Ngày 8/9, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm “Đánh giá thực trạng, nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp”.
Tại tọa đàm, TS Nguyễn Thanh Tú- Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho DN, tạo khung pháp lý cho các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN ở Việt Nam.
Đến năm 2016, hầu hết các địa phương đã triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN theo quy định tại Nghị định trên, như: Xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động DN; Xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho DN. Đặc biệt là hoạt động giải đáp pháp luật nhận được sự đánh giá cao từ cộng đồng DN.
Theo các đại biểu, trên thực tế vấn đề sử dụng dịch vụ hỗ trợ pháp lý đóng vai trò quan trọng, mang lại thành công và lợi nhuận lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy số DN sử dụng dịch vụ pháp lý còn thấp, ở mức dưới 40%. Nhất là nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý từ lĩnh vực tư nhân rất thấp, chủ yếu nhu cầu DN cần hỗ trợ dịch vụ pháp lý từ cơ quan Nhà nước.
Việc hiểu biết, nhận thức về công tác pháp lý của nhiều DN chưa sâu, chưa đúng mức dẫn đến tình trạng DN chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật, do vậy làm phát sinh nhiều tranh chấp chưa thể giải quyết. Nguyên nhân chính do kinh phí hoạt động của các DNNVV còn hạn chế.
Cùng quan điểm này, PGS TS Dương Đăng Huệ - Giám đốc Trung tâm Thông tin, tư vấn pháp luật và bồi dưỡng nghiệp vụ thuộc CLB Pháp chế DN, Bộ Tư pháp cho rằng, để có thể tham gia và hoạt động hiệu quả trên thị trường, DN cần được trang bị các điều kiện cơ bản, như: điều kiện về vốn, nhân lực, năng lực quản lý, công nghệ và đặc biệt là điều kiện về hiểu biết pháp luật.
Tuy nhiên, qua hoạt động của CLB Pháp chế DN trong thời gian qua cho thấy, nhận thức về pháp luật của các DN nhìn chung còn rất hạn chế, không có tính hệ thống, chắp vá, không cập nhật và đặc biệt là không đủ độ để có thể giúp DN tự giải quyết các vấn đề phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nguyên nhân là công tác hỗ trợ pháp lý chất lượng chưa cao, còn mang tính chất lý luận chung chưa gắn với thực tiễn.
Còn theo ông Phan Đức Hiếu- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với DNNVV dựa trên xếp hạng tín nhiệm DN và biện pháp khác.
Tuy nhiên, để đạt được điều đó, công tác hỗ trợ pháp lý cần tập trung hỗ trợ DN tuân thủ pháp luật được thể hiện ở các hoạt động như: báo cáo tài chính, kế toán, thuế; pháp luật về điều kiện kinh doanh; trách nhiệm, bảo hành sản phẩm…