Năm bảy năm trước, một số tác giả nghiên cứu, phê bình văn học có tên tuổi gắn với chức danh, học vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ tỏ ra hào hứng khi quảng bá và cổ vũ cho việc vận dụng Chủ nghĩa hậu thực dân (còn gọi lý thuyết hậu thuộc địa) để nghiên cứu văn học Việt Nam.
Họ không chỉ cổ vũ mà còn sử dụng các khái niệm “trung tâm”, “ngoại vi”,… của lý thuyết này để phân tích tác giả nọ, tác phẩm kia rồi kết luận cứ như đúng rồi. Thậm chí có người khẳng định “vận dụng thuyết hậu thuộc địa vào Việt Nam luôn là hướng nghiên cứu tiềm ẩn nhiều hứa hẹn tốt đẹp trên các lĩnh vực khác nhau chứ không riêng gì văn học… có thể giúp người cầm bút vươn tới làm chủ được đối tượng sáng tạo”!
Do đã có kinh nghiệm từ trước, nên tôi không hùa theo sự ồn ào mà khảo sát kỹ lưỡng để tìm hiểu Chủ nghĩa hậu thực dân đích thực là gì, và có thể vận dụng nghiên cứu thực tiễn văn học ở Việt Nam hay không? Để rồi sau khi nắm bắt được bản chất vấn đề, tôi đã phát hiện một số tác giả từ suy đoán theo logic hình thức có màu sắc nôm na rằng vì Việt Nam đã từng chịu sự đô hộ của chế độ thực dân nên sau khi chế độ thực dân chấm dứt thì Việt Nam cũng phải trải qua thời kỳ hậu thực dân, họ đi đến xác quyết cần phải vận dụng Chủ nghĩa hậu thực dân để nghiên cứu văn học Việt Nam!
Dẫu coi việc du nhập lý thuyết nào đó từ nước ngoài và vận dụng nghiên cứu thực tiễn Việt Nam là bình thường trong hoạt động khoa học, tôi vẫn quan niệm khi du nhập và vận dụng, người nghiên cứu cần bảo đảm sự tương thích giữa lý thuyết với thực tiễn; nếu thiếu sự bảo đảm đó thì sản phẩm nghiên cứu sẽ dễ chỉ là hư cấu chủ quan. Vì thế tôi viết và công bố tiểu luận “Nghiên cứu hậu thực dân ở Việt Nam: một nhu cầu thực tế hay một giả vấn đề?”, trong đó chứng minh Chủ nghĩa hậu thực dân ra đời trong bối cảnh xã hội - con người hoàn toàn khác biệt với bối cảnh xã hội - con người Việt Nam sau khi chế độ thực dân bị xóa bỏ; nên những gì Chủ nghĩa hậu thực dân khẳng định đều không dính dáng đến thực tiễn văn học Việt Nam. Mô tả lối nghiên cứu “gọt chân cho vừa giày” của một số tác giả, tôi viết: “Họ “kiễng chân” ngóng theo Chủ nghĩa hậu thực dân để euréka ra các số phận ở “bên lề” và “ngoại vi” trên một xứ sở không ai bị áp bức, bóc lột. Họ đề nghị “ngoại vi hóa” và “giải trung tâm” trên một đất nước mà sự hướng tâm nhằm tạo nên tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa đang là tất yếu khách quan. Họ hoan hỉ với việc du nhập các lý thuyết mới và qua sự hoan hỉ đó, họ như muốn bổ sung cứ liệu để các tác giả của Chủ nghĩa hậu thực dân nối dài danh sách “tín đồ tôn giáo dĩ Tây vi tâm”; hay họ muốn đặt bút ký vào cái “thỏa thuận ngầm rằng thế giới thứ ba phải biết ơn vì những món nợ đắt đỏ mà nó đã nhận từ phương Tây”! Hiện tượng đó liệu có phải là dấu hiệu đáng khuyến khích?... Vì thế theo tôi, nghiên cứu Chủ nghĩa hậu thực dân trong văn học Việt Nam chỉ là một giả vấn đề, là cơ sở giúp một số tác giả đánh tráo khái niệm để biện hộ cho sản phẩm của một số cá nhân. Và như thế, “tuổi thọ” của hướng nghiên cứu này là rất ngắn hạn, khi niềm phấn hứng qua đi thì tinh thần nghiên cứu từ Chủ nghĩa hậu thực dân cũng suy giảm theo!”.
Dự đoán như thế nhưng chính tôi cũng bất ngờ, bởi chỉ thời gian ngắn sau khi tiểu luận công bố thì rất nhanh chóng, lời hay ý đẹp ca ngợi Chủ nghĩa hậu thực dân bỗng trở nên vắng lặng, các khái niệm “bên lề”, “ngoại vi” và “ngoại vi hóa”, “trung tâm” và “giải trung tâm”,… cũng đã rủ nhau đi đâu hết! Và ba năm nay, tôi chờ đợi sự phản biện đối với tiểu luận của mình mà vẫn chưa thấy. Phải chăng điều tôi phân tích, chứng minh là chính xác? Phải chăng một số nhà khoa học vừa có chức danh, học vị đầy mình vừa là “tín đồ” của Chủ nghĩa hậu thực dân không buồn chấp tôi? Tuy nhiên, sự vắng bóng đột ngột các lời tụng ca dành cho Chủ nghĩa hậu thực dân và sự vắng bóng cũng đột ngột của các sản phẩm nghiên cứu văn học Việt Nam từ góc độ lý thuyết này lại khiến tôi suy nghĩ về vấn đề thực học của một số người, và rộng hơn là vấn đề thực học ở Việt Nam.
Đã nhiều năm rồi, việc người Việt Nam hiếu học vẫn tồn tại như một mặc định của truyền thống văn hóa. Hồi còn nhỏ tôi đã được truyền dạy điều này, và lớn lên tôi cũng coi việc hằng ngày đến trường là sự tiếp nối truyền thống. Nhiều năm sau, tôi phát hiện ra rằng những bài học thuộc lòng, thói quen tầm chương trích cú, và học theo lối “thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ” (thuật lại chứ không sáng tạo, chỉ tin vào đạo lý của thời xưa), “kính nhi viễn chi” (đứng xa mà nhìn), “ôn cố tri tân” (ôn cũ để biết mới), … mà cha ông tâm niệm dường như ít nhiều mang ý nghĩa lịch sử, phù hợp nhiều hơn với lối học hành thi cử của tiền nhân? Xét đến cùng, điều đó không sai khi mà cha anh hiếu học trước hết là nhằm thi cử và đỗ đạt, mà đỗ đạt để làm gì, nếu không phải để làm quan. Cho nên đối với cha ông, thường thì người tài giỏi trước hết phải là người làu làu kinh sử, “thông kim, bác cổ”, “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”,… và ngoài tài năng làm thơ, viết sách, bốc thuốc chữa bệnh,… ra thì khả năng biết sáng tạo nên các sản phẩm vật chất hữu ích cho xã hội chưa phải là phẩm chất được đề cao.
Tình trạng trên đã tạo nên một kiểu sống không chứa đựng thói quen giải thích thế giới và được phản ánh khá rõ qua một giai thoại được Liệt Tử kể trong Cổ học tinh hoa rằng: Một hôm Khổng Tử đi chơi ra phía đông, thấy hai đứa bé cãi nhau, ông hỏi tại sao, một đứa trả lời: “Tôi bảo mặt trời lúc mới mọc ở gần ta hơn, buổi trưa, ở xa ta hơn”, đứa kia thì nói: “Tôi bảo mặt trời lúc mới mọc ở xa ta hơn, về buổi trưa ở gần ta hơn”. Đứa trước liền cãi: “Mặt trời lúc mới mọc to như cái bánh xe, đến giữa trưa thì nhỏ như cái bát ăn, chẳng phải tại xa ta mới nhỏ, gần ta mới to là gì?”. Ðứa sau cãi: “Lúc mặt trời mới mọc, thì mát mẻ, đến giữa trưa thì nóng nực, thế chẳng phải gần ta mới nóng, xa ta mới mát hay sao”. Rồi hai đứa nhờ Khổng Tử giải đáp. Khổng Tử nghe hai đứa trẻ nói, không biết giải quyết như thế nào. Hai đứa bé liền cười bảo: “Thế thì cho ông là người học rộng hiểu nhiều thế nào được”! Từ giai thoại này suy ra, phải chăng đây chính là bi kịch của học thuật Trung Hoa, nhìn rộng hơn thì đây cũng chính là bi kịch của học thuật phương Đông truyền thống, trong đó có Việt Nam? Không chú tâm đặt câu hỏi tại sao trước thế giới, tức là chưa chú tâm đi tìm câu trả lời, cũng tức là chưa có những tiền đề đầu tiên cho sự phát triển của khoa học, đó là căn nguyên lý giải vì sao phương Đông đi trước nhưng tụt hậu so với phương Tây? Và cũng là căn nguyên lý giải vì sao hàng nghìn năm ở phương Đông “quả táo” vẫn rơi ở nơi sân đình, nhưng không có những con người như Isaac Newton?
Lại nhớ thời tôi làm giảng viên tại một trường đại học. Một anh giáo viên trong trường hỉ hả khoe với tôi rằng anh vừa “thi đấu” với học viên về trích dẫn kinh điển, và anh đã thắng. Vì học viên hỏi câu nào anh trả lời câu đó với đầy đủ số trang trong sách xuất bản năm nào. Tôi tỏ vẻ nể anh, song thực tình trong đầu thắc mắc “đấu” như thế để làm gì? Bởi thuộc kinh điển thì tốt thôi, nhưng cái sự thuộc ấy sẽ là vô nghĩa nếu không biết vận dụng để phát triển cuộc sống, và tiếp thêm sức sống mới của thời đại mới cho những phạm trù có tính kinh điển. Khi người thầy giảng bài theo lối tầm chương, trích cú thì thử hỏi người học có từ đó tiếp tục mô phỏng theo lối trích cú, tầm chương? Nên khi đọc một số công trình, sách vở,… của một số vị khoa bảng về khoa học xã hội, thấy trong đó tràn ngập trích dẫn đông tây, kim cổ, hết dẫn ông A đã nói rằng đến dẫn bà B cho rằng, hết bên Pháp người ta đề cập thế này đến bên Mỹ người ta đề cập thế kia,… và tìm mãi không ra đâu là ý tưởng riêng của tác giả, tôi không khỏi liên tưởng tới thói quen tiền nhân để lại.
Nói cách khác, dù thời đại thay đổi, dù khoa học đã phát triển, xem ra một số người vẫn trung thành với tinh thần “thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ”, hoặc “ăn theo, nói leo” ý kiến của người khác chứ chưa (không) tự mình tư duy để đưa ra phát kiến hữu ích. Để rồi khi hội nhập với thế giới, đọc thấy cái gì có vẻ hay hay là lập tức tán dương và ca ngợi, không cần biết điều có vẻ hay hay kia có phù hợp hay không.
Rốt cuộc thì hiếu học là điều tốt, song hiếu học phải gắn liền với thực học. Có thực học, sau khi đạt tới mức học nào đấy, mỗi người sẽ có thể tự tin bước đi trên con đường của sự sáng tạo và cống hiến những điều hữu ích cho cộng đồng. Có thực học, mỗi người sẽ tự tạo dựng nên khả năng nhận biết cần (nên), không cần (không nên) làm gì trong lĩnh vực chuyên môn; nhận biết được hạn chế của bản thân để khắc phục, hoặc không hành xử nghề nghiệp vượt quá khả năng; đặc biệt là sẽ không để bị rơi vào cái bẫy của hư danh; tỉnh táo, thận trọng, không bị choáng ngợp khi có tiếp xúc tri thức mới lạ… Còn không có thực học thì rốt cuộc, sự hiếu học sẽ giảm thiểu giá trị, nếu không nói trong một số trường hợp chỉ còn ý nghĩa trên cái bằng!