Gương mặt thế giới được vẽ lên từ những sự kiện quan trọng. Vậy, năm 2019 này, thế giới sẽ ra sao? Câu trả lời luôn ở phía trước vì không ai có thể nói chắc điều gì. Tuy nhiên, từ những sự kiện lớn của năm 2018 đang còn tiếp nối, cũng có thể “vẽ lên” gương mặt thế giới năm nay, ở một số điểm chính.
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 12/6/2018.
Chờ đợi những bước tiến mới cho bán đảo Triều Tiên
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 12/6/2018 được cho là “bước ngoặt lịch sử” đối với bán đảo Triều Tiên. Cùng đó, “mối liên hệ nồng ấm” giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với Chủ tịch Kim Jong-un cũng là những chỉ dấu cho thấy năm 2019 này, tình hình bán đảo Triều Tiên có nhiều cơ hội giảm nhiệt.
Từ sau những cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Triều, Mỹ-Triều, Mỹ-Hàn cho tới nay, cả 3 bên đều có những “bước đi thân thiện hướng tới tương lai”- nhận xét của Reuters trước khi năm 2018 khép lại. Những cuộc khẩu chiến thật hiếm hoi, có chăng cũng chỉ là lẻ tẻ và mức độ rất thấp, và theo một “kịch bản nào đó phải có trong quá trình xích lại gần nhau”.
Một khó khăn, hay nói đúng hơn là trở ngại quan trọng trong quá trình hòa bình cho bán đảo Triều Tiên chính là việc CHDCND Triều Tiên có thực sự dỡ bỏ những khu vực thử nghiệm tên lửa và hạt nhân hay không. Và dù đã có những động thái “cởi mở” từ phía Triều Tiên nhưng rồi câu chuyện lại bất ngờ rơi vào bế tắc, do phía Mỹ khẳng định tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt quốc tế với Bình Nhưỡng.
Như vậy, người ta cho rằng, đành phải trông chờ vào cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều có thể sẽ diễn ra trong năm nay.
Trung Đông khó đoán định
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 19/12/2018 tuyên bố: Mỹ đã đánh bại IS ở Syria. Lộ trình rút toàn bộ 2.000 lính Mỹ ở Syria đã được “đặt trên đường ray”. Lầu Năm Góc cho biết, sẽ mất khoảng 60-100 ngày để đưa toàn bộ lực lượng Mỹ tại Syria về nước.
Binh sĩ Mỹ chuyển lựu pháo M777 155mm vào vị trí ở Afghanistan.
Giải thích về việc này, chuyên gia quân sự Kyle Kempfer nói với tờ Military Timesrằng, nếu quân đội Mỹ (ủng hộ lực lượng người Kurd) rút đi thì sẽ tránh được được một cuộc đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ, khi quân đội nước này muốn tiến vào Syria. Vị chuyên gia này cũng đưa ra bình luận, hình như Mỹ đang bỏ rơi người Kurd- lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong việc đánh bại IS trên thực địa.
Chưa hết, ngay sau “động thái Syria”, ông Trump lại đưa ra dự định rút binh sĩ Mỹ ở Afghanistan về nước, với tổng số binh sĩ lên tới 14.000 người. Điều đó được thực hiện cũng có nghĩa là sẽ chấm dứt sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Afghanistan kéo dài gần 17 năm. Theo ABC News, đợt 1 có thể ông Trump sẽ rút 7.000 quân. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis (người sẽ rời nhiệm sở vào tháng 2/2019), Ngoại trưởng Mike Pompeo lẫn Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đều không đưa ra ý kiến về vấn đề này. Và với câu hỏi tổ chức khủng bố Taliban đã bị đánh bại chưa? Thì cũng không có câu trả lời rõ ràng.
Theo giới quan sát, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump lên kế hoạch rút quân khỏi Syria và Afghanistan hoàn toàn có thể được hiểu nằm trong chính sách nhất quán “nước Mỹ trên hết”, quyền lợi của Mỹ là tất cả. “Ông ta sẽ không muốn mất thêm một đô-la nào cho việc đồn trú binh sĩ Mỹ tại Trung Đông cũng như những nơi khác trên thế giới. Sa lầy ngoài lãnh thổ Mỹ không có lợi gì cho ông Trump vì bản thân ông cũng đang cố gắng thoát ra khỏi những “bãi lầy” do các đối thủ chính trị của ông dựng lên trong nước”- ABC News bình luận và thêm rằng, tình hình Syria, Afghanistan sẽ khó lường hơn bao giờ hết khi Mỹ rút đi. Và như thế Trung Đông vẫn chìm trong một tương lai khó đoán định.
Đa cực và đa diện
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung liệu có chấm dứt trong năm 2019? Câu hỏi ấy được giới quan sát đưa ra với nhiều nhận định khác nhau. Một số người cho rằng, lúc này 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới đã muốn xuống thang nhưng chưa nước nào chịu “đi bước đầu tiên”. Kể từ ngày 22/3/2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 50 tỷ USD Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc, thì cuộc chiến thương mại giữa hai bên ngày một gia tăng sức nóng. Rủi ro kinh tế toàn cầu sẽ rất lớn khi mà cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung gia tăng. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nếu cuộc chiến đó vẫn kéo dài thì tăng trưởng của nền kinh tế thế giới trong năm 2019 sẽ giảm sâu.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung liệu có chấm dứt trong năm 2019?
Tuy nhiên, theo IMF, năm 2019 sẽ chứng kiến một “tổng thể kinh tế đa cực và đa diện”, khi “thời cơ làm giàu sẽ đến với nhiều nền kinh tế sống trong hòa bình”- ám chỉ những quốc gia kiếm được lợi thế khi Mỹ-Trung sa lầy trong cuộc chiến thương mại. Trước hết, thế đa cực sẽ đến từ Nhật Bản, Australia, Canada, Brazil và Nga. Đây là những quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh, nhưng chưa tìm ra cơ hội bứt phá. Và chính họ, nếu tận dụng được thời cơ sẽ tạo ra được những cực kinh tế mới.
Còn về đa diện, theo IMF, tổng lượng sản xuất và lưu chuyển hàng hóa trên phạm vi toàn cầu sẽ phong phú hơn rất nhiều, bởi “chúng không chỉ được sản xuất ở những quốc gia khổng lồ”.
Nhìn chung, có thể hy vọng vào sự sáng sủa của kinh tế thế giới trong năm 2019, bất chấp những khó khăn vẫn hiện hữu.
Brexit của người Anh và viễn cảnh nào dành cho EU
Việc nước Anh “li khai” khỏi EU bằng chính sách Brexit vẫn không hề đơn giản. Ngay trong chính nước Anh, người ta cũng “không tự định đoạt được số phận của mình”; vì rằng rất có thể một cuộc tái bỏ phiếu sẽ được tổ chức.
Vấn đề nhiều người trong cuộc băn khoăn là EU sẽ mạnh lên hay yếu đi khi không có nước Anh? Tới nay, EU vẫn “rắn” hơn người Anh trong quá trình thương thảo Brexit. Bề ngoài có vẻ như EU tự tin trước những quyết định của mình mà “không cần có người Anh”- nói như bình luận viên của CNN.
Việc nước Anh “li khai” khỏi EU vẫn là vấn đề nóng.
Nhưng, EU có thật mạnh không, thì câu trả lời cũng không chắc chắn. Người ta lo ngại khi nạn “áo vàng”- từ biểu tình, tuần hành tới bạo động ở nước Pháp- đang lan dần ra các nước châu Âu. Những cuộc biểu tình, bạo động ấy khiến EU rạn vỡ mà muốn gắn kết lại phải cần rất nhiều thời gian và sức lực. Nước Đức, đầu tàu kinh tế của EU cũng đang trải qua những biến động, đặc biệt khi bà Annegret Kramp-Karrenbauer “thừa kế” Thủ tướng Đức Angela Merkel nắm ghế Chủ tịch đảng CDU. Tân quan tân chính sách, đó là điều không thể tránh khỏi.
Người ta cũng cảm thấy EU thật mong manh khi rất nhiều biện pháp đã được mang ra áp dụng nhằm ngăn cản dòng người nhập cư vẫn không có được kết quả như mong muốn. Trong khi đó, một số thành viên EU vẫn chưa vượt thoát khỏi gánh nặng nợ nần, trong đó có Hy Lạp, Tây Ban Nha và cái nghèo đang lan sang cả nước Ý.
Như vậy, bằng những gì đang diễn ra và đang “ấp ủ”, có thể thấy châu Âu sẽ là lục địa chịu nhiều rủi ro nhất trong năm 2019. Trong khi vị trí của nó là rất quan trọng với thế giới. Vì thế, người ta cho rằng, năm 2019 cũng sẽ chỉ là năm thế giới vượt khó chứ không phải là năm bùng nổ.
Nếu năm 2108, thế giới phải chịu nhiều thảm họa thiên nhiên, thì năm 2019 này tình hình cũng khó dự đoán. Trước hết, sự nổi giận của thiên nhiên là điều không ai biết trước. Nắng mưa là chuyện của Trời. Nhưng, cạnh đó, con người vẫn tiếp tục hủy hoại môi trường sống của chính mình. Cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường nhiều năm qua vẫn không đem lại kết quả như ý. Khí thải và hiệu ứng nhà kính không giảm. Nhiều chính phủ các quốc gia giàu có vẫn không chịu “móc hầu bao” chi cho lĩnh vực môi trường. Trong khi các nước đang phát triển vẫn tiếp tục đẩy mạnh khai thác tài nguyên, sử dụng công nghệ thiếu thân thiện với môi trường chỉ vì muốn có được GDP tăng trưởng cao. |