Xã hội

Hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho lao động nông thôn

Khanh Lê 30/03/2024 09:17

Tại dự thảo Luật Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động thuộc khu vực nông thôn.

anh-bai-tren(3).jpg
Chuyển đổi việc làm cho lao động nông thôn góp phần xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Lan Hương.

Bảo đảm việc làm bền vững

Theo Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động, số người có việc làm quý I/2024 giảm so với quý IV/2023 và tăng so với cùng kỳ năm 2023. Lao động phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng hơn 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý I/2024 là 27,8%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, hiện nay, cả nước vẫn còn 37,8 triệu lao động chưa qua đào tạo. Con số này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động.

Trước thực tế trên, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Dự thảo Luật Việc làm đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) xây dựng và xin ý kiến của các bộ, ngành, người dân, chuyên gia.

Theo Bộ LĐTBXH, sau 10 năm thực hiện Luật Việc làm 2013, qua tổng hợp các báo cáo, ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Việc làm còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc.

Thực trạng và xu hướng thị trường lao động Việt Nam đang đặt ra những yêu cầu mới về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực việc làm. Trong khi đó, theo thống kê, cả nước có gần 3/4 lao động phi chính thức tập trung ở khu vực nông thôn (khoảng 77,9%) nơi có nhiều làng nghề truyền thống, các hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, các tổ hợp tác, không qua đào tạo hoặc không có chứng chỉ công nhận trình độ kỹ năng nghề; 40,9% lao động phi chính thức làm việc trong 3 nhóm ngành “công nghiệp chế biến, chế tạo”, “xây dựng” và “bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy”.

Lao động phi chính thức có cả trong khu vực chính thức (6 triệu lao động), hầu hết lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội (97,8%), trong đó 35,5% lao động làm công ăn lương; chỉ có 0,1% được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và 2,1% đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Từ thực tế trên, theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh, việc sửa Luật theo hướng bổ sung các quy định mang tính khung, định hướng làm cơ sở thúc đẩy chính thức hóa việc làm trong khu vực phi chính thức, nâng cao năng suất lao động và cải thiện điều kiện làm việc của khu vực kinh tế phi chính thức, từng bước chính thức hóa việc làm phi chính thức. Xây dựng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) nhằm mục tiêu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.

Được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm

Nhằm hỗ trợ lao động ở khu vực nông thôn tham gia chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) lao động nông thôn được hưởng các chế độ sau đây: Hỗ trợ đạo tạo nghề; tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và đi làm việc ở nước ngoài từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm theo quy định. Ngoài ra, dự thảo nêu rõ, người lao động ở khu vực nông thôn đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng được hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định.

Cùng với việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, dự thảo cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh tạo việc làm cho người lao động khu vực nông thôn. Trong đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ để phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng việc làm tại chỗ cho người lao động ở khu vực nông thôn thông qua các hoạt động sau: Vay vốn tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm theo quy định; Hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm; Miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Dự thảo Bộ LĐTBXH cũng đề xuất quy định về cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm. Cụ thể, đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh; người lao động.

Cùng với chính sách hỗ trợ chuyển đổi việc làm ở trong nước, dự thảo nêu rõ: Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho người lao động có nhu cầu và khả năng đi làm việc ở nước ngoài. Người lao động là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc hoặc hộ có đất thu hồi; thân nhân của người có công với cách mạng; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án, trí thức trẻ tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng; lao động thuộc huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài sẽ được Nhà nước hỗ trợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho lao động nông thôn