Nhiều người hiện đang căn cứ vào quy định của Bộ Y tế về nồng độ cồn trong máu cho rằng khi nồng độ cồn "trong ngưỡng" 10.9 mmol/l sẽ không bị phạt. Điều này là hoàn toàn sai lầm.
Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng nhiều địa phương trên cả nước mở đợt cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông với số lượng trường hợp vi phạm lớn.
Tuy nhiên nhiều người hiện đang căn cứ vào quy định của Bộ Y tế về nồng độ cồn trong máu cho rằng khi nồng độ cồn "trong ngưỡng" 10.9 mmol/l sẽ không bị phạt. Điều này là hoàn toàn sai lầm.
Theo đó, quy định nồng độ cồn trong máu trong Quyết định số 320/QĐ-BYT ngày 23/1/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế có quy định về định lượng ethanol (định lượng nồng độ cồn) trong máu tại mục 60.
Cụ thể, tại điểm IV "nhận định kết quả" của mục 60 có ghi:
- Trị số bình thường: <10.9 mmol/l (tương đương 50 mg/100 ml máu).
- Ethanol 10.9-21.7 mmol/l: Biểu hiện đỏ mặt, nôn mửa, phản xạ chậm chạp, giảm nhạy bén.
- 21.7 mmol/l: Biểu hiện ức chế thần kinh trung ương.
- 86.8 mmol/l: Có thể gây nguy hại cho tính mạng.
Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Y tế, sự phân loại các mức/ngưỡng nồng độ cồn tương ứng với mức độ biểu hiện ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng theo chuyên môn y tế, không đồng nghĩa với việc cho phép mức nồng độ cồn trong máu khi điều khiển phương tiện giao thông hay cách hiểu "là cồn tự nhiên trong cơ thể". Đồng thời người có mức <10.9 mmol/l biểu thị kết quả có nồng độ cồn trong máu nhưng ở mức nhỏ hơn 10.9 mmol/l vẫn sẽ được áp dụng theo quy định tại Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP để xem xét, giải quyết.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, Luật sư Lê Hoàng Phúc An - Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X cho biết, Nghị định 100/2020/NĐ-CP được sửa đổi từ quy định trước đó. Theo nghị định mới người tham gia giao thông bằng xe đạp, xe đạp điện, xe máy, mô tô nếu nồng độ cồn vượt quá mức quy định thì đều sẽ bị xử phạt nồng độ cồn theo mức mà pháp luật quy định.
Đối với người điều khiển phương tiện xe mô tô, xe máy khi nồng độ cồn trong cơ thể đạt từ 50 mg tới 80 mg/100ml máu hoặc 0.25-0.4 mg/1 lít khí thở thì các tài xế sẽ bị phạt.
“Đặc biệt chú ý và cực kỳ quan trong đối với những người điều khiển phương tiện xe ô tô thì: dù uống nhiều hay ít, chỉ một hớp bia rượu hay một cái nhấp môi thì nếu bị CSGT kiểm tra và phát hiện được thì đều là vi phạm luật”, Luật sư An nhấn mạnh.
Theo đó, mức xử phạt nồng độ cồn đối với người uống rượu, bia lái xe là một trong những mức phạt tăng mạnh nhất, được phân ra 3 mức phạt tùy theo nồng độ cồn đo được từ tài xế.
Cụ thể, mức 1: Chưa vượt quá 50 mg/100ml máu hoặc 0,25 mg/1l khí thở. Đối với ô tô: 06 – 08 triệu đồng; tước GPLX từ 10 – 12 tháng. Đối với xe máy: 02 – 03 triệu đồng; tước GPLX từ 10 – 12 tháng. Xe đạp, xe đạp điện: 80.000 – 100.000 đồng.
Ở mức 2 khi vượt quá 50 mg đến 80 mg/100ml máu hoặc quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1l khí thở. Đối với ô tô: 16 – 18 triệu đồng, tước GPLX từ 16 – 18 tháng. Với xe máy: 04 – 05 triệu đồng; tước GPLX từ 16 – 18 tháng. Xe đạp, xe đạp điện: 200.000 – 400.000 đồng.
Còn mức 3 khi nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1l khí thở. Người điều khiển ô tô: phạt từ 30 – 40 triệu đồng; tước GPLX 22 – 24 tháng. Đối với xe máy: 06 – 08 triệu đồng; tước GPLX 22 – 24 tháng. Xe đạp: 600 – 800.000 đồng.
Do đó, Luật sư An khuyến cáo, trong trường hợp đã uống rượu bia, tuyệt đối không lái xe để đảm bảo an toàn cho bản thân và cho người khác. Đồng thời, trong quá trình tham gia giao thông; nếu bị cảnh sát giao thông mời vào xử phạt về nồng độ cồn mà có căn cứ cho rằng mình không vi phạm, không bị xử phạt về mức xử phạt nồng độ cồn thì có thể tiến hành giải trình.
Tuy nhiên, nếu do khó khăn trong quá trình chứng minh, hoặc cảnh sát giao thông vẫn nhất quyết xử phạt. Người dân có thể vẫn tiến hành nộp phạt; sau đó tiến hành thủ tục khiếu nại ,khởi kiện để xem xét lại quyết định đó. Sau khi bị xử phạt nồng độ cồn sai, người dân có 2 lựa chọn: tiến hành khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm giao thông hoặc tiến hành khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án.