Xuất khẩu đang có dấu hiệu chậm lại, đặc biệt là một số ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, nông sản. Trong điều kiện nền kinh tế chưa phục hồi đầy đủ và giảm tăng trưởng ở những thị trường xuất khẩu chủ lực, giới chuyên gia khuyến nghị cần tiếp tục các chính sách chủ động hỗ trợ nền kinh tế.
Hệ lụy từ sóng gió toàn cầu
Giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao cùng với đó là các đợt tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn tiếp diễn. Triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian còn lại của năm 2022 và sang đầu năm 2023 đang đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng do ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) làm gia tăng áp lực lạm phát trong nước. Tất cả dự kiến sẽ tác động tới sự phục hồi của các ngành dịch vụ - sản xuất hàng xuất khẩu mà Việt Nam không phải là trường hợp ngoại lệ.
Bên cạnh đó, một yếu tố cũng đang hiện hữu gây trở ngại cho phát triển kinh tế là việc chậm thực hiện đầu tư công làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý IV này.
Ngoài ra, có thể kể đến một trong những thách thức lớn đối với doanh nghiệp (DN) sản xuất thực phẩm đồ uống hiện nay là giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhất là nguyên liệu nhập khẩu tăng giá từ 50-100%. Với nguồn nguyên liệu nhập khẩu chiếm đến hơn 50%, việc giá nguyên liệu tăng đã tác động rất lớn đến giá thành sản phẩm của các DN.
Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cũng cho biết, đơn hàng xuất khẩu của các mặt hàng thủ công mỹ nghệ suy giảm khi hầu hết các thị trường lớn của ngành đã có dấu hiệu suy thoái.
Còn theo bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), tỷ lệ lạm phát cao tại nhiều quốc gia trên thế giới đang ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng. Trước đây, thị trường Mỹ luôn ổn định và có sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng năm, nhưng hiện nay người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu, tận dụng tối đa sản phẩm tái chế. Việc đưa các sản phẩm ra thị trường nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn hoặc có đơn hàng xuất khẩu nhưng giá trị cũng sụt giảm mạnh.
Cần chính sách tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp
Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhận xét, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận tăng trưởng cao trong quý 3/2022 khi tăng trưởng GDP đạt 13,7% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng cao kỷ lục trên phần nào là nhờ hiệu ứng xuất phát điểm thấp do nền kinh tế bị suy giảm 6% trong quý 3/2021.
Trong khi đó tăng trưởng xuất nhập khẩu đều chững lại trong tháng 9 so với tháng 8/2022.
Vì thế, các chuyên gia của WB đánh giá, mặc dù nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, nhưng những bất định gia tăng liên quan đến nền kinh tế toàn cầu đang chững lại, lạm phát gia tăng, điều kiện huy động tài chính toàn cầu bị thắt chặt, thì rất cần một chính sách linh hoạt.
Trong điều kiện nền kinh tế chưa phục hồi đầy đủ và tăng trưởng ở những thị trường xuất khẩu chủ lực dự kiến sẽ chậm lại, WB khuyến nghị cần tiếp tục các chính sách tài khóa chủ động hỗ trợ nền kinh tế trên cơ sở phù hợp với kết quả kinh tế và phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ.
Còn theo TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, việc Việt Nam đưa ra các chính sách hồi phục, phát triển kinh tế được thế giới đánh giá cao, trong đó có các chính sách về giãn, hoãn, giảm thuế. Ông Lực cho biết, riêng giãn, hoãn thuế dự kiến khoảng 135 nghìn tỷ đồng, đến nay chúng ta đã thực hiện được 91 nghìn tỷ đồng, đạt 71%. Gói chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, phí khác làm tổng ngân sách giảm 63.500 tỷ đồng, đến nay, đã thực hiện được 40 nghìn tỷ đồng, tương đương 63%, hy vọng tiếp tục triển khai hoàn thành cấu phần này.
“Mong mỏi của DN, các hiệp hội là thực thi chính sách tốt hơn nữa. Bởi lẽ năm 2023 sẽ khó khăn hơn. Thế giới sẽ khó khăn, các nước rơi vào suy thoái do lãi suất và khủng hoảng năng lượng. Điều đó khiến thị trường xuất khẩu thu hẹp và thu hút FDI cũng sẽ khó khăn” - ông Lực nói và nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, cần triển khai nhanh và quyết liệt hơn các gói hỗ trợ. Nên tiếp tục đề xuất giãn, hoãn, giảm một số khoản thuế, phí. Bởi số lượng DN tạm thời đóng cửa từ đầu năm đến nay vẫn tăng 38%. Điều này cho thấy một bộ phận DN vẫn đang rất khó khăn. “Cần phối hợp thật tốt giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, giá cả đề ổn định kinh tế vĩ mô” - ông Lực nói.
Giới chuyên gia cũng cho rằng dư địa cho các chính sách tài khóa vẫn còn, cần tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ nhưng phải bảo đảm có hướng đích và có mục tiêu; rà soát cụ thể lại các chính sách quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của DN.