Tổng cục Dự trữ Nhà nước đang cấp tốc triển khai công tác xuất cấp hàng hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 cũng như hỗ trợ cấp bách đời sống người dân gặp khó khăn.
Dốc sức tổng lực
Trong quý II, tình trạng thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 1,1 triệu người, tăng 173.500 người so với quý trước. Sự bùng phát nhanh hơn, mạnh hơn, khó kiểm soát hơn của dịch Covid-19 lần thứ 4 đã làm tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị tăng cao hơn ước đạt 2,8% so với khu vực nông thôn ước tăng 2,49%.
Đáng lưu ý, không chỉ thiếu việc làm, hiện trạng người dân không có thu nhập, cần được hỗ trợ trở nên phổ biến tại các tỉnh thành phía Nam. Để người dân, lao động gặp khó khăn do đại dịch yên tâm ở tại chỗ, tuân thủ các quy định phòng chống dịch, tránh tình trạng rời TP HCM sang các tỉnh khác hoặc về quê tránh dịch, UBND TP HCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ ngân sách cho TP HCM với số tiền hơn 27.968 tỉ đồng và 142.200 tấn gạo.
Ngày 20/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 1415/QĐ-TTg xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh, thành phố để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 130.175,67 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 năm 2021.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1409/QĐ-TTg giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 4.117,8 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh Bình Phước, Bạc Liêu và Sóc Trăng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Nhằm khẩn trương đưa gạo dự trữ quốc gia tới tay người dân sớm nhất, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã chỉ đạo và yêu cầu các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ phải hoàn thành công tác xuất cấp, vận chuyển và bàn giao gạo cho 3 tỉnh để hỗ trợ cho người dân đến hết ngày 31/8.
Có thể thấy rằng chưa bao giờ việc hỗ trợ cho người dân cũng như hỗ trợ cho việc phòng chống dịch lại được dốc sức tổng lực như hiện nay. Giới chuyên gia kinh tế cũng khẳng định, dịch bệnh gây khó khăn chưa từng có, vì vậy những gói hỗ trợ cũng phải lớn chưa từng có.
Trước những bức thiết của đại dịch, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dự trực Nhà nước Phạm Vũ Anh khẳng định: Sẽ cấp tốc triển khai công tác xuất cấp hàng hỗ trợ phòng, chống dịch Covid -19 cũng như hỗ trợ cấp bách đời sống người dân gặp khó khăn.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 và một số giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Theo đó, nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cấp bách của doanh nghiệp bị tác động bởi đại dịch Covid-19, dự thảo Nghị quyết đưa ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính gồm: Thực hiện các biện pháp, phòng chống đại dịch Covid-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn; hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia.
Dự thảo đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể phấn đấu đến hết năm 2021, lũy kế khoảng 1 triệu lượt doanh nghiệp, khách hàng được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó đại dịch Covid-19; khoảng 160 nghìn doanh nghiệp được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; khoảng 50 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; hàng trăm nghìn doanh nghiệp được tiếp cận các chính sách hỗ trợ về giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động...
Liên quan tới nguồn vốn nhằm phục hồi doanh nghiệp, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, đại dịch vẫn còn diễn biến rất phức tạp nên câu chuyện vừa phòng, chống dịch nhưng vẫn bảo đảm được khôi phục, đạt mục tiêu kinh tế là nhiệm vụ kép rất lớn của Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương.
Theo Phó Thống đốc, Nhà nước rất nỗ lực để đưa ra nhiều giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, ngành Ngân hàng có thể được xem là một kênh hỗ trợ doanh nghiệp rất tích cực thời gian vừa qua. Ngay khi dịch bùng phát, NHNN đã kịp thời ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, sau đó là Thông tư 03/2021/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung Thông tư 01), tái cơ cấu, giãn hoãn các khoản vay dư nợ và lãi vay đến hạn, giảm lãi suất, phí, cùng nhiều cơ chế chính sách khác, hệ thống ngân hàng đã triển khai hỗ trợ doanh nghiệp rất thiết thực, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, bên cạnh những chính sách của Nhà nước về hỗ trợ về thuế, bảo hiểm, an sinh xã hội…