Kinh tế

Hiệu quả từ mô hình nuôi cá lồng

Nguyễn Chung 12/05/2025 09:30

Từ lợi thế diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện, người dân tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa phát triển nghề nuôi cá lồng bè, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Nghề này đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Anh duoi
Nuôi cá lồng đang là hướng phát triển kinh tế mới ở vùng lòng hồ thủy điện tại Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Chung.

Xóa nghèo từ nuôi cá lồng

Anh Nguyễn Biên Cương - trú tại bản Tà Bán, xã Trung Sơn, huyện vùng cao Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa) hiện đang nuôi cá tại lòng hồ thủy điện Trung Sơn, cho biết: Năm 2020, gia đình bắt đầu lên ý tưởng nuôi cá lồng. Ban đầu, anh gặp rất nhiều khó khăn do đặt sai vị trí lồng nuôi nên vào mùa mưa bão hay bị dính rác, bị lũ cuốn trôi. Tuy nhiên, được sự tư vấn, giúp đỡ của cán bộ xã và kỹ sư nhà máy thủy điện Trung Sơn, anh Cương đã di chuyển lồng nuôi vào vị trí hợp lý, nhờ đó cá sinh trưởng, phát triển tốt. Từ chỗ chỉ có 2 lồng, đến nay gia đình anh Cương đang nuôi 9 lồng, chủ yếu là các loại cá trắm, chép, lăng đen, lăng hoa với khối lượng khoảng 5 - 6 tấn cá thu hoạch trong năm.

Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học mới, mỗi năm thu nhập từ việc nuôi cá lồng của gia đình anh Cương đạt khoảng 180 triệu đồng. “Việc phát triển kinh tế, xóa nghèo, thậm chí là làm giàu từ nghề nuôi cá lồng bè trong lòng hồ thủy điện rất khả thi vì diện tích mặt nước tại các hồ đập lớn. Cái cần nhất hiện nay của bà con là vốn để phát triển số lồng cá. Chúng tôi mong được tiếp cận tốt hơn với các nguồn vốn vay của nhà nước để mở rộng và phát triển hiệu quả hơn mô hình này” - anh Cương bày tỏ.

Hiện nay tại khu vực lòng hồ thủy điện Trung Sơn đang có gần 50 hộ dân phát triển nghề nuôi cá lồng với hơn 110 lồng nuôi. Việc khai thác tiềm năng, dư địa nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Trung Sơn đang phát huy hiệu quả, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Để liên kết các hộ nuôi cá và tạo đầu ra ổn định, UBND xã Trung Sơn đã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nuôi trồng thủy sản cựu chiến binh Trung Sơn với 15 thành viên. Đồng thời, để người dân có vốn đầu tư, xã đã tín chấp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách - xã hội huyện Quan Hóa cho các hộ dân vay 800 triệu đồng để đầu tư nuôi cá lồng. Cùng với đó, các phòng chuyên môn của huyện còn tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật nuôi cá cho người dân.

Tại huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) cũng đang có gần 105 hộ dân tham gia nuôi cá lồng theo hướng hàng hóa trên lòng hồ thủy điện Bá Thước với hàng trăm lồng nuôi. Nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện trở thành nghề chính mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn với thu nhập từ 60 - 100 triệu đồng/năm.

Ông Đỗ Văn Hưng - trú tại thôn Điền Giang, xã Điền Lư (huyện Bá Thước) cho biết: Năm 2023 nhờ học hỏi, tìm tòi kỹ thuật nuôi cũng như quy trình chăm sóc mới, cá trong lồng nuôi ngày càng phát triển, đến nay gia đình đã có 3 lồng nuôi với gần 250 con cá trắm, thu nhập trung bình 80 triệu đồng/năm.

Tạo điều kiện tối đa

Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh hiện có 610 hồ chứa nước lớn nhỏ và 11 dự án thủy điện đã vận hành phát điện. Hiện các công trình hồ chứa được đầu tư và đưa vào sử dụng đã tạo ra diện tích mặt hồ lớn, là điều kiện thuận lợi để người dân sống ven các lòng hồ phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Qua đó, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân…

Tuy nhiên, hiện nay việc nhân rộng mô hình nuôi cá lồng vẫn gặp nhiều khó khăn do vốn đầu tư, tập quán sản xuất của người dân còn lạc hậu dẫn đến hạn chế trong áp dụng khoa học, kỹ thuật.

Ông Lê Văn Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Điền Lư (huyện Bá Thước) khẳng định: Thời gian tới, UBND xã sẽ hỗ trợ người dân làm thủ tục vay vốn, mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng kỹ thuật mới vào nuôi cá lồng trên lòng hồ hủy điện, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Trao đổi với chúng tôi, bà Hà Thị Nga - Phó chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cho biết: Mô hình nuôi cá lồng ở lòng hồ thủy điện Trung Sơn đang thực sự trở thành hướng đi mới của người dân huyện miền núi Quan Hóa, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Hiện UBND huyện đã lên kế hoạch thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, hướng tới thả nuôi các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phát triển thành vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; hạn chế tình trạng nuôi tự phát khó kiểm soát, ô nhiễm môi trường. Người chăn nuôi cá lồng cần nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành để tạo điều kiện vay vốn, phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiệu quả từ mô hình nuôi cá lồng