Thời gian qua, tại một số tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là tại Gia Lai - nơi được coi là “thủ phủ hồ tiêu” - cây hồ tiêu chết hàng loạt khiến hàng nghìn hộ dân lâm cảnh nợ nần chồng chất, ruộng vườn hoang trống. Không ít người phải phiêu bạt kiếm kế sinh nhai, hoặc là trốn tránh nợ đòi. Làm gì để vượt qua khó khăn? Câu hỏi đó vẫn tồn tại như một thách thức.
Ông Đặng Thanh Long (thôn Thủy Phú, xã Ia Blứ, Chư Pứh, Gia Lai) bên những trụ tiêu chết khô.
Tan tác xã tỷ phú
Tại xã Ia Blứ (huyện Chư Pứh, tỉnh Gia Lai) nơi cây hồ tiêu đã đưa người trồng lên đỉnh thì nay chính hồ tiêu cũng nhấn họ xuống vực thẳm. Người mất nhà, người bị siết nợ, vợ chồng con cái ly tán, dắt díu làm thuê, làm mướn khắp nơi. Một xã nông thôn mới với nhiều nông hộ được coi là tỷ phú ngày nào giờ thành con nợ. Cả xã có 1.478 hộ với hơn 7.000 nhân khẩu thì có đến hơn 1.211 nhân khẩu đã phải bỏ làng đi làm ăn xa. Riêng 5 tháng năm 2018 có 980 nhân khẩu, trong đó số hộ chuyển đi nơi khác là 24/39 nhân khẩu.
Ngay cả hộ giàu có như ông Văn Viết Sỹ (thôn Thủy Phú, xã Ia Blứ) với căn nhà tiền tỷ cũng nợ hơn 200 triệu đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh huyện Chư Pưh. Ông Sỹ cho hay, hơn 4.000 trụ tiêu đã chết trắng, chẳng có nguồn thu gì, giờ chạy vạy lo bữa cơm gia đình đã khó, thêm tiền trả lãi ngân hàng cũng chết thôi!
Ông Đặng Thanh Long - Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Thủy Phú, cho biết: “Ở các thôn khác tôi không nắm rõ, nhưng ở thôn này thì có đến 95% người dân đang mắc nợ ngân hàng”. Không tiết lộ rõ số tiền nợ ngân hàng nhưng ông Long chua chát: “Gia đình có 9 người con đã dựng vợ gả chồng hết, còn lại một đứa đang học. Tất cả đã để lại tài sản để đi làm thuê. Tôi gần 70 tuổi còn làm được gì nữa, mà phải nuôi mẹ già, rồi thêm 3 đứa cháu nhỏ”.
Đại diện UBND xã Ia Blứ đây cho biết, tổng số hộ còn dư nợ tại các ngân hàng thương mại là 1.055 hộ với số tiền 221,006 tỷ đồng. Trong đó ngân hàng NNPTNT là 160 hộ/44,09 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại cổ phần công thương Việt Nam (Vietinbank) là 282 hộ/93,5 tỷ đồng; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là 103 hộ/39.14 tỷ đồng…
Báo động đỏ
Nếu như cuối năm 2015 và năm 2016, thời điểm đại hạn tại Tây Nguyên, hồ tiêu chết hàng loạt nhưng giá cả vẫn còn dao động ở mức 70 - 90 nghìn đồng/1kg, đến nay chỉ còn lại 45 - 47 nghìn đồng/1kg. Sự tác động kép do tiêu chết và giá cả lao dốc đã đẩy người nông dân trồng tiêu vào thảm cảnh vô cùng khó khăn. Nhiều hộ dân trồng tiêu đã cầu cứu chính quyền, đề nghị ngân hàng khoanh nợ vốn vay của những hộ nông dân vay trồng tiêu nhưng hồ tiêu bị chết, chưa có khả năng trả nợ
Ông Hoàng Phước Bính- Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết, những hộ dân trồng tiêu lâm cảnh khốn cùng chủ yếu tại một số xã “độc canh” cây tiêu. “Khoảng gần 10 năm giá hồ tiêu ổn định rồi tăng cao, nhiều người đã vay mượn ngân hàng mở rộng diện tích. Khi có thu nhập tiền tỷ lại đi xây nhà cửa to đùng, hoành tráng, mua sắm, rồi tái đầu tư. Chủ quan không trả nợ ngân hàng, khi tiêu chết thì gặp khó khăn”- ông Bính phân tích.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Gia Lai, tổng dư nợ cho vay trồng, chăm sóc hồ tiêu trên toàn tỉnh là 4.382 tỷ đồng, chiếm 5% dư nợ toàn tỉnh. Trong đó, dư nợ ngắn hạn 3.375 tỷ đồng; nợ trung hạn 1.007 tỷ đồng; nợ xấu 186 tỷ đồng. Riêng tại Chư Pưh chiếm khoảng 1.500 tỷ đồng với 8.104 hộ vay; số hộ bị thiệt hại hồ tiêu do hạn hán là 2.668 hộ dư nợ hơn 793 tỷ đồng.
Việc người nông dân trồng tiêu tỉnh Gia Lai lâm nợ chồng chất đã nóng hơn 1 năm qua. Theo ông Nguyễn Văn Cư- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Gia Lai thì kiến nghị của người dân được khoanh nợ ông Cư cho rằng không thuộc thẩm quyền của ông. Muốn được khoanh nợ theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP quy định trường hợp thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng thì UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải công bố vùng thiên tai, dịch bệnh; tổng hợp, đánh giá cụ thể mức độ thiệt hại báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Phước Bính, nếu công bố dịch hại, thiên tai, giá hồ tiêu sẽ còn giảm sâu sẽ tiếp tục tác động đến người nông dân, và cả ngành hồ tiêu Việt Nam.
Thua thiệt vẫn là nông dân
Vẫn theo ông Hoàng Phước Bính, qua theo dõi cứ chu kỳ khoảng 10 năm thì giá hồ tiêu lại xuống đáy một lần do sản lượng hồ tiêu cung vượt cầu. Hiện nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu toàn thế giới cần khoảng 300.000 tấn/năm, trong khi tổng sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2017 đã đạt khoảng 215.000 tấn, đó là chưa kể hồ tiêu của Indonesia, Ấn Độ, mà chủ yếu là để xuất khẩu,
Để giải quyết cuộc khủng hoảng thừa, theo ông Bính cần nhiều giải pháp, trong đó quan trọng nhất vẫn là bài toán sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc, sản phẩm phải chế sâu với thương hiệu của mình thì lúc đó hồ tiêu Việt Nam mới có giá trị.
“Cơn bão” quét qua thủ phủ hồ tiêu Tây Nguyên đã khiến nhiều nông dân chao đảo, bần cùng không lối thoát. Và khi cây hồ tiêu chết, việc chuyển đổi cây trồng từ những diện tích tiêu chết sang trồng các loại cây khác đang là thách thức với người nông dân lẫn ngành chức năng. Nhiều hộ nông dân đã đổ xô trồng các loại cây ăn quả như sầu riêng, bơ, khoai lang, đến những cây lạ như sachi với hi vọng may nhờ, rủi chịu. Và nếu không có định hướng, vai trò dẫn dắt kết nối thị trường và phanh lại thì người nông dân rất dễ vào vòng luẩn quẩn trồng, chặt; lún sâu vào vòng xoáy nợ nần.
Hiện ở Tây Nguyên, cây sầu riêng có diện tích tăng mạnh nhất không chỉ tại thủ phủ sầu riêng Lâm Đồng mà còn lan tỏa sang các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông rồi Gia Lai. Thống kê chỉ riêng hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông diện tích sầu riêng hiện đã đạt 4.000 ha, trong đó Đắk Lắk là 3.000 ha còn lại hơn 1.000 ha ở tỉnh Đắk Nông. Với việc giá sầu riêng đang dao động ở mức cao từ 46.000 - 57.000 đồng/kg, cao hơn năm trước từ 5.000 - 7.000 đồng/kg đã kích thích người nông dân đua nhau mở rộng diện tích. Không chỉ riêng cây sầu riêng, cây bơ hiện cũng phát triển ồ ạt tại Tây Nguyên.
Tỉnh Đắk Nông còn hi vọng đưa cây bơ thành cây trồng chủ lực, giúp xóa đói giảm nghèo. Với khoảng 2.600 ha được phân bố chủ yếu tại các huyện Đắk Mil, Đắk Glong… thế nhưng thị trường đầu ra cho loại trái cây này đang là dấu hỏi lớn cho ngành chức năng của tỉnh.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hợp- Trưởng phòng NNPTNT huyện Chư Sê cho rằng, việc người dân chuyển đổi cây trồng, làm mới đất trên diện tích hồ tiêu bị chết là rất tốt. Tuy nhiên việc chuyển đổi cần cẩn trọng, lựa chọn cây trồng, vì hiện nay thị trường nông sản rất bấp bênh, người nông dân không nên ồ ạt tăng diện tích rất dễ theo vết cây hồ tiêu.
Như vậy, câu trả lời cho “vấn nạn hồ tiêu” vẫn chưa thật sự rõ ràng, và nông dân vẫn là người thua thiệt nhất.
* Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Gia Lai, tổng dư nợ cho vay trồng, chăm sóc hồ tiêu trên toàn tỉnh là 4.382 tỷ đồng, chiếm 5% dư nợ toàn tỉnh. Trong đó, dư nợ ngắn hạn 3.375 tỷ đồng; nợ trung hạn 1.007 tỷ đồng; nợ xấu 186 tỷ đồng. Riêng tại Chư Pưh chiếm khoảng 1.500 tỷ đồng với 8.104 hộ vay; số hộ bị thiệt hại hồ tiêu do hạn hán là 2.668 hộ dư nợ hơn 793 tỷ đồng.