Với lưu lượng muối cực lớn, hồ Karakul - tọa lạc ở đỉnh núi Pamur - “Nóc nhà của thế giới”, mặn đến mức thuyền bè đi qua đều bị lật úp.
Karakul là hồ nước mặn trên núi của Tajikistan, một quốc gia thuộc Trung Á. Do không có lối thoát nước, nó mặn đắng mặn chát, đến nỗi được mệnh danh là "Biển Chết phiên bản Châu Á". Ngoại trừ loài cá chạch suối kiên gan, hồ nước này chẳng còn động thực vật nào sống nổi.
Hồ nước cao nhất thế giới
Ở thời điểm hiện tại nếu thử tìm kiếm thông tin về Titicaca - một hồ nước ở Nam Mỹ - bạn vẫn thấy thông tin ghi chép rằng đây là hồ trên núi cao nhất và rộng nhất trái đất. Cụ thể, hồ Titicaca chiếm cứ đỉnh Altiplano của dãy Andes, có diện tích rơi vào khoảng 8.372 km2 và trên độ cao 3.812m so với mực nước biển.
Mặc dù diện tích của bề mặt của Karakul chỉ là 380 km2, bằng chừng 1/22 của Titicaca, nó nằm ở độ cao lên tới 3.960 m - nghĩa là hơn Titicaca những 148 m.
Trong khi Titicaca vinh dự là một phần của dãy Andes nổi tiếng dài nhất thế giới (trên 7.000km), thì Karakul cũng tự hào có mặt trên dãy Pamir lừng danh với tên gọi "Nóc nhà của thế giới", sở hữu những đỉnh cao chót vót ngoài 7.000 m như Ismoil Somoni (7.495 m), Ibn Sina (7.134 m), Korzhenevskaya (7.105 m) và la liệt các đỉnh cao 5.000-6.000 m khác.
Thêm một điều ấn tượng về Karakul là nó cũng sâu gần bằng với Titicaca. Điểm sâu nhất của Titicaca là 281 m, và Karakul cũng đạt tới 230 m, chỉ thua 51 m mà thôi.
Lượng muối cao đến mức lật cả thuyền bè
Theo kết quả nghiên cứu địa chất thì cách đây chừng 25 triệu năm, trung tâm dãy Pamir từng phải hứng chịu một cú va chạm thiên thạch khủng khiếp. Mặt đất lõm xuống ít nhất 200 m, hình thành một miệng hố khổng lồ với đường kính rộng tới 52 km.
Tứ bề Karakul được bao bọc bởi hệ thống các đỉnh cao ngất ngưởng, quanh năm tuyết phủ trắng xóa của dãy Pamir. Nước trong hồ không có bất cứ lối thoát nào, chỉ có thể tự bốc hơi. Thời gian dần trôi, lượng muối lắng đọng càng nhiều, khiến Karakul mỗi ngày một thêm mặn chát.
Ngoại trừ việc là một hồ khép kín tương tự như Biển Chết (hồ nước mặn nằm trên biên giới giữa Bờ Tây, Israel và Jordan trên thung lũng Jordan), Karakul còn nhận muối từ các mỏ muối xung quanh. Có thể nói nó được vây bọc bởi hệ thống mỏ muối trên cạn vùng trung tâm dãy Pamir.
Thế nên đã mặn càng thêm mặn. Nó mặn đến nỗi cực kỳ khó để lái thuyền trên hồ, vì lực đẩy của nước quá mạnh khiến thuyền dễ dàng bị lật.
Mặt nước liên tục đổi màu
Trên bờ Karakul, dưới chân những rặng núi cao chót vót là mênh mang "sa mạc Mặt trăng" trống trải. Khí hậu nóng bỏng vùng Trung Đông cộng với sự chiếm lĩnh của các mỏ muối khiến đất đai nơi đây chẳng có gì ngoài đất đá.
Cái biệt danh "sa mạc Mặt trăng" chính là để chỉ mặt đất khô khốc, vô hồn không khác chi bề mặt cung trăng.
Giữa cái lòng chảo địa chất mênh mông hoang vắng trên cao, Karakul phô bày sắc xanh trong trẻo mê hồn. Chỉ trong ngày mà làn nước trong vắt cũng đổi màu đến vài ba bận, từ xanh màu lá đến xanh ngọc lam rồi bất chợt xanh dương biếc như biển cả. Những ngày mùa hè, nó còn đặc biệt thể hiện sắc xanh nhạt trong veo nữa.
Duy nhất một loài động vật thích nghi được
Mặc dù mặn đến nỗi lật úp cả thuyền bè, Karakul vẫn rộng lượng với nhà Nemacheilus, một phân nhánh của họ cá chạch suối quen thuộc trên khắp các sông suối Châu Á. Loài vật này nổi tiếng bởi sự gan góc và lì lợm. Bất chấp môi trường sinh tồn khắc nghiệt, nước xiết, nghèo nàn thức ăn hay nhiều muối mặn đắng, chúng vẫn sống sót được.
Trong hồ nước mặn lớn nhất và mặn nhất châu Á này, Nemacheilus thoải mái làm vua. Không có đối thủ cạnh tranh, toàn bộ hồ nước rộng cả 380 km đều là của chúng. Nhờ chế độ ăn tạp, có thể tiêu hóa được từ côn trùng đến động vật giáp xác nhỏ, động vật phù du, thậm chí là lá cỏ, chúng dễ dàng sống sót trong điều kiện nghèo nàn thức ăn của Karakul.
Ở đâu có nước, ở đó có sự sống. Bất chấp nồng độ muối trong hồ cao kinh hoàng, vành đai xung quanh lại nhộn nhịp đầy chim chóc. Tận dụng nước hồ thấm ẩm cả đảo lẫn bán đảo, rìa hồ, cỏ tranh thủ mọc tấp nập. Chim chóc nô nức rời những sa mạc cằn cỗi, đỉnh núi tuyết phủ tràn xuống đây, rộn rã kiếm ăn, làm tổ.
Ngoại trừ các loài lông vũ bản địa, Karakul còn thường xuyên đón các đợt thác chim di cư, cuốn hút đông đảo du khách yêu chim chóc đến cắm trại, chờ ngắm.