoài ra, từ năm 1998 đến năm 2004, các nhà bảo tồn đã đưa ra quyết định kỳ lạ khi thả những con ngựa Przewalski có nguy cơ tuyệt chủng vào khu vực loại trừ, nhưng điều này thực sự có vẻ ổn.