Hỗ trợ gạo cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn: Tất cả vì mầm non đất nước

Cảnh Nhân - L.H. 06/05/2017 10:35

Chính sách hỗ trợ đối với học sinh DTTS nghèo, vùng đặc biệt khó khăn của Ðảng và Nhà nước đã giúp các em ở địa phương vượt qua khó khăn của cuộc sống thường ngày, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.

Chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn đã giúp cho hàng nghìn trẻ em được tới trường.

Gạo hỗ trợ đến với học sinh nghèo

Học kỳ II này, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà, Điện Biên được phân bổ 219.930 kg gạo cho 26 trường với 3.674 học sinh Tiểu học, THCS theo quy định tại Nghị định 116/NĐ-CP định mức hỗ trợ là 15kg gạo/học sinh/tháng, thời gian là 4 tháng của học kỳ II năm học 2016-2017. Để gạo kịp thời đến với các em học sinh nghèo, Cục DTNN khu vực Tây Bắc đã khẩn trương, nhanh chóng lên kế hoạch xuất cấp gạo cho Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà.

Theo đó, từ ngày 24/3 đến 4/4/2017, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà đã tiếp nhận và cấp phát gạo hỗ trợ cho các em học sinh vùng khó khăn trong học kỳ II năm học 2016-2017 trên địa bàn huyện. Ngay khi tiếp nhận gạo hỗ trợ từ Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Bắc, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản, quyết định hướng dẫn các trường thực hiện quy trình cấp phát gạo đúng đối tượng theo danh sách đã được phê duyệt, cấp phát đầy đủ số lượng gạo hỗ trợ cho học sinh 1 lần (4 tháng của học kỳ II năm học 2016-2017, 60kg/1HS) ngay sau khi gạo được vận chuyển về tới trường. Học sinh trực tiếp ký nhận vào danh sách cấp phát gạo hỗ trợ.

Là một trong những điểm trường được nhận gạo hỗ trợ, thầy Nguyễn Thế Điệp - Hiệu trưởng trường Phổ thống dân tộc bán trú tiểu học Hừa Ngài xúc động cho biết: Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hừa Ngài tiền thân là Trường Tiểu học Hừa Ngài được thành lập theo Quyết định số 745/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân huyện Mường Chà.

Hừa Ngài là xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa hình đồi núi, giao thông hiểm trở, hạ tầng cơ sở vật chất chậm phát triển. Trường có 100% học sinh là người dân tộc thiểu số (trong đó dân tộc Mông chiếm trên 98%). Chính vì vậy chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đến đời sống an sinh xã hội, sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Qua đợt tiếp nhận, cấp phát gạo các bậc phụ huynh và các em học sinh càng hiểu biết rõ hơn về quyền lợi và trách nhiệm của mình đồng thời các em học sinh tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, tinh thần tự giác, tích cực, chủ động, sáng tạo để thi đua học tập đạt kết quả cao cuối năm học xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ.

Nhận bao gạo hỗ trợ của Nhà nước anh Giàng A Páo phụ huynh em học sinh Giàng A Minh đã không giấu được sự xúc động nói: Đảng và Nhà nước không chỉ quan tâm đến cái chữ mà còn quan tâm đến cái ăn cho các cháu. Tôi cảm thấy rất tự hào vì được sinh ra tại mảnh đất gắn liền với chiến thắng Điên Biên Phủ. Dù còn nhiều khó khăn nhưng tôi sẽ cho con mình đi học, biết cái chữ mới mong thoát nghèo.

Trên đây không chỉ là niềm vui của các em học sinh của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Hừa Ngài mà còn là niềm vui chung của gần 500.000 học sinh tại vùng khó khăn đặc biệt ở trên 47 tỉnh/thành phố cả nước. 15kg gạo với nhiều người số gạo này không lớn nhưng với các em học sinh ở những vùng khó thì đây thực sự là “món quà” nâng bước các em đến trường. Có dịp đến nhiều xã chứng kiến sự đổi mới hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú THCS, tiểu học, mầm non, chúng tôi mới cảm nhận hết được giá trị nhân văn của chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh vùng khó khăn.

“Tiếp sức” trẻ em đến trường

Con đường đến trường ngoằn ngoèo vắt trên núi cao nhưng không làm chùn bước bàn chân nhỏ của HS vùng cao huyện Bảo Lạc, Cao Bằng. Các cháu hào hứng cho biết “động lực” vượt núi cao đi học cái chữ: Đi học đường rừng xa nhưng cháu thích lắm vì đến trường được ăn no, có chỗ ngủ nghỉ, học 2 buổi/ngày; học ngoại khóa, văn nghệ, thể thao vui lắm...

Nhìn những bước chân các em tới trường hòa trong nụ cười hồn nhiên một cán bộ Phòng Giáo dục huyện Bảo Lạc không giấu được xúc động nói: Bảo Lạc là một huyện nghèo của tỉnh Cao Bằng, với 16 xã, 1 thị trấn nhưng lại có tới 15 xã nằm trong diện “đặc biệt khó khăn”, nguồn thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào nền sản xuất nông nghiệp chính vì vậy con đường tới trường với nhiều em là muôn vàn gian khó. Thế nhưng từ khi có chính sách hỗ trợ gạo con đường đến trường đã bớt gian truân hơn, tỷ lệ học sinh đi học ngày càng được cải thiện.

Năm học 2016-2017 là năm đầu tiên thực hiện chính sách hỗ trợ gạo theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn công tác rà soát, tổng hợp báo cáo số liệu xuất cấp gạo cho học sinh của các cấp chính quyền địa phương vẫn còn lúng túng.

Bên cạnh đó một số địa phương rà soát số liệu chưa chính xác dẫn đến tình trạng Bộ Tài chính đã ban hành quyết định xuất gạo, địa phương lại có văn bản báo cáo không có đối tượng thụ hưởng …

Mặc dù vậy với quyết tâm cao 36.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia đã được chuyển tới tận tay cho gần 540.000 học sinh thuộc 47 tỉnh, thành phố trong cả nước trước ngày 30/4. Để có được kết quả trên ngay từ những ngày cuối tháng 2, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã triển khai thực hiện một cách khẩn trương và có hiệu quả. Khi mới bắt đầu triển khai kế hoạch xuất cấp, trao đổi với chúng tôi Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng tâm sự: “Khi những chuyến hàng đầu tiên đến tay học sinh, chúng tôi mừng lắm.

Các đồng chí Cục trưởng DTNN báo cáo là khi nhận được gạo, các em học sinh, gia đình vui mừng, thầy cô cũng phấn khởi, lãnh đạo các địa phương cũng vui… Điều này thể hiện tính thiết thực, hiệu quả của chính sách và quan trọng hơn, chúng tôi thấy xã hội đã ghi nhận và đánh giá cao chính sách này của Chính phủ”.

Nhìn những bước chân các em tới trường hòa trong nụ cười hồn nhiên một cán bộ Phòng Giáo dục huyện Bảo Lạc không giấu được xúc động nói: Bảo Lạc là một huyện nghèo của tỉnh Cao Bằng, với 16 xã, 1 thị trấn nhưng lại có tới 15 xã nằm trong diện “đặc biệt khó khăn”, nguồn thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào nền sản xuất nông nghiệp chính vì vậy con đường tới trường với nhiều em là muôn vàn gian khó. Thế nhưng từ khi có chính sách hỗ trợ gạo con đường đến trường đã bớt gian truân hơn, tỷ lệ học sinh đi học ngày càng được cải thiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỗ trợ gạo cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn: Tất cả vì mầm non đất nước