Triển khai các mô hình nông nghiệp gắn với đô thị đang được không ít địa phương thực hiện và bước đầu đã đem lại những thành công nhất định. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ lớn này cần có sự hỗ trợ nhiều hơn từ nhà nước.
Trồng rau sạch theo mô hình công nghệ cao tại TP HCM.
Trung tâm Khuyến nông TP Hồ Chí Minh cho biết, TP đang trong tiến trình đô thị hóa với tốc độ nhanh và dự kiến đến năm 2020 diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp chỉ còn hơn 80.000 ha, giảm bình quân hơn 1.200ha/năm. Từ thực tế khách quan đó, mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi đã được TP tập trung thực hiện từ năm 2000.
Trong năm 2015, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp TP đạt 1.628 tỷ đồng. Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp trong năm 5 gần đây của TP tăng trung bình 6%/năm. Theo TS. Trần Viết Mỹ - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP Hồ Chí Minh, tăng dân số ở đô thị là kết quả tất yếu của quá trình công nghiệp hóa, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ nên việc xây dựng nông nghiệp đô thị cũng chính là phát triển nông nghiệp bền vững.
Ông Nguyễn Thanh Hừng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư TP Cần Thơ cho hay, địa phương này đã trực tiếp triển khai nhiều mô hình khuyến nông, góp phần vào việc thúc đẩy và hình thành vùng sản xuất nông nghiệp đô thị, điển hình như các mô hình “Trồng hoa cúc từ cây cấy mô” ở các phường Long Hòa, Long Tuyền, quận Bình Thủy; mô hình sản xuất rau theo truyền thống củ và áp dụng kỹ thuật mới mang lại hiệu quả cao cho bà con nông dân.
Ngoài ra, Trung tâm khuyến nông – khuyến ngư của Cần Thơ bước đầu đã triển khai “Đề án Phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh TP Cần Thơ”, trong đó có phần xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị như mô hình sản xuất hoa cảnh, cây cảnh, cá cảnh, nấm Linh chi, các loại động vật hoang dã như ba ba, trăn… phù hợp với điều kiện đất đai hạn chế nhưng mạng lại hiệu quả kinh tế cao.
TP Đà Lạt được mệnh danh là “Xứ sở của các loài rau và hoa”, ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong 10 năm gần đây, thông qua chương trình nông nghiệp công nghệ cao, Đà Lạt đã tạo được cơ hội hợp tác quốc tế trong đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho trên 2.000 lượt người về kiến thức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Qua đó, triển khai được nhiều mô hình sản xuất nông sản có chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia như ORGANIK, HACCP, GlobalGAP, VietGAP…Hiện ngành nông nghiệp Lâm Đồng có trên 100 giống rau, 60 giống hoa, trong đó tỷ lệ giống mới trong các loại rau chiếm tới 80%...
Khác với các tỉnh, thành trên, tỉnh Thừa Thiên - Huế có hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai và đầm Lăng Cô với tổng diện tích hàng vạn ha, đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 443 ha, với sự tham gia của 4 công ty và 147 nhóm hộ và hộ, với năng suất nuôi trung bình là 13,1 tấn/ha/vụ, sản lượng đạt gần 5.700 tấn”.
Để giải bài toán phát triển nông nghiệp bền vững ở đô thị, Đại diện TP Cần Thơ kiến nghị, sản xuất nông nghiệp đô thị là loại hình sản xuất mới và mang tính đặc thù của từng vùng miền.
Theo TS Trần Viết Mỹ, cần sự phối hợp chặt chẽ với các cấp quản lý của địa phương, các đơn vị thuộc sở để cùng hỗ trợ kịp thời và thiết thực cho hoạt động khuyến nông. Tăng cường mối liên kết, hợp tác chặt chẽ với các đơn vị nghiên cứu như các viện, trường để cập nhật kiến thức khoa học, bồi dưỡng khả năng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ.
Trong khi đó, với lợi thế của mình, ông Châu Ngọc Phi, đại diện tỉnh Thừa Thiên - Huế mong muốn Nhà nước cần có những chính sách phù hợp và kinh nghiệm quý báu từ các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia, các doanh nghiệp để hỗ trợ đô thị phát triển theo hướng ổn định, bền vững.