Hỗ trợ người lao động được thuê nhà giá rẻ

V.Thắng 10/07/2023 08:30

Về việc HĐND TP Hà Nội thông qua nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để công dân đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn TP Hà Nội (khu vực nội thành phải đảm bảo diện tích 15m2 sàn/người mới đủ điều kiện đăng ký thường trú; ngoại thành là 8m2 sàn/người); theo PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, quá trình thực hiện, thành phố cần rà soát, đánh giá các tác động để điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp theo thực tế phát triển. Nên để thực tiễn kiểm nghiệm diễn ra như thế nào, có bất cập gì, lúc đó có thể điều chỉnh các quy định sao cho phù hợp.

Ông Nguyễn Chí Mỳ.

Ông Mỳ cho rằng, quy định 15m2 sàn/người là vấn đề không phải đơn giản có thể đáp ứng được. Một gia đình có 2 vợ chồng và 1 người con thì diện tích phải đảm bảo 45m2/sàn. Như vậy số tiền bỏ ra thuê nhà sẽ rất lớn. Tất nhiên việc quy định 15m2/sàn cũng là giải pháp để tránh việc người dân tập trung quá đông tại khu vực nội thành hiện đang bị quá tải.

“Nếu để giảm mật độ dân số tập trung đông tại khu vực nội thành thì quy định trên là hợp lý. Nhưng tôi cho rằng đi liền với quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để công dân đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì chúng ta cần giải quyết vấn đề phương tiện giao thông, không để mật độ phương tiện giao thông “dồn” vào khu vực nội thành. Tức là đi kèm với quy định về diện tích tối thiểu thì phải có các biện pháp để giải quyết vấn đề giao thông. Nếu vấn đề giao thông không giải quyết được thì mật độ dân số tại khu vực nội thành vẫn đông, vẫn xảy ra ùn tắc giao thông” - ông Mỳ nói.

Bà Bùi Thị An.

Trong khi đó, theo PGS.TS Bùi Thị An (ĐBQH khoá XIII), Luật Cư trú đã quy định về diện tích nhà ở tối thiểu làm điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ. Luật Thủ đô cũng đã đề cập về vấn đề này. Thủ đô là phải văn minh. Muốn văn minh thì ăn ở, học hành, đi lại phải được nâng lên. Còn nếu ở chật hẹp quá thì không thể nào bảo đảm được.

“Chúng ta thấy bài học Covid-19 ở phường Thanh Xuân Trung đợt dịch bùng phát vẫn còn nguyên giá trị. Do ở chật hẹp nên khi có người bị bệnh thì lây truyền bệnh rất nhanh. Cho nên mục tiêu lâu dài là phải đảm bảo và nâng cao đời sống cho người dân Thủ đô. Cho nên cá nhân tôi hoàn toàn tán thành với nghị quyết vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua. Như thế mới đảm bảo cho Hà Nội phát triển bền vững, nhất là Thủ đô là trung tâm về chính trị, kinh tế văn hoá, khoa học, giáo dục của đất nước” - bà An nói.

Tuy nhiên, theo bà An, cần có giải pháp khắc phục tình trạng quá tải về tăng mật độ dân số tại Hà Nội đang năm sau cao hơn năm trước. Không thể cấm người dân ở nơi khác vào Hà Nội, nhưng hiện hạ tầng xã hội lại chưa đáp ứng kịp nên giao thông, giáo dục, y tế bị quá tải. Đây là vấn đề người dân than phiền. Bà An cho rằng cần rà soát lại toàn bộ những người thường trú xem hiện diện tích nhà ở đang là bao nhiêu. Đặc biệt thành phố nên có Quỹ nhà ở xã hội để tạo điều kiện, hỗ trợ cho những người dân đến lao động ở Hà Nội được thuê nhà với giá rẻ. Và trong tương lai giúp họ có thể mua được nhà.

“Hà Nội phải đẹp, sạch, văn minh. Chật chội quá không thể đảm bảo môi trường sống chất lượng cho người dân được. Cho nên mới quy định trong nội đô là 15m2 sàn/người, còn ngoại thành là 8m2 sàn/người. Đây là giải pháp để giảm mật độ dân số tại khu vực nội thành. Chúng ta cũng cần tính đến việc tại các huyện cho đăng ký 8m2/sàn nhưng tới đây khi các huyện được đưa lên trở thành quận thì lúc đó phải đáp ứng 15m2 sàn/người. Vậy lúc đó chúng ta xử lý thế nào, thì đây là vấn đề cần phải lưu ý đến” - bà An nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỗ trợ người lao động được thuê nhà giá rẻ