Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cánh đồng mẫu lớn

Trung Kiên 27/04/2016 08:37

Ngày 26/4, Học viện Chính trị khu vực IV tổ chức Hội thảo khoa học, “Hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường cánh đồng mẫu lớn ở khu vực ĐBSCL”, tại Cần Thơ.

Cánh đồng mùa gặt.

Mô hình sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn (CĐML) ở ĐBSCL được manh nha tại An Giang năm 2009 – 2010, đây được xem là giải pháp quan trọng lâu dài góp phần tái cơ cấu nên nông nghiệp, nâng cao gia trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững.

Từ đó mô hình được nhân rộng ra nhiều tỉnh ở vùng ĐBSCL diện tích không ngừng tăng theo từng vụ lúa, năm 2010 toàn vùng có 3.000 ha, đến nay đã lên tới 146.353 ha.

Từ đó cho thấy việc sản xuất lúa theo mô hình CĐML đã đem lại nhiều hiệu quả kinh tế, xã hội môi trường cho nền sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, từng bước đưa nền nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL đi lên sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại.

Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Thanh, Viện Kinh tế chính trị học - Học viện Chính trị quốc gia TP HCM: Chúng ta nên học tập cách làm nông nghiệp của các nước tiên tiến trên thế giới. Cánh đồng lớn phải đạt được tiêu chí có lao động giỏi, phương thức sản xuất tiên tiến. Các cường quốc nông nghiệp đều hướng lên sản xuất lớn. Tôi ủng hộ cánh đồng lớn ở những nơi chủ động được nguồn nước tưới tiêu, những nơi có lực lượng lao động đáp ứng được công nghệ, ứng dụng được KHKT vào sản xuất, còn không đáp ứng được vấn đề này thì nên chuyển đổi sang sản xuất cây trồng khác…

Là doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào CĐML, ông Lưu Minh Đức, chủ doanh nghiệp Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ cho rằng nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi tham gia vào CĐML: Là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên thời gian qua tham gia vào CĐML cũng gặp nhiều khó khăn, đầu ra chưa ổn định. Khi tham gia vào CĐML chúng tôi yên tâm vì có nguồn hàng ổn định nên tự tin ký hợp đồng xuất khẩu với đối tác nước ngoài. Thời gian qua khi tham gian vào CĐML chúng tôi luôn đảm bảo giá cả cho người dân cho dù thị trường có lên xuống cỡ nào. Mặc dù nhà nước có đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào CĐML, nhưng trên thực tế doanh nghiệp vẫn chưa nhận được ưu đãi gì. Sắp tới hội nhập, doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư vào vùng này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó mà cạnh tranh nổi. Vì vậy nhà nước cần hỗ trợ chính sách cho các doanh nghiệp này - ông Đức nói.

Thạc sĩ Trần Hữu Hiệp - Ủy viên Chuyên trách kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ nhấn mạnh: Mô hình cánh đồng mẫu lớn chỉ là phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị. Mô hình chỉ có sức sống, nếu nó giải quyết được lợi ích cho các bên tham gia, nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng (thị trường).

Đã có hiện tượng phong trào “Cánh đồng lớn”, nhiều nơi xây dựng CĐL nhưng đầu ra thì chưa có địa chỉ cụ thể. Thất bại của các tập đoàn HTX hay kinh tế trang trại một thời vẫn còn là một bài học đáng suy ngẫm cho cánh đồng mẫu lớn hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cánh đồng mẫu lớn