Việc mở các đường bay thương mại quốc tế là nhu cầu thực tế, để phát triển kinh tế - xã hội, giao thương, du lịch, đi lại của người dân.
Chiều 2/12, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, trả lời báo chí về kế hoạch mở lại đường bay thương mại quốc tế, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết: Việc mở các đường bay thương mại quốc tế là nhu cầu thực tế, để phát triển kinh tế - xã hội, giao thương, du lịch, đi lại của người dân. Bộ đã xây dựng kế hoạch và báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 8/11. Trong đó có đưa ra các quốc gia dự kiến mở cửa với 3 lộ trình khác nhau gắn với tần suất khai thác và phòng chống dịch. Trước khi báo cáo Thủ tướng quyết định cuối cùng, Bộ đã làm việc với các bộ ngành liên quan như: ngoại giao, công an, y tế, văn hóa - thể thao, du lịch để xác định lộ trình.
Ông Đông cho biết, điều kiện mở chuyến bay phải xem yếu tố khả năng phòng, chống dịch, tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân, nhưng quan trọng là sự đồng thuận của các quốc gia. Do đó “hộ chiếu vacine” là công cụ để mở các chuyến bay, và các hãng hàng không đều phải tuân thủ. Tuy nhiên gần đây có biến chủng mới (biến chủng Omicron - PV), do đó các nước thận trọng hơn và xem xét đánh giá kỹ.
“Lộ trình chúng tôi đề xuất là đầu tháng 12 và năm 2022 có thể có những chuyến bay. Nhưng do có biến chủng mới nên vẫn đang phải tiếp tục làm việc với các quốc gia để nối lại các chuyến bay một cách sớm nhất. Trên cơ sở ý kiến đó sẽ “chốt lại” và báo cáo Thủ tướng quyết định”- ông Đông cho hay.
Cũng tại buổi họp báo, trả lời về 2 vụ án “nóng” trong thời gian qua là khởi tố Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và bắt bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Vimedimex, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho hay: Trong phòng, chống các loại tội phạm, ngành Công an xác định quyết tâm, quyết liệt, chủ động thường xuyên liên tục. Quan điểm là đúng người đúng tội, không có vùng cấm, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Rõ đến đâu xử lý đến đó. Những vụ án tham nhũng khiến dư luận bức xúc, người đứng đầu có chức vụ cao vi phạm pháp luật thì trước khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương đều họp để nghe cơ quan điều tra báo cáo, và xem xét cẩn trọng vụ việc, cá thể hóa trách nhiệm xem có vi phạm không. Cơ quan điều tra đã báo cáo trong các vụ việc đều có ăn chia, phần trăm, có tiêu cực nên phải xử lý.
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực yêu cầu Bộ Công an phải xử lý một số vụ nên Bộ Công an đã chọn, và điều tra thấy sai phạm trong vấn đề y tế, đấu thầu đất đai. Xử lý vụ án để cảnh tỉnh một vùng, lĩnh vực. “Vụ ông Trương Quốc Cường, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm Tra Trung ương đã kết luận, và các cơ quan tố tụng đang tiếp tục làm việc”- ông Xô cho hay.
Về vụ bắt Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Vimedimex Nguyễn Thị Loan để làm rõ hành vi “vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”, ông Xô cho biết “đây là vụ án liên quan đến đấu thầu đất đai”.
Trung tướng Tô Ân Xô cũng cho biết, sau khi UBND TP Hà Nội có quyết định cho huyện Đông Anh đấu thầu 49 nghìn m2, công ty này tiến hành thuê thầu, cho các công ty con đem đi đấu thầu, dùng các biện pháp móc nối với các cơ quan có liên quan về giá đất. Giá đất lúc đó xác định là 500 tỷ đồng nhưng hạ xuống còn 300 tỷ đồng để thắng thầu. Cả 3 công ty tham gia đều tham gia vòng 1 đấu thầu cùng loại giá, ở các vòng 2,3,4 giá đều như nhau, xin bỏ thầu sau đó bốc thăm. “Cả 3 công ty này đều của bà Loan. Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra làm rõ”- ông Xô nói.