Hiến vàng cho cách mạng

Quang Huy 19/08/2021 14:00

Lịch sử đã ghi nhận rất nhiều đóng góp bằng vật chất của nhân dân cả nước cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong đó, tại Tuần lễ Vàng được phát động vào mùa thu cách đây 76 năm, hàng tấn vàng đã được đóng góp. Trong số những gia đình Hà Nội sẵn sàng chia sẻ khó khăn với Chính phủ mới, có gia đình ông bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ.

Ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ thời trẻ.

1. Ông Trịnh Văn Bô sinh năm 1914, nguyên quán tại làng Đồng Hoàng, xã Đồng Mai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội) trong gia đình danh gia vọng tộc - thuộc dòng dõi của Khánh quận công Trịnh Kiều - con thứ 4 của An Đô Vương Trịnh Cương. Thân phụ của ông là Trịnh Văn Đường - chủ thương hiệu vải Trịnh Phúc Lợi có chuỗi cửa hàng ở phố cổ Hà Nội. Mẹ ông họ Phan, người gốc Hoa, về sau nối nghiệp chồng quản lý thành công hiệu buôn Phúc Lợi. Anh trai ông là Trịnh Văn Bính, từng được gia đình cho đi học ở Anh, Pháp.

Sau đó về nước, với kiến thức uyên bác về tài chính, đặc biệt là thuế, ông Trịnh Văn Bính là người Việt đầu tiên và duy nhất được giữ cương vị lãnh đạo trong Sở Thuế quan Đông Dương dưới thời thuộc Pháp. Sau cách mạng tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng đã mời ông chuyển sang làm việc ở Bộ Tài chính. Ông được bổ nhiệm là Thứ trưởng Bộ Tài chính kiêm Giám đốc Sở Thuế quan và thuế gián thu.

Khác với anh trai, Trịnh Văn Bô lại đi theo con đường cha đã chọn. Ông cùng với chị gái là Trịnh Thị Thục tiếp tục kinh doanh trên thương trường. Đến tuổi trưởng thành, Trịnh Văn Bô kết hôn với cô gái Hoàng Thị Minh Hồ - thứ nữ của cụ Hoàng Đạo Phương - một thành viên Trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Năm 1932, ông Trịnh Văn Bô bắt đầu kế thừa thương hiệu Phúc Lợi với gian hàng tơ lụa ở số 7 Hàng Ngang (Hà Nội), trở thành thế hệ kế thừa thứ 4 của thương hiệu Phúc Lợi. Với sự khôn khéo trong buôn bán và “chính sách” chi tiêu tiết kiệm, ông Bô - bà Hồ trở thành nhà doanh nghiệp giàu nhất nhì Hà Nội thời đó.

Đến tháng 11/1944, được hai anh em Tạ Văn Lưu và Tạ Văn Thực tuyên truyền giác ngộ, ông bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ cùng con trai cả gia nhập Việt Minh Hà Nội.

Sau khi nhân dân Hà Nội giành chính quyền, ngôi nhà 48 Hàng Ngang của gia đình ông bà được chọn làm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cộng sự từ chiến khu trở về. Trên gác 2 của căn nhà này, Hồ Chủ tịch đã soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đưa ra những quyết định trọng đại của Chính phủ mới, trong đó có việc tổ chức Lễ Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.

Có một chi tiết vẫn được nhiều người nhắc đến, đó là các y phục của các lãnh đạo Việt Minh trong ngày lễ Độc lập, hầu hết do gia đình ông Trịnh Văn Bô cung cấp. Thậm chí các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đã mặc y phục của ông Bô trong ngày lễ Độc lập. Riêng chiếc áo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vải may áo do hiệu buôn Phúc Lợi cung cấp.

Sau thời gian tham gia tản cư lên Cao Bằng để tránh Pháp tái chiến Đông Dương, năm 1955 Trịnh Văn Bô cùng gia đình trở về Hà Nội. Ông được phân công giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội cho đến ngày nghỉ hưu.

2. Người xưa có câu, đứng sau người đàn ông thành công bao giờ cũng có bóng dáng một người phụ nữ. Câu nói ấy quả không sai với ông Trinh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ.

Bà Minh Hồ quê gốc ở làng Kim Lũ (Thanh Trì), lớn lên tại số nhà 21 phố Hàng Đào. Thân phụ bà là ông Hoàng Đạo Phương- một người trọng nghĩa khí, ghét Tây. Ông tham gia phong trào Đông kinh Nghĩa thục năm 1907. Năm 1944, lực lượng Việt Minh đã tìm đến liên lạc vận động ông bà tham gia Việt Minh.

Ngày 24/3/1945 là ngày rất đáng nhớ với bà Hoàng Thị Minh Hồ, đánh dấu lần đầu gia đình bà ủng hộ tiền cho cách mạng. Bà Hồ nhớ, hôm đó có một người đưa ông Khuất Duy Tiến đến nhà. Lần đó bà Hồ ủng hộ một vạn đồng Đông Dương. Bà Hồ từng kể rằng, để có số tiền đó, bà phải bán đi 16 hòm tơ bóng. Sau đó, từ tháng 3 đến tháng 8/1945, gia đình bà liên tục tặng tiền cho cách mạng: quyên góp giúp Hội Phụ nữ Cứu quốc 15.000 đồng để in báo; ủng hộ Quỹ Độc lập 20 vạn đồng (500 lượng vàng); tặng một kho súng trị giá 200 lượng vàng cho Việt Minh… Đặc biệt, trong Tuần lễ Vàng được Bác Hồ phát động ngày 4/9/1945, bà Hoàng Thị Minh Hồ cũng tham gia trong ban vận động để quyên góp tiền cho cách mạng. Riêng gia đình bà trong dịp này đóng góp 117 lượng vàng.

Lúc sinh thời, bà Minh Hồ luôn quan niệm rằng, người buôn bán là phải cần cù, cẩn thận, tiết kiệm. Khi tiêu tiền cho bản thân thì bà tiết kiệm từng xu, nhưng làm từ thiện hay ủng hộ cách mạng thì mấy chục lạng vàng một lúc cũng không tiếc. Và việc ủng hộ là vô tư, với mong muốn giúp ích cho “việc giành độc lập của dân tộc chứ không bao giờ suy nghĩ sau ngày cách mạng thành công sẽ thu được cái gì hay được trả lại”.

Vợ chồng ông bà Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ sinh được 7 người con: Trịnh Lương, Trịnh Đoan Trang, Trịnh Tuyết Anh, Trịnh Kiểm, Trịnh Kiến Quốc, Trịnh Cần Chính, Trịnh Quyết Thắng.

Quang cảnh ngày khai mạc Tuần lễ Vàng, ngày 16/9/1945.

3. Những đóng góp của gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô quả là dấu son đẹp trong lịch sử tài chính cách mạng. Nhưng lịch sử dân tộc Việt Nam cũng đã ghi nhận rất nhiều sự đóng góp bằng vật chất của nhân dân cả nước cho sự nghiệp cách mạng và giải phóng dân tộc. Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi đất nước độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lập Quỹ Độc lập và phát động Tuần lễ Vàng. Lập tức, phong trào đã lan khắp cả nước, được các tầng lớp dân chúng ủng hộ. Người có vàng góp vàng, người có tiền góp tiền, người có thóc cũng mang thóc lúa ra góp, thậm chí nhiều người còn mang nhà đi hiến tặng…

Kết thúc Tuần lễ Vàng, trên cả nước đã có 370kg vàng và 40 triệu đồng nộp vào Quỹ Độc lập và 20 triệu đồng nộp vào Quỹ Quốc phòng.

Trong những ngày Quỹ Độc lập và Tuần lễ Vàng, với tư cách là người trong Ban Vận động, ngoài việc đóng góp vàng, gia đình ông Trịnh Văn Bô còn dùng tiền mua vé mời 100 đại biểu thương gia Hà Nội tham dự liên hoan và dự Lễ bế mạc Tuần lễ Vàng…

Ghi nhận những đóng góp của doanh nhân Trịnh Văn Bô và gia đình với đất nước, năm 1988, Đảng và Nhà nước đã truy tặng ông Trịnh Văn Bô Huân chương Độc lập hạng Nhất, đồng thời trao tặng phần thưởng cao quý này cho cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ.

Đầu năm 1945, gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô ủng hộ 1 vạn đồng Đông Dương, tương đương 25 cây vàng cho Mặt trận Việt Minh. Sau lần đó, gia đình tiếp tục ủng hộ nhiều đợt, nhiều hình thức. Tính đến trước Cách mạng Tháng Tám, gia đình ông Bô đã ủng hộ 8,5 vạn đồng Đông Dương, tương đương 212,5 cây vàng theo thời giá lúc đó.

Các tài liệu chính thức ghi nhận, chỉ riêng gia đình ông Trịnh Văn Bô đã ủng hộ cho Chính phủ 5.147 lượng vàng, tương đương với 2.000.000 đồng Đông Dương (theo thời giá lúc đó).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiến vàng cho cách mạng