Hỗ trợ người yếu thế, không thể chậm trễ

Nguyên Khánh 08/04/2020 08:00

Phát biểu tại cuộc họp mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người yếu thế trong xã hội, những người có thu nhập thấp, mất việc. Do đó, Nhà nước phải tìm mọi cách để hỗ trợ các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, bảo đảm cuộc sống tối thiểu. Phải nhanh chóng để các giải pháp hỗ trợ đi vào thực tiễn cuộc sống, bởi vì cuộc sống của người dân không thể chờ lâu hơn nữa.

Hỗ trợ người yếu thế, không thể chậm trễ

Nhiều địa điểm tặng thực phẩm thiết yếu cho người nghèo để cùng nhau phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Quang Vinh.

Dịch Covid-19 lây lan đã tác động toàn diện đến phát triển kinh tế - xã hội, làm đảo lộn cuộc sống người dân. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và đầu tư, đầu tháng 3, đặc biệt tuần thứ hai của tháng 3, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, số lượng doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt với trên 15% trong tổng số doanh nghiệp. Thậm chí, tại một số ngành, lĩnh vực như du lịch, lưu trú, nhà hàng cắt giảm 70%-80% việc làm, người lao động.

Đáng chú ý, tính từ ngày 1/1 đến ngày 26/3, đã có trên 153.000 người mất việc làm phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và hàng triệu lao động bị ngừng việc, tập trung vào một số ngành nghề, lĩnh vực như: Vận tải, dệt may, da giày, dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống...

Theo dự báo, nếu diễn biến dịch không có thay đổi lớn, ước tính trong quý II/2020 sẽ có trên 250.000 lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và 1,5-2 triệu lao động bị ngừng việc. Trong trường hợp dịch bùng phát mạnh hơn, ước tính quý II-2020 sẽ có 400.000 lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và khoảng 3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc. Điều này đồng nghĩa, hàng chục triệu lao động rơi vào cảnh đường cùng, đời sống bấp bênh, chạy ăn từng bữa.

Đặc biệt nhất từ 1/4 đến nay người dân đã nghiêm túc thực hiện nghiêm Chỉ thị của Chính phủ về cách ly xã hội chung tay cùng Chính phủ chống dịch một cách có hiệu quả. Ở nhà chống dịch đồng nghĩa với việc nhiều hộ gia đình sẽ lâm vào cảnh khó khăn khi mà họ không có bất cứ một nguồn thu nhập hay sự tích lũy nào từ trước.

Tương tự người lao động, doanh nghiệp cũng rơi vào cảnh lao đao không kém khi thiếu lao động trầm trọng, thiếu nguyên liệu, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm…Và dù đã có những chính sách hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, giãn hoãn miễn tiền thuế... đã và đang bắt đầu được triển khai trên thực tiễn nhưng nếu dịch tiếp tục kéo dài không ai dám chắc các doanh nghiệp sẽ đi về đâu?

Không để cuộc sống của người dân lâm vào cảnh khốn cùng, chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, khoảng 1 tuần, Chính phủ xây dựng Dự thảo Nghị quyết về gói hỗ trợ những người lao động bị ảnh hưởng Covid-19. Chính phủ đã nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ an sinh dù đây là khoản chi không có trong kế hoạch nhưng khi dịch bệnh lây lan thì trách nhiệm với dân càng tỏa sáng. Và sự nhanh chóng, sát sao lo cho cuộc sống của người dân để không có ai bị bỏ lại phía sau đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng rất lớn của người dân.

Dự kiến quy mô của gói hỗ trợ này sẽ vào khoảng 62.000 tỷ đồng, 6 nhóm đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội. Như vậy, đây sẽ là “phao cứu sinh” cho hàng chục triệu lao động trong lúc cấp bách này. Cứu người lao động, lo an sinh cho người dân chịu ảnh hưởng bởi đại dịch từ Chính phủ là giải pháp cần triển khai một cách gấp rút bởi nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “ vì cuộc sống của người dân không thể chờ đợi được lâu hơn nữa”.

Mới đây nhất, ngày 6/4, Chính phủ có văn bản báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Theo báo cáo này, quy mô hỗ trợ dự kiến khoảng 62.000 tỷ đồng với 20 triệu đối tượng. Như vậy, việc triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân đã và đang được gấp rút tiến hành.

Cùng với các giải pháp về an sinh xã hội, quan tâm đến người nghèo, người khó khăn, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, “tinh thần chống dịch nhưng cũng phải chống doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc”. Do vậy, trong đó có 6 nhóm đối tượng mà ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp, sẽ có thêm 1 nhóm đối tượng là doanh nghiệp được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% để hỗ trợ người lao động.

Tại cuộc họp bàn về triển khai các giải pháp hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chuẩn bị kỹ việc hướng dẫn các địa phương, cơ quan liên quan triển khai thực hiện, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận lợi để người dân biết. Đặc biệt, các cơ quan đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát thực hiện, chống tiêu cực, tham nhũng, xử lý nghiêm các vi phạm, “chứ không phải cứ lòng vòng mãi mà không nhận được tiền”. “Ai chịu trách nhiệm cái này, có phải Chủ tịch UBND tỉnh và dưới tỉnh là huyện, xã, phường không?”. Rõ việc, giao quyền, trách nhiệm cụ thể cho cấp cơ sở đặc biệt là người đứng đầu trong việc triển khai các giải pháp hỗ trợ đồng thời giao cho hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp giám sát để việc hỗ trợ được triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng chính là giải pháp căn cơ để chính sách này nhanh chóng vào thực tiễn cuộc sống.

Không chỉ lo an sinh bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch, sắp tới, Thủ tướng sẽ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương để thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân đầu tư công để người dân và doanh nghiệp có thể cùng Chính phủ vượt qua thời khắc khó khăn này. Rõ ràng, sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ sẽ là chiếc “phao cứu sinh” cho hàng triệu lao động, gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp giúp họ thêm vững tâm và quyết tâm cùng Chính phủ vượt qua dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỗ trợ người yếu thế, không thể chậm trễ