Giảm hoặc miễn học phí cho học sinh, tìm mọi giải pháp gỡ khó cho học sinh trong học tập trực tuyến…là những chia sẻ trợ giúp kịp thời, tiếp sức để các em thêm động lực hoàn thành tốt mục tiêu năm học mới.
Tiếp sức để vượt qua thử thách
Trước thềm năm học mới 2021-2022, TP Hà Nội đã thống nhất chủ trương giảm 50% học phí cả năm học 2021-2022 cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập, dân lập, tư thục (không bao gồm các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài). Thời gian hỗ trợ theo thời gian học thực tế, bao gồm cả thời gian học theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, tối đa không quá 9 tháng/năm học 2021-2022.
Chủ trương này không chỉ giảm gánh nặng cho gia đình học sinh trong bối cảnh có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mà còn mang đậm tính nhân văn, bảo đảm công bằng. Học sinh dù đang theo học ở loại hình trường nào (công lập, dân lập hay tư thục) đều được thụ hưởng chính sách; kịp thời động viên trẻ em, học sinh phổ thông, gia đình học sinh và các nhà trường trước ngày khai giảng, tạo thêm động lực để toàn ngành khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ kép: Vừa tích cực phòng, chống dịch, vừa dạy tốt, học tốt.
Để thực hiện chủ trương này, TP Hà Nội dự kiến sẽ chi từ nguồn ngân sách gần 900 tỷ đồng. Ước tính, sẽ có khoảng 1,3 triệu trẻ em mầm non và học sinh các cấp học được hưởng chính sách này.
Các phụ huynh có con đang theo học tại khối trường dân lập chia sẻ: Việc được hưởng cùng mức hỗ trợ 50% mức học phí, không phân biệt là học sinh đang học trường công lập hay dân lập, tư thục đã bảo đảm công bằng, là sự động viên lớn đối mỗi gia đình.
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội cho biết, ngành giáo dục Thủ đô sẽ chủ động có các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh, vừa triển khai hiệu quả các chương trình giáo dục, bảo đảm chất lượng với các yêu cầu cốt lõi, tất cả vì học sinh thân yêu.
Tương tự, TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 100% học phí học kỳ I năm học 2021-2022 đối với toàn bộ trẻ mầm non, học sinh các trường phổ thông công lập và ngoài công lập trên địa bàn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trừ các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài).
UBND TP HCM cũng giao Sở GDĐT phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố dự thảo Nghị quyết ban hành chính sách hỗ trợ 100% học phí học kỳ I năm học 2021-2022 theo đúng quy định pháp luật. Sở GDĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tạm thời chưa thực hiện việc thu học phí học kỳ I năm học 2021-2022 cho đến khi có hướng dẫn mới; vận động các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài giảm học phí cho trẻ mầm non và học sinh.
Tìm giải pháp hỗ trợ học sinh học trực tuyến
Ghi nhận thực tế cũng cho thấy, trước thềm năm học mới, tại TP HCM vẫn còn khoảng 75.000 học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến. Theo thống kê của Sở GDĐT thành phố, số lượng học sinh ở các cấp không đủ điều kiện học trực tuyến nêu trên chiếm khoảng 4% học sinh toàn thành phố. Trong đó, bậc tiểu học nhiều nhất với 31.000 em, THCS 22.000 em, THPT 15.000 em.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GDĐT, để khắc phục vấn đề này, Sở GDĐT thành phố đề xuất thực hiện các nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp thứ nhất, Sở GDĐT phối hợp với Đài Truyền hình thành phố triển khai sớm nhất việc dạy - học trên truyền hình. Trong tháng 9/2021, sẽ ưu tiên các nội dung dạy cho học sinh kỹ năng tự học, hướng dẫn phụ huynh cùng tham gia, hỗ trợ con em mình học trên internet. Về nội dung theo chương trình, sẽ có ưu tiên thời lượng cho các khối lớp nhỏ, các lớp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và các lớp cuối cấp. Kho tài liệu trực tuyến đã được Sở xây dựng từ năm 2020 tiếp tục được bổ sung, cập nhật, đảm bảo cung cấp tài liệu học tập cho học sinh và phụ huynh các cấp.
Nhóm giải pháp thứ 2 là hỗ trợ điều kiện học trực tuyến cho học sinh (đường truyền, thiết bị, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…) Các trường đã chủ động vận động các mạnh thường quân đóng góp, hỗ trợ cung cấp các trang thiết bị phục vụ việc dạy - học trực tuyến trong nhà trường.
Nhóm giải pháp thứ 3 là chuẩn bị kế hoạch đảm bảo chất lượng giảng dạy khi học sinh nhập học trở lại. Khi ấy, ngành giáo dục sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cho trẻ đến trường, tranh thủ “khoảng thời gian vàng”, ưu tiên các khối lớp 1, 2, đầu và cuối cấp chia nhỏ lớp để học trực tiếp, các khối khác tiếp tục học trực tuyến đến khi ổn định trở lại. Trường hợp việc học trực tuyến kéo dài, Sở GDĐT sẽ nghiên cứu tham mưu sử dụng các tuần dự trữ, kéo dài thêm năm học, nhất là cho các lớp 1, 2 và đầu cấp để đảm bảo chương trình và kết quả học tập.
Theo Sở GDĐT TP HCM, mục tiêu của dạy học trực tuyến trong thời điểm này với lớp 1, 2 chỉ là đạt được yêu cầu cần đạt tối thiểu, học sinh biết đọc, biết viết, biết làm toán, không yêu cầu cao, không chạy theo tiến độ dạy học và phân phối chương trình, không tạo áp lực cho học sinh.