Chủ Nhật, 27/04/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Đã một năm trôi qua kể từ khi chuyến bay mang số hiệu MH17 của Hãng hàng không Malaysia Airlines gặp tai nạn kinh hoàng trên vùng trời miền Đông Ukraine, khiến toàn bộ 298 người thiệt mạng. Hàng loạt các cuộc điều tra thảm họa đến giờ vẫn được xem là quá chậm chạp và bí ẩn, khiến thế giới càng thêm tò mò về kẻ đã gây ra vụ tai nạn và nguyên nhân đằng sau nó.
Ngày 17/7/2014: MH17 bị rơi tại miền Đông Ukraine
Chuyến bay MH17 rời Amsterdam vào lúc 12h14 (giờ địa phương) trên lịch trình bay tới Kuala Lumpur với 283 hành khách cùng 15 người trong đội ngũ phi hành đoàn. Malaysia Airlines đã mất liên lạc với chiếc Boeing-777 này khi nó đang bay qua khu vực miền Đông Ukraine, vốn đang có nhiều cuộc xung đột. MH17 dự kiến sẽ vào không phận Nga vào lúc 17h20, nhưng điều đó không bao giờ xảy ra. Nó đã biến mất khỏi màn hình radar khi đang ở độ cao 10.000 m.
Ban đầu, người ta cho rằng MH17 bị rơi gần thị trấn Torez thuộc khu vực Donetsk, miền Đông Ukraine. Không lâu sau đó là cuộc đổ bộ của hàng loạt các bức hình chụp xác máy bay trên các mạng xã hội. Người dân địa phương chứng kiến thảm họa này đã mô tả lại cảnh thi thể người rơi từ trên trời xuống trong khi phần thân máy bay còn đang rực lửa.
Ngày 18/7/2014: Trò chơi đổ lỗi bắt đầu
Trước khi quá trình điều tra diễn ra, hàng loạt chính trị gia cùng các hãng truyền thông phương Tây đã bắt đầu đồng loạt cáo buộc Nga – hoặc đổ lỗi cho “lực lượng ly khai thân Nga” – đã bắn hạ chiếc máy bay này bằng tên lửa đất đối không. Tờ The Sun của Anh thậm chí còn giật tít câu khách: “Tên lửa của Putin”. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng MH17 bị bắn hạ bởi tên lửa đất đối không Buk, được phóng đi từ vùng lãnh thổ mà người ly khai kiểm soát. Nhưng cho đến nay, điều này vẫn chưa được kiểm chứng.
Ngày 18/7, Cơ quan An ninh Ukraine còn tung ra cái mà họ gọi là “cuộc điện đàm bị rò rỉ”, trong đó chứng minh rằng người ly khai ở Donetsk đã bắn hạ MH17 do nhầm lẫn. Đoạn băng sau đó bị giới chức Nga chứng minh là hàng giả. Sau đó, để củng cố cáo buộc của mình, cơ quan này còn tung thêm một bức ảnh nhằm chứng minh hệ thống tên lửa Buk-M đã ở trên vùng lãnh thổ người ly khai kiểm soát lúc xảy ra vụ tai nạn. Bức ảnh này sau đó cũng được chứng minh là ảnh chụp tên lửa Buk của chính quyền Kiev, đã có từ trước đó hơn 1 tháng.
Đáng chú ý, vụ tai nạn trở thành cái cớ để Kiev mở chiến dịch quân sự lớn ở khu vực miền Đông Ukraine khiến Nga và nhiều nước quan ngại bùng nổ một cuộc chiến.
Từ 21 đến 31/7/2014: Thu hộp đen máy bay, thi thể nạn nhân
Lực lượng ly khai miền Đông Ukraine cố gắng tìm chiếc hộp đen máy bay tại khu vực nó bị rơi và giao cho phía Hà Lan, quốc gia chịu trách nhiệm điều tra vụ tai nạn. Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cũng phối hợp với lực lượng ly khai để thu thập thi thể tại hiện trường. Hà Lan là nước có nhiều nạn nhân nhất -193 người thiệt mạng.
Tuần cuối của tháng 7, các chuyên gia hàng không của Malaysia đã đến Donetsk để điều tra vụ việc. Cuối tháng, các thi thể đầu tiên trong vụ MH17 đã được chuyển đến Hà Lan.
Ngày 21/7/2014: Nga công bố dữ liệu radar quân sự
Vào ngày 21-7, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố dữ liệu radar quân sự của họ, trong đó cho thấy đã phát hiện một chiến đấu cơ Su-25 của chính quyền Ukraine đang bay về phía MH17 vào đúng ngày nó gặp nạn. Moscow đã thúc giục Kiev giải thích tại sao máy bay của họ lại đuổi theo MH17, nhưng chính quyền Kiev từ chối tiết lộ thông tin. Bộ Quốc phòng Nga còn cho hay vào thời điểm MH17 gặp nạn còn có một vệ tinh do thám của Mỹ đang quan sát khu vực Đông Ukraine và thúc giục phía Mỹ công bố các hình ảnh mà vệ tinh này chụp được. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) vốn đang do dự về việc cấm vận Nga, đã lập tức công bố một số lệnh trừng phạt kinh tế sau khi xảy ra thảm họa MH17.
Tháng 9/2014: Hà Lan công bố báo cáo điều tra sơ bộ
Có tổng cộng 2 cuộc điều tra song song đối với thảm họa MH17, và cả 2 đều do phía Hà Lan thực hiện. Cuộc điều tra đầu tiên được thực hiện bởi Cơ quan An toàn Hà Lan (DSB) nhằm tìm nguyên nhân vụ tai nạn. Cuộc điều tra thứ hai phối hợp với một số nước khác để thành lập ra Đội điều tra chung (JIT) nhằm xác định các bên có trách nhiệm.
Báo cáo sơ bộ về nguyên nhân vụ tai nạn của DSB được công bố hôm 9/9/2014 nói rằng MH17 rơi là do chịu nhiều tổn hại về kết cấu bởi va chạm với các vật thể cao năng lượng từ bên ngoài. DSB cũng khẳng định không có lỗi của phi hành đoàn.
Tháng 1/2015: Nga kêu gọi công bố kết quả điều tra
Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc các nước phương Tây cố tình phớt lờ cuộc điều tra thảm kịch MH17, thêm rằng Moscow muốn có ít nhất là kết quả sơ bộ trong cuộc điều tra này. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nói rằng phương Tây đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga vì thảm họa MH17, thế nhưng lại hoàn toàn phớt lờ quá trình điều tra.
Tháng 3/2015: Tranh luận về giả thiết mới, Reuters báo cáo sai về vụ MH17
Nhà thiết kế máy bay của Nga Vldimir Babak trả lời phỏng vấn truyền thông Đức, nói rằng chiếc phi cơ Su-25 mà trước đó phía Nga cho rằng đã đuổi theo MH17 không có khả năng bắn hạ một chiếc máy bay thương mại. Ông Babak nói rằng có thể chiếc Su-25 này đã tấn công MH17 ở độ cao 3.000-4.000 m, chứ không phải ở độ cao 10.000 m. Ông thêm rằng, tên lửa không đối không chỉ có thể gây tổn hại chiếc Boeing, chứ không thể phá hủy nó hoàn toàn trên không được. Tuy nhiên, một số cựu phi công có quan điểm ngược lại, cho rằng Su-25 hoàn toàn có khả năng đạt độ cao lớn và mang các loại hỏa lực mạnh.
Hãng tin Reuters đã tung ra một bản báo cáo trong đó có tuyên bố của một số nhân chứng, nói rằng họ nhìn thấy tên lửa được khai hỏa vào thời điểm MH17 gặp nạn. Moscow lập tức lên án báo cáo trên, nói rằng đây là âm mưu nhằm “bẻ cong sự thật” của truyền thông phương Tây.
Sau đó, Hãng tin RT đã đến tận nhà nhân chứng mà Reuters từng phỏng vấn. Và người này nói rằng Hãng tin Reuters đã hiểu sai ý của ông, chứ thực chất người này chỉ nói rằng nhìn thấy hệ thống tên lửa đất đối không tại vùng lãnh thổ người ly khai kiểm soát lúc MH17 gặp nạn.
Tháng 6/2015: Nga công bố nhân chứng sống vụ MH17
Nhà sản xuất vũ khí, và cũng là hãng chế tạo hệ thống tên lửa Buk, Almaz-Antey công bố điều tra riêng của mình về vụ MH17. Hãng này cho rằng có khả năng MH17 bị bắn hạ bởi một loại vũ khí khác, như tên lửa không đối không. Cũng trong tháng 6, nhóm điều tra trực tuyến của Anh Bellingcat buộc tội Nga đã chỉnh sửa ảnh vệ tinh của vụ MH17. Tuy nhiên, một số chuyên gia pháp lý đã bác bỏ phân tích này.
Trong khi đó, Ủy ban Điều tra Nga (IC) cũng có cuộc điều tra riêng. Vào ngày 3/7, IC xác nhận được một nhân chứng sống trong vụ MH17 là ông Evgeny Agapov, một thợ cơ khí hàng không từng làm việc cho Lực lượng Không quân Ukraine. Agapov nói rằng vào ngày 17/7/2014, một chiếc phi cơ Sukhoi Su-25 của chính quyền Ukraine, phi công là Đại tá Voloshin, đã “được triển khai vì một nhiệm vụ quân sự” và trở lại với kho đạn trống rỗng. Agapov còn nói rằng một tên lửa đất đối không của máy bay này đã được bắn ra.
Tháng 7/2015: Malaysia kêu gọi lập tòa án quốc tế xử vụ MH17
Ngày 14/7 vừa qua, Malaysia đã thông qua một dự thảo nghị quyết để gửi lên Hội đồng Bảo an LHQ, kêu gọi thành lập một tòa án quốc tế để tố cáo những kẻ đứng đằng sau vụ MH17. Nga chỉ trích động thái này chỉ 2 ngày sau đó.
Trong tháng 7 này, cũng xuất hiện nhiều báo cáo được cho là “rò rỉ” nhưng không được xác nhận rõ nguồn gốc về vụ MH17. Người phát ngôn của DSB nói rằng các nhà điều tra của họ “không thể xác nhận” các thông tin xuất hiện tràn lan này, thêm rằng nguyên nhân của vụ MH17 sẽ được công bố vào đầu tháng 10 tới.
Ngày 15/7, IC tiếp tục đưa ra giả thuyết rằng MH17 bị bắn hạ bởi tên lửa không đối không chứ không phải do tên lửa Buk.