Chiều ngày 21/6, tại Bãi tắm Hòn Gai (TP Hạ Long, Quảng Ninh) đã xảy ra 1 vụ tai nạn đuối nước nghiêm trọng, nạn nhân được đưa lên bờ trong trạng thái ngừng thở và được cứu sống một cách thần kỳ nhờ 2 “hiệp sĩ” cấp cứu mỏ thực hiện cứu hộ kịp thời.
Phóng viên Đại Đoàn Kết Online đã có cuộc gặp gỡ 2 “hiệp sĩ” để nghe chia sẻ về quá trình đưa nạn nhân đuối nước từ tay tử thần trở về. 2 “hiệp sĩ” cấp cứu mỏ đó là anh Hoàng Đức Quyền và anh Nguyễn Đăng Vỹ.
Được biết, anh Hoàng Đức Quyền là Đoàn viên Thanh niên Trung tâm Cấp cứu mỏ và hiện đang là đội viên cứu hộ mỏ - Trung tâm Cấp cứu mỏ Vinacomin (TKV).
Còn anh Nguyễn Đăng Vỹ là Phó Quản đốc phân xưởng thông gió Công ty than Hòn Gai đồng thời đang phụ trách Đội cấp cứu mỏ bán chuyên tại Công ty Than Hòn Gai (TKV). Trước đó, anh Vỹ đã từng là đội viên cứu hộ mỏ tại Trung tâm Cấp cứu mỏ Vinacomin.
Chia sẻ về quá trình cứu hộ nạn nhân, anh Vỹ kể lại, vào khoảng 17h15, người dân phát hiện có người đuối nước nên đã hô hoán kêu cứu, anh nghe thấy liền nhanh chóng tiến tới chỗ nạn nhân, kịp thời túm được tóc và kéo được nạn nhân lên bờ. Anh vác ngược người của nạn nhân và chạy nhiều vòng quanh bờ biển để dốc bớt nước ra từ miệng nạn nhân. Sau đó, anh đặt nạn nhân nằm xuôi theo bờ biển để giúp nước dễ ộc ra từ cơ thể người bị đuối nước và tiến hành hà hơi thổi ngạt và ép tim khoảng 2 chu kỳ, mỗi chu kỳ 30 nhịp.
Cùng lúc đó, anh Quyền đang đi tắm biển cùng bạn tại đây, khi nghe tiếng kêu cứu, anh Quyền ngay lập tức lao tới chỗ người bị nạn, hỗ trợ anh Vỹ đưa nạn nhân vào bờ và tiếp tục thực hiện sơ cứu cho nạn nhân.
Anh Quyền nhớ lại: ”Khi đó, nạn nhân đã ở trạng thái chết lâm sàng, toàn thân tím tái và tim đã ngừng đập. Sau khi đưa nạn nhân lên vai anh Vỹ vác chạy vài vòng để nước được chảy ra từ trong dạ dày nạn nhân và đặt xuống thì 2 anh em cùng thực hiện động tác sơ cấp cứu đã được đào tạo bài bản từ trước như rửa sạch khoang miệng cho nạn nhân, lấy khăn lau đờm dãi từ miệng nạn nhân để làm sạch phần khoang miệng và thực hiện hô hấp nhân tạo, hồi sức tim phổi. Sau khi thực hiện hà hơi thổi ngạt, ép tim hô hấp nhân tạo cho nạn nhân khoảng gần 5 phút thì nạn nhân có dấu hiệu khôi phục sự thở, tim nạn nhân đập trở lại và chân tay cử động nhẹ, mắt mở được”.
Trong lúc anh Quyền thực hiện sơ cứu cho nạn nhân, anh Vỹ đã nhanh chóng giải tán đám đông đang tụ tập xung quanh để tạo không gian thông thoáng cho nạn nhân khi đã có dấu hiệu khôi phục được sự thở.
Chia sẻ thêm về kỹ năng cứu hộ, anh Quyền nói: “Tất cả các kỹ năng cứu hộ của các anh đều được học tập và đào tạo bài bản tại Trung tâm Cấp cứu mỏ. Anh và anh Vỹ đã thực hiện đúng các phương pháp sơ cấp cứu cho nạn nhân đuối nước, mỗi chu kỳ hồi sinh tim phổi, các anh thực hiện hà hơi thổi ngạt 2 lần và ép tim 30 lần cho nạn nhân”.
Anh Vỹ nhận định, thanh niên bị đuối nước thật sự rất may mắn. Sau khi bạn ấy chìm xuống thì có người dân kịp thời phát hiện, hô hoán kêu cứu và đưa lên bờ, chỉ cần chậm một chút nữa thôi hoặc không gặp đúng người có kỹ năng sơ cứu chuyên nghiệp thì có thể bạn ấy sẽ không còn nữa. Bên cạnh đó, với sự nhạy cảm của người lính cứu hộ mỏ, các anh đã có những xử lý nhanh nhạy và chính xác.
Được biết, trong khi anh Quyền vẫn đang thực hiện sơ cứu thì có xe cấp cứu đến nhưng anh Vỹ đã trao đổi với nhân viên y tế là không đưa nạn nhân lên cáng ngay mà phải tiếp tục thực hiện khôi phục sự thở cho nạn nhân thêm một vài chu kỳ hô hấp nhân tạo cho nạn nhân tỉnh hẳn rồi mới di chuyển nạn nhân ra xe cứu thương.
Vì nhận thấy nạn nhân còn thở yếu, khoảng cách từ chỗ nạn nhân nằm tới chỗ xe cấp cứu còn một đoạn đường khá xa, sợ không đảm bảo an toàn cho nạn nhân trong khi các anh đã cố gắng tranh thủ từng giây “vàng” để giành giật lại sự sống cho nạn nhân, anh Quyền tiếp tục tập trung sơ cứu đến khi nạn nhân hồi tỉnh và có sự thở trở lại bình thường mới cùng nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ đưa lên cáng xe cấp cứu đi bệnh viện.
Chia sẻ về lòng dũng cảm của bản thân khi không ngần ngại cứu người bị nạn ngoài đời thường, 2 "hiệp sĩ" cho biết tuy chuyên môn công việc chính của các anh là cấp cứu trong hầm lò, nhưng với tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh của người lính cấp cứu mỏ, ngay khi nghe tiếng kêu cứu hay gặp trường hợp bị nạn ở bất cứ đâu, các anh đều nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ người bị nạn bằng tất cả các kỹ năng mà mình đã được rèn luyện để góp phần giúp đỡ dù là nhỏ nhất trong tất cả các công tác cứu hộ.
Tại buổi gặp gỡ, PV Báo Đại Đoàn Kết Online cũng được nghe những chia sẻ hết sức xúc động cùng niềm tự hào dâng trào trong ánh mắt của anh Trần Xuân Thắng, Bí thư Chi bộ, Trạm trưởng Trạm Cấp cứu mỏ Hạ Long khi nói về những người lính, người em của mình.
"Nguyễn Đăng Vỹ, Hoàng Đức Quyền- một người lính già, một người lính trẻ cùng với các anh em khác đều là những người lính cấp cứu mỏ ưu tú được anh đào tạo, dạy dỗ vô cùng tâm huyết. Công việc của Đội Cấp cứu mỏ có thể nói là cứu hộ thầm lặng phải đối mặt với nhiều khó khăn và nguy hiểm tuy nhiên tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp được rèn luyện tại đây đều hướng tới mục tiêu giữ sự sống và đặt sự an toàn của tất cả mọi người lên trên hàng đầu”, anh Thắng nói.
Sau khi những hình ảnh cùng câu chuyện cứu người đuối nước của người lính cấp cứu mỏ được người dân ghi lại và lan truyền trên mạng xã hội đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi và sự cảm kích dành cho hành động dũng cảm ấy. Trung tâm Cấp cứu mỏ đã có nhiều phần thưởng nóng cho đội viên cứu hộ mỏ Hoàng Đức Quyền. Đồng thời, BCH Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Khối Doanh nghiệp Trung ương và BCH Đoàn Thanh niên Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đã trao bằng khen tặng anh Hoàng Đức Quyền, Đoàn viên Chi đoàn Trạm cấp cứu mỏ Hạ Long đã có hành động dũng cảm cứu người bị đuối nước tại Bãi tắm Hòn Gai (TP Hạ Long, Quảng Ninh).