Với mong muốn lưu giữ vẻ đẹp của xác sinh vật, Nguyễn Tiến Minh Duy (15 tuổi, ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Dak Lak) đã hiện thức hóa ý tưởng làm cho cái chết của các loài động vật trở nên bắt mắt, sinh động.
Xuất phát từ việc thích nghiên cứu khoa học và sau đó là mong muốn làm cho cái chết của các loài động vật có vẻ đẹp riêng, Nguyễn Tiến Minh Duy – cậu học sinh lớp 9 đã mày mò, tìm tòi phương pháp tiêu bản động vật, biến xác chết của sinh vật trở nên sinh động.
Sau 2 năm tìm tòi nghiên cứu, hiện tại Duy sở hữu cho riêng mình bộ sưu tập gồm 50 mẫu sinh vật, trong đó có: rồng úc, cá ngựa, rắn, kỳ đà, thằn lằn...
Nói về phương pháp tiêu bản, Duy cho biết thực chất phương pháp này còn gọi là Diaphonization (tiêu bản trên xác động vật). Kỹ thuật làm tiêu bản vốn không phải là khái niệm mới. Trước đó vào năm 1897, Schultze lần đầu tiên phát hiện và phát triển kỹ thuật này. Sau này, nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đã tiến hành sửa đổi và hoàn thiện.
Theo thời gian đến năm 1927, những mẫu vật hoàn thiện đầu tiên sử dụng phương pháp này xuất hiện và tiếp tục được sử dụng bởi các nhà giải phẫu so sánh, nhà phôi học động vật có xương sống.
Tại Việt Nam, kỹ thuật này bắt đầu xuất hiện trong vài năm trở lại đây, tuy nhiên không phổ biến và có rất ít người biết đến những sản phẩm được tạo nên từ phương pháp này. Thực tế, để tạo nên những sản phẩm như mong muốn, Duy vấp phải muôn vàn khó khăn, trước hết là vì cậu còn quá ít tuổi.
Để có được nguyên liệu làm tiêu bản, Duy đã phải tự mình đi thu mua và xin xác động vật từ các tiệm cá cảnh, cửa hàng thú cưng… Cậu tận dụng tất cả các mối quan hệ để có thể thu gom xác chết động vật. Các loại hóa chất được dùng để làm tiêu bản cũng rất khó mua tại Việt Nam, cậu phải nhờ người quen từ Mỹ, Canada, Trung Quốc mua giúp và gửi về.
Không vì khó khăn mà bỏ cuộc, Duy quyết tâm khắc phục hạn chế bằng mọi cách. Bị bố mẹ ngăn cấm, Duy từ từ thuyết phục bố mẹ. Nhờ bán được những mẫu đầu tiên, Duy hoàn toàn được bố mẹ ủng hộ, sau đó bố mẹ còn đầu tư tiền cho Duy để sắm thêm nguyên vật liệu.
Minh Duy cho biết để tạo ra được một mẫu vật hoàn chỉnh cậu mất khoảng vài tuần, tuy nhiên với một số mẫu vật có kích thước lớn thì có thể sẽ mất tới vài tháng. Theo Duy, để hoàn thiện một sản phẩm tiêu bản trên xác sinh vật chết cần trải qua 6 công đoạn chính: từ ngâm dung dịch chống phân huỷ, nhuộm lần 1, nhuộm lần 2 đến rã dung dịch nhuộm, tẩy và hoàn thành tác phẩm.
Bắt tay thực hiện tiêu bản từ năm lớp 7, sau 2 năm vừa học vừa làm, cậu tích lũy cho riêng mình gia tài với đủ loại mẫu vật. Những sản phẩm do chính tay Minh Duy làm ra hút mắt người xem nhờ độ tinh xảo, đẹp mắt, sống động đến từng chi tiết.
Trong số gần 120 mẫu vật do chính tay mình tạo ra, Minh Duy thích nhất vẫn là mẫu tiêu bản xác cá ngựa. Đối với mẫu vật phẩm này, cậu học sinh lớp 9 mất tới 4 tuần để hoàn thiện, sản phẩm cho ra mắt có cấu trúc hoàn hảo, không bị lỗi, màu nhuộm hài hoà và mang ý nghĩa đặc biệt. “Hình tượng con cá ngựa gai góc khiến em có niềm tin về sự sống luôn tồn tại, em thường mang theo nó bên mình như lá bùa hộ mệnh”, Duy tiết lộ.
Trong suy nghĩ non nớt của cậu học sinh lớp 9 chết chưa phải là hết, Minh Duy luôn tôn trọng những hình thái sống, thổi hồn để lưu giữ vẻ đẹp cho những loài sinh vật. Duy quan niệm rằng cái đẹp luôn tiềm ẩn ở tất cả mọi nơi, ngay trên những sinh vật đã chết.
Chính vì yêu thích nghiên cứu, Minh Duy thường dành thời gian rảnh rỗi để nghiên cứu tìm tòi phương pháp nhuộm xác sinh vật. Cậu chia sẻ thời gian tới để vừa phát triển đam mê vừa tiếp tục việc học hành, Minh Duy sẽ tìm cách cân bằng giữa 2 việc quan trọng.
“Với em 2 việc quan trọng bây giờ là học tập và theo đuổi đam mê. Em chỉ mong rằng với những nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi của mình, phương pháp nhuộm xác tiêu bản sẽ được phổ biến rộng rãi hơn. Em cũng hi vọng sẽ có nhiều người biết đến phương pháp này, đặc biệt là các nhà nghiên cứu sẽ ứng dụng phương pháp tiêu bản vào lĩnh vực khoa học”, Minh Duy nói.