Hồ Baikal

Bích Quyên Nguồn tham khảo: National Geographic Daily Mail 14/09/2016 16:30

Hồ Baikal của nước Nga là hồ nước ngọt có một không hai trên thế giới, nằm ở phía Đông Siberia (LB Nga), rộng tới 31.722km². Không hồ nước ngọt nào lại có độ sâu trung bình như Baikal: 744m.

Hồ Baikal

Bí ẩn không lời giải thích

Không biết từ bao giờ, người ta còn gọi Baikal là “hồ thiêng”. Trong khi nhiều nơi trên thế giới tranh chấp nhau về nguồn nước ngọt, kể cả phải nổ súng để giành nước ngọt, thì Baikal có thể cũng cấp nước ngọt cho toàn thể nhân loại trong vòng 5 năm.

Trước kia, người ta gọi hồ Baikal là biển, do nó quá mênh mông. Buổi sáng, khi sương mù buông, không còn thấy đâu là mặt nước và đâu là bến bờ. Kể cả đoạn thắt hẹp nhất thì người ta cũng không nhìn thấy được bờ bên kia là gì. Những hôm đột ngột nắng gắt, buổi trưa, hơi nước từ mặt hồ bốc lên, khiến Baikal trở nên vô cùng huyền bí.

Có nhiều cách giải thích tên gọi của hồ Baikal, nhưng cách lý giải của người Yakut được nhiều người chấp nhận. Theo đó, “bai” có nghĩa là “giàu”, còn “kyuol- kal” có nghĩa là “hồ”. Người Yahut còn nói thêm rằng, trong ý nghĩa tinh tế của ngôn ngữ, tên gọi ấy còn có thể được hiểu là “biển nước làm nảy sinh vô vàn giọt nước mắt”.

Hồ Baikal - 1

Hàng ngày, người ta vẫn lặn xuống đáy hồ Baikal để tìm cổ vật.

Theo giới khoa học, Baikal được hình thành từ khoảng 30 triệu năm trước, nó là hồ nước cổ xưa bậc nhất trái đất. Thông thường, các hồ nước không “sống” được quá 10 đến 14 nghìn năm do bị “bùn hóa” và biến thành đầm lầy. Nhưng Baikal vẫn nguyên vẹn với tư cách là một hồ nước, đó là điều hết sức bí ẩn.

Kết quả nghiên cứu của Viện sĩ Viện địa chất thuộc Viện Hàn lâm khoa học LB Nga Alexandr Tatarinov cho rằng, vì một lý do nào đó mà đáy hồ suốt này không bao giờ bị hóa thạch.

Một số mẫu đá thu thập được ở đáy hồ vào năm 1966 là do được hình thành từ quá trình hoạt động của lửa bùn, không đủ để khẳng định tuổi của hồ nước này.

Mùa đông Siberia lạnh giá, khi đó mặt hồ bị đóng băng. Năm 1999, trên mặt băng mênh mông đó, người ta thấy xuất hiện những vòng tròn. Vậy, chúng là gì? Vì sao lại xuất hiện? Nghi vấn vẫn còn là một bí mật cho tới tận bây giờ.

Hồ Baikal - 2

Tuyến đường sắt chạy men theo hồ Baikal.

Người ta chỉ biết rằng, quan sát từ vũ trụ, mỗi khi mặt hồ đóng băng lại xuất hiện những vòng tròn đường kính lên tới hơn 4km. Những vòng tròn đó được ghi nhận tiếp theo vào các năm 2003, 2005, 2008 và 2009.

Nhiều người cho rằng, đó là dấu vết của người ngoài hành tinh. Nhưng với giới khoa học, rất có thể đây là hiệu ứng của khí thải methane từ trầm tích dưới đáy hồ bởi vì hồ Baikal nằm trên vùng đứt gãy Baikal.

“Mùa hè, hiện tượng này sẽ không có vì khí thải sẽ tự thoát vào trong không gian, còn mùa đông thì lượng khí này được trộn lẫn vào trong băng và bị đẩy lên bề mặt” - GS. Tatarinov cho biết. Nhưng với hiện tượng nước phát sáng của Baikal thì vị giáo sư danh giá này cũng bó tay.

Năm 1982, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Vật lý kỹ thuật trực thuộc Đại học tổng hợp Yakut làVictor Dobrynin phát hiện ra hiện tượng nước hồ Baikal phát sáng. Lý do vì sao thì không có lời giải thích. Từ sau tháng 1 hàng năm, hiện tượng phát quang lại càng rõ rệt. Chỉ đến tháng 5, khi những trận mưa ào ạt trút xuống thì hiện tượng này mới chấm dứt.

Người ta cũng kinh ngạc khi nhận thấy, xung quanh hồ Baikal rất có thể đã từng là nơi quần cư đông đúc của con người. Nhiều bức tường thành còn sót lại cho thấy nơi đây từng là đô thị, được bảo vệ một cách chắc chắn. Người ta cho rằng các bức tường thành này được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ V đến thứ X, nhưng đó cũng chỉ là giả thuyết.

Hồ Baikal - 3

Hải cẩu Nerpa.

Đội quân bảo vệ hồ Baikal

Từ sự kỳ vĩ mà Baikal được gắn liền với nhiều huyền tích. Như việc người ta cho rằng hồ nước có năng lực ma thuật siêu nhân nào đó, có thể giúp kéo dài tuổi thọ của con người.

Chính vì vậy, ngay cả khi nước hồ ở nhiệt độ âm 5, thì cũng có nhiều người ngâm mình, mới ước muốn chưa trị bệnh hiểm nghèo và được sống lâu. Kể cả những cặp đôi nam nữ trong vùng, trước khi kết hôn cũng thường đưa nhau tới “ngâm mình”, như cầu xin đấng linh thiêng cho họ được sống bên nhau mãi mãi, suốt đời không bệnh tật.

Do ma lực của hồ, tới nay cùng với những huyền tích thì người ta vẫn “bịa” ra những câu chuyện về Baikal. Trong đó có việc một nhóm thợ lặn hải quân đã chạm trán các “sinh vật hình người mặc đồ màu bạc” ở độ sâu 50m.

Kết cục là 3 người trong số họ đã chết vì đuổi theo, 4 người khác bị thương nặng. Người dân trong vùng còn kể rằng, vào những ngày nắng, nước hồ trong vắt, người ta đã thấy những lâu đài cho tới xe lửa, tàu thuyền… dưới lòng hồ. Những ảo ảnh đó cũng là huyền thoại về hồ nước kỳ vĩ này.

Ở Baikal, người ta vừa tự hào vừa sợ hãi khi đối diện với loài hải cẩu Nerpa. Chúng có nguồn gốc từ đại dương vùng cực Bắc từ hơn 800.000 năm trước. Đó là loài hải cẩu không tai, từng bị sắn bắt từ thế kỷ này sang thế kỷ khác nhưng vẫn là chúa tể của hồ Baikal.

Chúng có thể tấn công giết hại cả những con bò to lớn nếu sa chân xuống nước. Không biết bao nhiêu người đi thuyền trên hồ đã bị chúng tấn công.

Chúng là loài sống cực khỏe: ngay cả khi mùa đông băng giá khi mặt hồ đóng băng, thì hải cẩu Nerpa vẫn tung tăng bơi lội bên dưới. Chúng còn trèo cả lên mặt băng lim dim ngủ để rồi bất thần tung ra những cú đớp sấm sét.

Người ta ước chừng hiện còn khoảng 60.000 con hải cẩu Nerpa sống trong hồ Baikal. “Đó là một đội quân dữ tợn bảo vệ hồ nước vĩ đại nhất thế giới. Có lẽ, khi chúng tuyệt chủng thì hồ nước này sẽ biến mất”- Chritian Marifoe, một nhà nghiên cứu Baikal nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hồ Baikal

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO