Thời gian qua, MTTQ các cấp tỉnh Hà Giang và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả vai trò giám sát và phản biện xã hội, đi sâu vào từng lĩnh vực cụ thể nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Theo ông Triệu Quốc Lương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang, để thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang đã bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, đồng thời, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội lựa chọn nội dung chương trình giám sát, phản biện xã hội, tránh chồng chéo, trùng lặp.
Thời gian qua, MTTQ tỉnh Hà Giang đã chủ trì phối hợp tổ chức 6 đoàn giám sát, MTTQ cấp huyện đã tổ chức 38 đoàn giám sát 10 nội dung, trong đó tập trung chủ yếu vào việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới, thực hiện cơ chế, chính sách pháp luật hỗ trợ giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số,...
Giai đoạn đầu năm 2020, cùng với việc phòng, chống dịch Covid-19, MTTQ các cấp trong tỉnh đã thực hiện tốt công tác giám sát theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 15/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chủ trì giám sát 50 cuộc về việc chi trả hỗ trợ đối với người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác được hưởng hỗ trợ kết hợp với tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. Qua giám sát cho thấy, các huyện trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chặt chẽ, kịp thời việc chi trả hỗ trợ đến người dân kịp thời, đúng đối tượng, giúp người dân vượt qua những khó khăn từ dịch bệnh.
Bên cạnh đẩy mạnh giám sát, phản biện xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang Triệu Quốc Lương cho biết, công tác tiếp công dân luôn được MTTQ các cấp tỉnh quan tâm thực hiện, lồng ghép với tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Khiếu nại, tố cáo và các văn bản liên quan đến công tác tiếp dân nhằm giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân.
Trong năm 2020, MTTQ các cấp trong tỉnh Hà Giang đã tiếp 153 lượt công dân đến kiến nghị, khiếu nại, tiếp nhận 79 đơn thư với nội dung tập trung chủ yếu về vấn đề tranh chấp đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng, xác định huyết thống,...và tiến hành xử lý, gửi tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.
Thời gian tới, theo ông Triệu Quốc Lương, MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang sẽ tăng cường phối hợp thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở, thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải và hòa giải viên, hướng tới mục tiêu hòa giải thành, giải quyết tận gốc rễ các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp.
Đồng thời, xác định đúng trọng tâm, thống nhất nội dung giám sát và đi sâu vào từng lĩnh vực cụ thể, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để nhân dân tham gia ngày càng rộng rãi, thực chất hơn vào quản lý nhà nước, góp phần nâng cao dân trí, phát huy dân chủ và thực hiện quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp, pháp luật.