Mặt trận

Hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người nghèo: Xây mái ấm, gieo niềm tin

Anh Vũ 12/05/2025 07:26

Những mái nhà xiêu vẹo, từng đêm mưa tạt gió lùa giờ đã lùi vào ký ức. Trên các bản làng nơi Thủ đô kháng chiến - Tuyên Quang, hàng nghìn mái ấm vững chãi mọc lên mang đến niềm vui, sự bình yên và hy vọng về một tương lai tươi sáng cho người nghèo.

anh thay bai chinh
Cán bộ, công chức và nhân dân xã Yên Hoa, huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) tham gia giúp đỡ hộ gia đình ông Hoàng Văn Thi tháo dỡ nhà ở cũ. Ảnh: Đỗ Sang.

Những mái ấm của tình người

Chỉ mới năm trước, căn nhà gỗ mục nát là nơi sinh sống của 4 thành viên trong gia đình ông Hoàng Văn Thi – một hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở thôn Khâu Pồng (xã Yên Hoa, huyện Na Hang). Nhà neo người, không có việc làm ổn định nên việc xây dựng một ngôi nhà vững chãi, an toàn để ở luôn là mong mỏi lớn nhất của vợ chồng ông.

Với sự hỗ trợ từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, đầu tháng 5 này, gia đình ông Thi đã chính thức dọn về sinh sống trong ngôi nhà gỗ kiên cố với diện tích hơn 60m2. Có nơi ở rộng rãi khang trang, giờ đây, vợ chồng ông không còn phải thấp thỏm lo lắng khi mùa mưa bão tới. Ngôi nhà ấm áp nghĩa tình cũng tiếp thêm niềm tin để các thành viên trong gia đình cùng nỗ lực vươn lên, ổn định cuộc sống.

Ông Thi xúc động chia sẻ, ngay sau khi có chủ trương của xã về việc xóa nhà tạm, nhà dột nát, gia đình ông đã được các cán bộ địa phương đến thăm hỏi, động viên và hướng dẫn các thủ tục cần thiết. Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, chính quyền thôn và Ban Công tác Mặt trận đã trực tiếp đứng ra vận động các nguồn ủng hộ về tiền và hiện vật, kêu gọi bà con tham gia hỗ trợ ngày công giúp dọn dẹp mặt bằng, san nền, vận chuyển vật liệu, xây dựng ngôi nhà mới.

Sự sẻ chia, tinh thần đoàn kết cộng đồng đã giúp huyện Na Hang - một trong những địa phương khó khăn có số lượng nhà tạm, nhà dột nát lớn nhất của tỉnh Tuyên Quang đang dần cán đích lộ trình đặt ra. Từ đầu năm đến nay, đã có gần 1.000 căn nhà kiên cố được địa phương xây mới, sửa chữa, trao tận tay những hộ nghèo, gia đình chính sách, người neo đơn. Ông Lương Xuân Hướng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Na Hang cho biết, điểm đột phá của Mặt trận huyện trong thực hiện nhiệm vụ xóa nhà tạm là công tác phối hợp giám sát, kịp thời kiến nghị xử lý các vướng mắc phát sinh. Với phương châm “công khai, minh bạch, rõ ràng”, MTTQ các cấp đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền tổ chức rà soát tình hình nhà ở của hộ nghèo, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để tìm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ. Song song với việc huy động các nguồn lực từ cộng đồng, Mặt trận các địa phương đã khéo léo, linh hoạt vận động các lực lượng tại chỗ đồng hành hỗ trợ người dân xóa nhà tạm, nhà dột nát.

“Đối với những hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cấp ủy, chính quyền các xã đã giao nhiệm vụ cho cán bộ các thôn, bản chịu trách nhiệm tuyên truyền, vận động, tìm phương án hỗ trợ cụ thể. Ngoài ra, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể tích cực vào cuộc huy động cộng đồng cùng tham gia giúp đỡ trên tinh thần “ai có gì giúp nấy”. Với những hộ gia đình neo người, cán bộ thôn và Ban Công tác Mặt trận trực tiếp đứng ra làm “chủ thầu” lo liệu việc xây dựng, hoàn thiện nhà ở” - ông Hướng chia sẻ và cho biết, tính đến ngày 5/5, toàn huyện có 968 căn nhà đã khởi công xây dựng, đạt 90,6% kế hoạch, trong đó có 394 căn đã hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng kinh phí đã được phân bổ là 43 tỷ đồng.

Để hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát đúng tiến độ đặt ra, các huyện, thành thị của tỉnh Tuyên Quang đang tập trung dồn mọi nguồn lực giúp người dân xây dựng, sửa chữa nhà ở. Trong năm 2025, huyện Lâm Bình đặt mục tiêu xóa bỏ 988 căn nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo. Ông Ma Văn Khắp - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Lâm Bình cho biết, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của địa phương phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Với mức hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ xây mới, các xã ở vùng sâu, vùng xa rất khó triển khai vì điều kiện giao thông đi lại khó khăn, chi phí xây dựng cao. Ngoài ra, đa phần các đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số đều không có điều kiện đối ứng nguồn vốn xây dựng nhà ở.

Để tháo gỡ những vướng mắc này, huyện Lâm Bình đã có nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt nhằm từng bước giải quyết vướng mắc về đất ở, hỗ trợ về vốn giúp người dân xây dựng nhà ở. Bên cạnh nguồn kinh phí 60 triệu đồng hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương hướng dẫn người dân vay thêm từ Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Với vai trò chủ trì, MTTQ các cấp đã hiệp thương phân công nhiệm vụ cho các tổ chức thành viên tích cực vào cuộc tuyên truyền vận động các tổ chức, doanh nghiệp và người dân hỗ trợ tiền, vật tư, ngày công giúp các hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Các nguồn vật liệu tại chỗ như cát, đá, sỏi, gỗ cũng được tận dụng để giúp các hộ dân giảm chi phí xây dựng, sửa chữa nhà ở.

“3 cùng” giúp người dân xóa nhà tạm

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Tuyên Quang đã chứng kiến những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân. Từ đầu năm 2025 đến nay, hàng nghìn ngôi nhà mới, khang trang dần mọc lên trên những nền đất từng là những căn nhà tạm bợ, dột nát. Trong hành trình đầy ý nghĩa này, không thể không nhắc đến sự đóng góp thầm lặng của đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, những người trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn người dân xây dựng, sửa chữa nhà cửa. Họ không quản ngại khó khăn, vất vả, đến từng thôn bản, vận động, giám sát, đảm bảo chất lượng công trình.

Ông Lê Ngọc Tân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang cho biết, triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, Mặt trận các cấp đã tập trung huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội cùng giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Với phương châm công khai, minh bạch Mặt trận các địa phương đã phối hợp cùng với chính quyền tổ chức rà soát phân loại chọn đúng người đúng đối tượng để triển khai hỗ trợ bảo đảm phù hợp hiệu quả các nguồn lực của xã hội.

Quá trình rà soát, thống kê được tiến hành thông qua cuộc họp thôn, các buổi sinh hoạt của tổ chức đoàn thể, gặp gỡ trực tiếp các hộ nghèo để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con. Thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Mặt trận các địa phương đã tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, gia đình, dòng họ và cộng đồng tham gia giúp đỡ về ngày công, nguyên vật liệu để hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở. Các hoạt động “3 cùng” với nhân dân cũng được các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh để trực tiếp xuống vận động và hỗ trợ hộ nghèo làm mới và sửa chữa nhà ở.

“Trong quý I/2025, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã tham gia giúp đỡ trên 50.000 ngày công, hỗ trợ vật liệu xây dựng như xi măng, cát, sỏi, gạch, cửa… trị giá trên 10,5 tỷ đồng giúp đoàn viên, hộ nghèo làm mới, sửa chữa nhà ở. Không chỉ giúp người dân an cư trong những ngôi nhà vững chãi, mỗi viên gạch, từng ngày công chứa đựng nghĩa tình đồng bào đã tiếp thêm niềm tin để người nghèo vững bước hướng tới một tương lai tươi sáng hơn” - ông Tân chia sẻ.

Song song với việc vận động mọi nguồn lực để hỗ trợ làm nhà ở, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Tuyên Quang đã tăng cường các hoạt động giám sát để bảo đảm chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát được thực hiện công bằng, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Để đảm bảo đúng tiến độ đặt ra, Ban Chỉ đạo tỉnh Tuyên Quang đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện rà soát, lập danh sách hộ nghèo có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở. Tại các địa bàn khó khăn có số lượng đối tượng cần hỗ trợ lớn, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động nguồn lực xã hội hóa, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư để vận động các hộ đã đăng ký khẩn trương khởi công xây dựng nhà ở.

Tính đến đầu tháng 5/2025, toàn tỉnh Tuyên Quang đã triển khai hỗ trợ 6.388 hộ/6.928 hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát đạt trên 92% kế hoạch. Trong đó, số hộ hoàn thành là 3.380 căn, số hộ đang làm 3.008 căn, còn 540 hộ chưa triển khai làm. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối tháng 6/2025 sẽ hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người nghèo: Xây mái ấm, gieo niềm tin