Phát biểu dịp Quốc khánh mới đây, từ Pháo đài Đỏ ở New Delhi, Thủ tướng Narendra Modi đặt mục tiêu đưa Ấn Độ vào nhóm các nước phát triển trong vòng 25 năm. Ông Modi khuyến khích giới trẻ “đặt mục tiêu lớn lao” và cống hiến thời gian tốt nhất của họ cho đất nước. “Chúng ta phải biến Ấn Độ thành nước phát triển trong 25 năm tới, ngay trong cuộc đời của chúng ta. Đó là một quyết tâm lớn và chúng ta nên hướng đến điều đó bằng tất cả sức lực” - Thủ tướng Modi kêu gọi. Những động thái gần đây của đất nước 1,4 tỷ dân đã và đang được thế giới dõi theo.
Hiện Ngân hàng Thế giới (World Bank) xếp Ấn Độ vào nhóm các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp, tức các nước có thu nhập bình quân đầu người từ 1.086 đến 4.255 USD/năm; trong khi các nước thu nhập cao có thu nhập bình quân đầu người từ 13.205 USD/năm trở lên. Tuy nhiên là quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc, tổng thu nhiều, nên Ấn Độ được xếp hạng là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới. Theo số liệu mới nhất của Liên hợp quốc, tính đến ngày 23/8/2022, dân số Ấn Độ là 1.408.348.529; còn dân số Trung Quốc là 1.448.957.317 người.
Từ những gì đã và đang diễn ra, nhiều chuyên gia cho rằng nền kinh tế Ấn Độ có thể vươn lên xếp thứ 3 thế giới vào năm 2050, sau Mỹ và Trung Quốc, dù thu nhập đầu người hiện nay ở mức 2.100 USD là mức thấp so với nhiều nước.
Chiến lược đa liên kết và lợi thế của “Hổ Belgan”
Từ tốc độ phát triển và tầm ảnh hưởng thế giới, giới quan sát quốc tế đã gọi Ấn Độ là “Hổ Bengal”, đang dần trở thành một thế lực mới nắm giữ “chìa khoá” để tạo ra cân bằng quyền lực tại khu vực và trên thế giới. Bằng chứng là từ tháng 6 tới nay, Thủ tướng Modi liên tục tham dự những hội nghị quốc tế quan trọng, trong đó có Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến BRICS (“BRICS” là tên gọi của một khối bao gồm các nền kinh tế lớn mới nổi gồm Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi do Trung Quốc chủ trì. Ngay sau đó, ông tiếp tục có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Chưa hết, Thủ tướng Modi cũng đã có mặt ở Tokyo để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến lần hai của Nhóm Tứ cường (Quad). New Delhi cũng là nơi đón Ngoại trưởng các nước Đông Nam Á đến dự Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Ấn Độ.
Từ tháng 3 đến tháng 6/2022, New Delhi đã đón hơn 40 đoàn lãnh đạo cấp nguyên thủ và bộ trưởng ngoại giao của các nước đến thăm và hội đàm với chính phủ của Thủ tướng Modi.
Giới quan sát nhận xét, Ấn Độ là một trường hợp đặc biệt, là nước duy nhất tham gia vào nhiều cơ chế tập hợp lực lượng có tính đối lập và cạnh tranh với nhau, cho thấy đó là một thế lực đang trỗi dậy.
Chính sách đối ngoại của Ấn Độ đã được điều chỉnh mạnh mẽ khi Thủ tướng Narenda Modi lên nắm quyền. Trong một thế giới ngày càng phân cực, Ấn Độ không những không co lại với vị thế “không liên kết”, mà chủ động, quyết đoán hơn thúc đẩy “đa liên kết”, duy trì quan hệ với tất cả các cường quốc chủ chốt; tận dụng mọi cơ hội để phát triển đất nước.
Theo Tiến sĩ Ian Hall (Viện Griffith Asia, Austraila) thì chiến lược “đa liên kết” được giới tinh hoa chiến lược của Ấn Độ cho là phương tiện tốt nhất để đạt được những gì Ấn Độ coi là lợi ích và lý tưởng cốt lõi trong bối cảnh toàn cầu. Trong bối cảnh thế giới ngày nay, “Hổ Bengal” có lợi thế lớn khi nằm ở vị trí trung tâm khu vực Ấn Độ Dương, án ngữ tuyến vận tải biển huyết mạch từ Trung Đông sang Đông Á. Dân số 1,4 tỉ người với độ tuổi trẻ là nền tảng cho một nền kinh tế năng động và một công xưởng mới của thế giới trong bối cảnh chuỗi cung ứng đang chuyển dịch mạnh mẽ.
“Sự trỗi dậy của mỗi quốc gia thường không dễ dàng mà luôn có nhiều trở lực. Nhưng điều rất quan trọng là Ấn Độ ngày nay đang có một một chính phủ mạnh, khát vọng và đầy quyết tâm. Còn người dân cho rằng, họ sẽ vươn lên như ngày xưa tổ tiên của họ đã chứng tỏ với thế giới về nền văn minh sông Hằng vĩ đại” - Tiến sĩ Ian Hall nói.
10 tỉ phú giàu nhất trong số 166 tỉ phú Ấn Độ
Cho dù thu nhập bình quân đầu người còn thấp, nhưng Ấn Độ đã có số tỉ phú “đáng mơ ước”: 166 người, tăng so với con số 140 của năm ngoái. Tổng tài sản của họ tăng gần 26% lên 750 tỉ USD. Như vậy, theo xếp hạng của Forbes, thì Ấn Độ có nhiều tỉ phú thứ 3 thế giới (sau Mỹ 735 tỉ phú và Trung Quốc 539 tỉ phú).
Cũng thật đáng nể khi tỉ phú Ấn Độ Mukesh Ambani, người sở hữu công ty giá trị nhất quốc gia Reliance Industries, chính là người giàu nhất châu Á và là người giàu thứ 10 trên thế giới. Sau đây là danh sách 10 tỉ phú hàng đầu Ấn Độ, tính tới thời điểm cuối tháng 8/2022.
-Tỉ phú Mukesh Ambani: Giá trị tài sản ròng 90,7 tỉ USD, hiện sinh sống tại Mumbai. Ông Ambani làm giàu nhờ dầu khí và hóa dầu, hiện sở hữu 4 nhà máy máy lọc dầu ở Tây Ấn Độ.
-Tỉ phú Gautam Adani: Giá trị tài sản ròng 90 tỉ USD, hiện sinh sống tại Ahmedabad. Ông Adani là doanh nhân lớn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
-Tỉ phú Shiv Nadar: Giá trị tài sản ròng 28,7 tỉ USD, hiện sinh sống tại Delhi. Ông Nadar là nhà tiên phong về công nghệ, một trong những nhà cung cấp dịch vụ phần mềm lớn nhất của Ấn Độ, là chủ tịch công ty với 198.000 nhân viên trên 52 quốc gia.
-Tỉ phú Cyrus Poonawalla: Giá trị tài sản ròng 24,3 tỉ USD, hiện sinh sống tại Pune. Vị tỉ phú này bật lên từ việc đầu tư đúng hướng vào nghiên cứu và sản xuất huyết thanh; cung cấp 1,8 tỉ mũi tiêm Covid-19 cho người dân Ấn Độ vào năm 2021.
-Tỉ phú Radhakishan Damani: Giá trị tài sản ròng 20 tỉ USD, hiện sinh sống tại Mumbai. Tỉ phú Damani thành công từ thị trường chứng khoán và bán lẻ theo chuỗi siêu thị gồm 271 cửa hàng D-Mart trên khắp cả nước.
-Tỉ phú Lakshmi Mittal: Giá trị tài sản ròng 24,3 tỉ USD, hiện sinh sống tại London (Anh). Tỉ phú Mittal hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thép.
-Tỉ phú Savitri Jindal: Giá trị tài sản ròng 17,7 tỉ USD, hiện sinh sống tại Hisar. Bà Jindal hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thép và điện.
-Tỉ phú Kumar Birla: Giá trị tài sản ròng 16,5 tỉ USD, hiện sinh sống tại Mumbai. Ông Birla hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực viễn thông và bán lẻ.
-Tỉ phú Dilip Shanghvi: Giá trị tài sản ròng 15,6 tỉ USD, hiện sinh sống tại Mumbai. Vị tỉ phú này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dược phẩm.
-Tỉ phú Uday Kotak: Giá trị tài sản ròng 14,3 tỉ USD, hiện đang sống ở Mumbai. Vị tỉ phú này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực ngân hàng.
Với 166 tỉ phú, đặc biệt là với 10 tỉ phú cực mạnh, Ấn Độ được coi là đã tạo được sức mạnh nội tại cho nền kinh tế, là cơ sở để đảm bảo sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn. Bằng chứng rõ nhất là trong 2 năm 2020-2021, khi “bão” Covid-19 quét qua thế giới, hầu hết các nền kinh tế đều rơi vào tăng trưởng âm, thì kinh tế Ấn Độ vẫn giữ được ổn định tương đối.
Giới chuyên gia tài chính đánh giá, chính những tỉ phú Ấn Độ là những đầu tàu công suất lớn có khả năng đưa nền kinh tế vốn vô cùng cồng kềnh tiến lên phía trước. Người ta cũng nhận thấy, hầu hết các tỉ phú Ấn Độ đều cư trú trong nước. Trong số 10 tỉ phú hàng đầu thì có tới 9 người sinh sống và làm việc tại Ấn Độ - quê hương của họ.
“Điều đó cho thấy ý thức về đất nước của giới tài phiệt Ấn Độ rất mạnh mẽ. Điều đó nên coi là nguyên nhân sâu xa giúp họ thành công. Ý thức ấy được hình thành từ một nền văn minh thẳm sâu và vĩ đại, cũng như tư duy sắc bén của những con người tiên phong ngày nay” - Tiến sĩ Ian Hall nhận xét.
Will Durant (1885-1981), triết gia, sử gia người Mỹ gốc Pháp, cùng vợ là Ariel Durant đã dành 40 năm hoàn thiện bộ “Lịch sử văn minh” bao gồm 11 tập. Trong phần “Di sản phương Đông” - mở đầu của công trình đồ sộ ấy, là lịch sử văn minh Ấn Độ. “Những cuộc khảo cổ đã phát hiện ra các chứng tích của buổi đầu văn minh bị chôn vùi dưới đất và trên bờ sông phía tây Indus, nhiều di tích của một nền văn minh cổ hơn bất kỳ nền văn minh mà nhân loại đã từng biết đến và được tìm thấy”.
Trong cuốn sách “Lịch sử văn minh Ấn Độ”, Will Durant - Ariel Durant cho biết, đã có những nỗ lực thuần hóa cây trồng từ giai đoạn khởi sinh văn minh lưu vực sông Ấn (2.800 - 1.800 trước công nguyên) đến văn hóa nông nghiệp toàn diện trong thời kỳ hoàng kim Gupta (năm 319 - 467) đưa Ấn Độ phát triển thành một trong những nền văn minh rực rỡ nhất của nhân loại.
Ấn Độ được biết đến là quê hương của những tôn giáo lớn trên thế giới như Ấn Độ giáo, Phật giáo, đạo Jain, đạo Sikh...; là một trong những cái nôi của triết học Phương Đông khi triết học Ấn và tôn giáo đan xen với nhau, tạo nên vẻ đẹp bí ẩn. Văn học, nghệ thuật của nền văn minh Ấn Độ cũng vô cùng độc đáo, thể hiện qua hai bộ sử thi Mahabharata và Ramayana - đại diện cho tư tưởng, sức sống tiềm tàng với những giá trị tinh thần, đạo đức của con người cho đến nay vẫn được tìm tòi, khám phá. Kiến trúc cũng là một trong những thành tựu nổi bật bậc nhất với mộ tháp, chùa chiền, cung điện… Những thành tựu rực rỡ ở nhiều lĩnh vực đã đưa Ấn Độ trở thành một trung tâm văn minh lớn của thế giới trong thời cổ trung đại.
Đáng chú ý, trong “Lịch sử văn minh Ấn Độ”, các tác giả còn nhấn mạnh nền văn minh ấy đang tiếp tục sáng tạo, ngay trong thời hiện đại.