Hồ sơ Panama gồm 11,5 triệu tài liệu sau khi tung ra đã gây chấn động nhiều quốc gia. Dư chấn của nó vẫn tiếp tục lan rộng với những hậu quả khó lường. Tại đợt công bố mới đây, trong danh sách của hồ sơ này có nêu 189 cá nhân, tổ chức của Việt Nam có liên quan. Ngay sau đó, Tổng cục Thuế và Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc. Về vấn đề này, theo ông Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật BASICO: cần làm rõ các mối quan hệ kinh doanh.
Theo ông Trương Thanh Đức, doanh nghiệp Việt Nam không có quá nhiều tiền để mà thực hiện các giao dịch ngầm. 189 cá nhân, tổ chức của Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama nổi lên một vài tên tuổi đình đám, giữ vai trò quan trọng tại những công ty lớn, doanh nghiệp lớn. Đáng chú ý, hồ sơ này có nêu các hình thức trốn thuế, lách thuế, né thuế, nhưng không phải vì thế mà tất cả những cái tên đó đều vi phạm. Khả năng không vô can tất cả, khả năng không vi phạm tất cả, mà là vi phạm nhiều hay ít và tính chất như thế nào- theo ông Đức.
PV:Thưa ông, 189 cá nhân và tổ chức Việt Nam có liên quan đến Hồ sơ Panama. Chúng ta nên hình dung điều đó như thế nào?
Ông Trương Thanh Đức: Trước hết là có dấu hiệu nghi ngờ khi ở trong danh sách này, nhưng vi phạm, lách thuế, rửa tiền hay là hoạt động bất hợp pháp hay không, thì chưa biết được.
Trong hoạt động thương mại quốc tế, cá nhân hoàn toàn có quyền kinh doanh, chuyển tiền xử lý thu nhập ở các nước khác, nếu được pháp luật cho phép và công khai minh bạch thì không sao. Khi người ta không minh bạch, có dấu hiệu không công khai thì lúc đó mới cần xem xét.
Thưa ông, nhiều nghi vấn đặt ra có hiện tượng một số định chế tài chính sử dụng danh nghĩa cá nhân để chuyển, gửi tiền ra nước ngoài nhằm lách thuế. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Vấn đề ở chỗ, danh nghĩa hay thật mình còn chưa biết. Vì công ty thành lập ở các “thiên đường thuế” và cơ chế hoạt động như thế nào cần làm rõ. Pháp luật Việt Nam cho phép đầu tư ra nước ngoài, nghĩa là có quyền mở công ty và tài khoản ngân hàng ở nước ngoài.
Ở chiều ngược lại, cần phải thẩm định dự án, kiểm soát đầu tư, ngoại hối. Ví dụ như dòng tiền, công ty nào đó mà đến từ Panama, hay các “thiên đường thuế” khác thì cần cẩn trọng. Ở đây cũng giống như câu chuyện bán hàng đa cấp. Được coi là văn minh đấy, nhưng rồi lại quá nhiều người bị lừa. Thế nên mới phải làm rõ tính chất hoạt động của các công ty có địa chỉ đăng ký tại các “thiên đường thuế”.
Cũng cần phải nói rằng, bấy lâu câu chuyện mập mờ, ú ớ vẫn cứ diễn. Từ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đến dự án đầu tư sạch hay dự án đầu tư bẩn ra sao cũng lẫn lộn. Dòng tiền bẩn cũng vậy, nếu chỉ một mình thì không kiểm soát được. Hơn nữa trong đầu mình lại cũng có người nghĩ rằng, tiền bẩn ở đâu chứ về đây đầu tư là khác. Đó là tư tưởng chạy theo số lượng đầu tư, cũng dễ gặp rủi ro.
Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố “Hồ sơ Panama” dưới dạng cơ sở dữ liệu, trong đó có nêu 189 cá nhân, tổ chức của Việt Nam có liên quan. Ngay sau đó Tổng cục Thuế đã thành lập tổ điều tra thông tin, Ngân hàng Nhà nước cũng vào cuộc liên quan đến việc chuyển tiền ra nước ngoài. Trò chuyện với Đại Đoàn Kết, ông Trương Thanh Đức- Chủ tịch Công ty Luật BASICO cho rằng: cần làm rõ các mối quan hệ kinh doanh. |
Cơ quan thuế lo ngại không lần ra đầu mối, nếu như các cá nhân, tổ chức có tên trong “Hồ sơ Panama” không đăng ký mã số thuế tại Việt Nam. Nếu thế thì cũng khó mà đối chiếu, trích xuất dữ liệu để tìm hiểu. Theo ông, động thái tiếp theo cần làm gì?
- Thực ra tính pháp lý “Hồ sơ Panama” có nhiều điều đáng quan tâm. Nếu như sự việc xảy ra ở Việt Nam thì khỏi nói. Vì như thế cơ quan quản lý sẽ phải xem xét ngay công tác quản lý, tính hành chính, hay là cả công tác nghiệp vụ nữa. Đặc biệt là nếu có dấu hiệu tội phạm rồi thì cơ quan pháp luật như phải vào cuộc để làm rõ.
Vấn đề lắt léo ở chỗ là “Hồ sơ Panama” với các cá nhân, tổ chức bị đưa tên lại được cung cấp ở ngoài Việt Nam nên về mặt lý sẽ khó hơn. Lúc đó phải là cơ quan sở tại nước đó xem xét.
Trường hợp nữa là các cá nhân, tổ chức được đưa tên trong “Hồ sơ Panama” chưa hẳn là đã sai Bên cạnh đó cũng có câu chuyện nữa là, cá nhân nào đó sang các nước khác thành lập công ty rồi dẫn đến vi phạm trốn thuế, lách thuế. Câu chuyện vi phạm là khác chứ không vi phạm ở ngay việc lập công ty.
Vì vậy đang có câu chuyện yêu cầu các cá nhân liên quan đến “Hồ sơ Panama” giải trình?
- Chắc chắn là khi báo chí nêu và cả thế giới xôn xao thì không thể không xem xét, phải giải trình. Giải trình lý do tại sao có tên, tại sao thành lập công ty? Đó là điều đương nhiên. Việc giải trình chắc sẽ diễn ra ở nhóm nghề: tổ chức tín dụng, chứng khoán, bất động sản, luật.
Những cá nhân tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này không được yêu cầu thì vẫn thường xuyên phải báo cáo. Còn những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khác, khi gặp thông tin dính tên trong “Hồ sơ Panama” thì choáng.
Từ hồ sơ này cũng chỉ hình dung được một số vấn đề: Có việc thành lập doanh nghiệp tại “thiên đường thuế”, có việc cá nhân mua lại cổ phần, cổ phiếu mới dưới dạng chuyển đổi chuyển nhượng mua lại công ty... Tuy nhiên cần nói là việc mua cổ phần, cổ phiếu hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định rõ ràng. Vì thế người ta còn ra nước ngoài mua chứng khoán được cơ mà.
Trân trọng cảm ơn ông!
* Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận xét, cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các định chế tài chính với các cơ quan thuế. Ví dụ, các khoản thu nhập lớn, bất ngờ cần phải được khai báo và nêu rõ nguồn gốc. Việc bắt buộc nêu rõ nguồn gốc các khoản thu nhập sẽ hạn chế được hiện tượng lách thuế. Đây cũng là cách thức phổ biến mà các nước đã và đang làm, Việt Nam sẽ không là ngoại lệ. Đã tới lúc chúng ta phải xem xét những khoảng hở của chính sách thuế và nghiên cứu sửa kịp thời.
* Ông Nguyễn Văn Phụng- Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế các doanh nghiệp lớn cho rằng, vụ việc này đã thức tỉnh cho ngành thuế về việc cần tăng cường tiếp cận nhiều nguồn thông tin, phát triển bộ phận quản lý rủi ro và tăng cường giao lưu thêm thông tin trong và ngoài nước, chia sẻ thông tin với cơ quan thuế, nắm bắt thông tin với cơ quan thuế mà Việt Nam đã ký hiệp định tránh đánh thuế 2 lần. Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng phải nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức, đủ năng lực trình độ, giám sát vấn đề này, nhất là trong điều kiện đơn giản hóa thủ tục vẫn cần rà soát Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần. Hiệp định nào chưa phù hợp thì đàm phán lại. Hiệp định nào đã ký thì tận dụng cơ chế tối đa, khai thác triệt để lợi thế trên cơ sở những quy định đã có.