Hồ phải sạch

Lê Anh Đức 28/10/2016 06:31

Thời gian vừa qua, cá ở các hồ Hoàng Cầu, Hồ Tây, Thành Công, nay là Linh Đàm bỗng dưng chết hàng loạt không khỏi khiến người dân Thủ đô hoang mang lo lắng. Cho tới nay, các cơ quan chức năng mới xác định bước đầu nguyên nhân cá chết là do thiếu ô xy, nhưng vì sao thiếu ô xy thì chưa chỉ ra được. Có lẽ đó là lý do mà liên tiếp các hồ ở Hà Nội xảy ra tình trạng cá chết trắng hồ nhưng lại không thể có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.

Hồ phải sạch

Tình trạng nước sông, hồ Thủ đô đang bị ô nhiễm nghiêm trọng là nỗi lo lắng của toàn xã hội.

Hàng tấn cá to có, nhỏ có chết phơi bụng trắng xóa trên các hồ lớn của Hà Nội không chỉ làm cho người dân lo lắng, mà còn khiến các cơ quan chức năng buộc phải nhập cuộc điều tra nguyên nhân.

Song, có vẻ như nguyên nhân thực sự khiến nồng độ ô xy hòa tan thấp dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt vẫn là ẩn số như một thách thức không nhỏ đối với các nhà chuyên môn.

Khi mà chưa có câu trả lời chính xác về nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt thì hiện tượng xác cá nổi trắng hồ sẽ chưa dừng lại mà vẫn còn tiếp diễn ở các sông hồ còn lại.

Chẳng phải vậy sao khi mà mới chỉ cách đây 4 tháng, người dân quanh hồ Hoàng Cầu khá ngạc nhiên không hiểu vì nguyên nhân gì mà cá chết trôi dạt vào bờ.

Sau đó 3 tháng, người ta không còn ở trạng thái ngạc nhiên nữa mà bắt đầu thấy sợ khi mà ven bờ Hồ Tây cũng dập dềnh xác cá ngửa bụng trắng xóa.

Đương nhiên theo lẽ thường thì thiếu cái gì bổ sung cái đó. Để khắc phục trước mắt, các cơ quan quan chức năng của Hà Nội đưa đến lắp đặt và vận hành các máy tạo ô xy với nỗ lực cứu... cá. Có vẻ như biện pháp trên tỏ ra có hiệu quả. Song, cá ở Hồ Tây không chết nữa thì đến lượt cá ở hồ Thành Công và bây giờ là các loài thủy sản lớn nhỏ hồ Linh Đàm.

Phải khẳng định ngay và luôn là nhận định của các nhà chuyên môn và của các cơ quan chức năng ở Hà Nội về nguyên nhân cá chết hàng loạt ở các hồ do thiếu ô xy là hoàn toàn chính xác.

Song, cũng cần tìm hiểu vì sao nồng độ ô xy hòa tan trong nước ở các hồ lại thấp đến mức cá chết hàng loạt như vậy thì mới có thể đưa ra giải pháp phòng ngừa hữu hiệu không chỉ cho các hồ đã xảy ra nạn cá chết hàng loạt, mà còn cứu thủy sản ở những hồ còn lại của Thủ đô.

Theo nghiên cứu khoa học, nồng độ ô xy hòa tan trong nước bị ảnh hưởng bởi các yếu tố: Nhiệt độ, cặn lắng, áp suất, độ mặn và một số yếu tố khác như ô xy trong không khí, quá trình quang hợp của thực vật thủy sinh, đặc biệt là sự phân hủy hữu cơ trong nước...

Theo đó, khi nhiệt độ càng cao thì lượng ô xy hòa tan trong nước càng thấp và ngược lại, nhiều bùn lắng đọng tầng đáy cũng làm giảm nồng độ ô xy hòa tan, hay có quá nhiều xác động - thực vật chết bị phân hủy trong nước cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng giảm lượng ô xy hòa tan trong nước.

Chiếu theo các cứ liệu khoa học trên thì việc xảy ra tình trạng cá ở các hồ Hà Nội chết hàng loạt vì thiếu ô xy là điều đương nhiên không thể tránh khỏi. Nói như vậy bởi lẽ, nước ở các hồ Hà Nội không những không được thay thế nên vừa không có dòng chảy để tạo ô xy, vừa khiến mức độ ô nhiễm ngày càng trầm trọng.

Cộng thêm vào đó là việc xả thải từ các nguồn nước sinh hoạt, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa được xử lý, rác thải vô cơ có, hữu cơ có đang được người dân và một số doanh nghiệp thiếu trách nhiệm vô tư xả thẳng vào hồ cũng là nguyên nhân dẫn đến việc giảm nồng độ ô xy trong nước ở các hồ trên địa bàn Hà Nội.

Không hề ngoa khi nói hiện vấn nạn nước sông, hồ Thủ đô đang bị ô nhiễm nghiêm trọng là nỗi nhức nhối của toàn xã hội.

Có không ít cuộc hội thảo để lấy ý kiến các chuyên gia đầu ngành về môi trường, khá nhiều cá nhân, tổ chức cả trong nước và quốc tế tự nguyện đi thu gom rác để làm sạch các dòng sông.

Song, xem ra mọi sự chỉ như muối bỏ bể, các sông, hồ vẫn đang “chết” dần và luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với người dân. Kết quả quan trắc mẫu nước ở một số sông, hồ Hà Nội cho thấy nồng độ ô xy hòa tan thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn; lượng ôxy hóa học trong nước (COD), ôxy sinh học trong nước (BOD5), khuẩn coliform trong nước, hàm lượng amoni (NH4+)... đều vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.

Có khá nhiều ý kiến cho rằng, việc các cơ quan chức năng của Hà Nội lắp đặt các máy tạo ô xy để bổ sung nguồn cung cấp ô xy cho Hồ Tây là điều cần thiết và nên làm.

Song, cũng cần hiểu rằng đây chỉ là giải pháp “chữa cháy” mà chưa động đến gốc rễ của vấn đề nên không thể là giải pháp căn cơ toàn diện.

Liệu Hà Nội có đủ kinh phí và nhân công để bố trí lắp đặt máy tạo ô xy ở tất cả các sông, hồ lớn nhỏ trên địa bàn Thủ đô?

Ngay cả khi đủ lực để lắp đặt máy móc bổ sung nguồn ô xy cho tất cả các hồ thì đến một lúc nào đó - khi mà mức độ ô nhiễm gia tăng cực điểm thì không chỉ cá mà tất cả các loài thủy sinh vật đều khó tồn tại. Vậy nên, giải pháp sâu rễ bền gốc vẫn là cải tạo môi trường của các hồ ở Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hồ phải sạch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO