Mới đây, Khoa Văn học - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) tổ chức buổi tọa đàm về cuốn sách “Lạc giữa cõi người” (NXB Hội Nhà văn) của nhà giáo Phạm Quang Long.
Bìa cuốn “Lạc giữa cõi người”.
“Lạc giữa cõi người” được viết trong 1 tháng 19 ngày nhưng để nghĩ về nó, tác giả cho biết “cũng lâu”. Nhiều bạn bè hỏi: Đây là tiểu thuyết hay tự truyện? Tác giả Phạm Quang Long cho biết: Thực ra ban đầu tôi cũng có nghĩ đến một chút, không phải ở góc độ thể loại. Đầu tiên tôi viết tiểu thuyết phi hư cấu. Thực tâm tôi không quan tâm lắm mình viết thể loại gì mà quan tâm mình viết cái gì, và có nêu được cái gì không?
Nhận xét về câu chuyện được đề cập đến trong “Lạc giữa cõi người”, theo lời kể của tác giả, có một vị lãnh đạo của Hà Nội khi đọc thì bảo sao viết thật thế. 99,9% đều là chuyện thật, kể cả câu đối thoại. Còn nhà văn Khuất Bình Nguyên thì bảo đọc xong thấy mình trong đó, nhưng “viết hiền quá”.
GS Nguyễn Kim Đính, người thầy của nhiều sinh viên Văn khoa là một trong số những người đọc rất kỹ và phát hiện, đến tận trang 124 trên 487 trang của cuốn sách mới biết “gã”- nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết tên là gì. “Gã” tự giới thiệu là có một ít Nho học, một ít Tây học, đậm chất nhà quê nhưng bạn đọc thấy “gã” kinh lắm, soi mói cũng ác lắm! Gã có nói một câu mà tôi đọc nhớ mãi: “Những anh chàng danh cao hơn thực thì đối với mọi người là hài kịch nhưng đối với hắn thì lại là một bi kịch”. Nhưng đọc đến đó, tôi lại nghĩ rằng rất nhiều người danh cao hơn thực không tự nhận thấy đó là bi kịch. Buồn cười nhất, bi kịch nhất của anh ta chính là không tự nhận ra đấy là bi kịch.
“Tôi đã đếm rất kỹ “gã” có tất cả 18 vụ là 18 vụ tra vấn chân diện mục của quan chức thoái hóa. Vụ xoàng nhất là vụ đi xe máy đến để nhận chức Giám đốc Sở thì lính không mở cửa vì cứ nghĩ rằng Giám đốc đến phải đi ôtô. Những vụ sau này thì đau: vũ trường mới, biển quảng cáo… Tôi thấy anh Long viết hiền quá!”- GS Nguyễn Kim Đính nhận xét.
Chính tác giả Phạm Quang Long cũng chia sẻ về cách xưng hô “gã” trong truyện. Đầu tiên tác giả xưng “tôi” nhưng có người bạn cùng lớp góp ý rằng cái từ “tôi” nó lành quá. Suy nghĩ mất 1 đêm, cuối cùng chọn từ “gã”, vừa có một cái gì đó bị người ta xem thường, vừa có ý cứ thích như thế, cứ sống như thế.
Tác giả cũng thừa nhận còn có rất nhiều chuyện không thể đưa vào cuốn tiểu thuyết. Ông cầm bút viết về sự tha hóa của một lớp người được đào tạo, học hành cũng muốn sống tử tế, làm việc cẩn thận nhưng hình như sức ép lớn quá làm con người hèn đi, kém đi. “Tôi cố gắng viết về cái hèn, cái kém của những người ấy không bảo vệ được mình, không lo được cho người khác. Đấy là bi kịch. Nghĩ thì như thế nhưng không phải có thể viết ra được tất cả những điều đó”.
Cuốn sách “Lạc giữa cõi người” đã chạm đến những vấn đề gai góc đương đại, trong một không gian, thời gian rất gần, đến nỗi người nào đọc cũng thấy thấp thoáng con người mình, câu chuyện mình đã từng gặp, từng đọc ở đâu đó.