Xã hội

Hỗ trợ thiết thực cho nạn nhân mua bán người

Lê Bảo 10/12/2024 09:33

Theo thống kê của các ngành chức năng, trong 10 năm qua đã có gần 8.000 nạn nhân bị mua bán được hỗ trợ theo quy định... 100% nạn nhân sau khi được tiếp nhận, lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương đã phối hợp bảo vệ, bàn giao về nơi cư trú, cung cấp thông tin và thực hiện hỗ trợ để nạn nhân nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.

Anh bai tren
Tổng đài 111 thường xuyên tiếp nhận các cuộc gọi tư vấn và hỗ trợ thông tin từ nạn nhân của nạn mua bán người.

Kịp thời tiếp nhận, hỗ trợ

Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), sau gần 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội và cộng đồng, cùng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, công tác phòng, chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng nói riêng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhờ đó, góp phần giải cứu, tiếp nhận và hỗ trợ hàng trăm nạn nhân bị mua bán hồi hương, tái hòa nhập cộng đồng; từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.

Theo thống kê của ngành chức năng, đã có gần 8.000 nạn nhân bị mua bán được hỗ trợ theo quy định, tập trung tại các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Nghệ An, Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Hậu Giang, Vĩnh Phúc, An Giang, Kiên Giang... Đáng ghi nhận, tại các địa phương, 100% nạn nhân trở về chính thức hoặc tự trở về, được giải cứu đều nhận được sự hỗ trợ phù hợp, chủ yếu là cung cấp nơi ăn, nghỉ tạm thời, tư vấn tâm lý xã hội. Các nạn nhân còn được hỗ trợ học nghề, hỗ trợ việc làm, học văn hóa và bảo vệ nạn nhân tố giác tội phạm...

Bên cạnh các hình thức hỗ trợ nói trên, nạn nhân còn được hỗ trợ thông qua các trung tâm, nhà tạm lánh dành cho nạn nhân. Theo đó, các nạn nhân bị mua bán trở về được cung cấp nơi ăn nghỉ, tư vấn tâm lý xã hội, được tiếp cận với các dịch vụ ngoài trung tâm để học nghề, khám, chữa bệnh theo nhu cầu và khả năng của đối tượng. Ngoài ra, nạn nhân được hỗ trợ thông qua các hoạt động lồng ghép, phòng ngừa và tái hòa nhập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn, như tổ chức các lớp dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm để có thu nhập ổn định, hỗ trợ tín dụng... Các mô hình này đều được đánh giá cao về hiệu quả và thực tiễn, bước đầu giúp đỡ được những nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn thông qua việc sử dụng đồng vốn sinh kế hiệu quả, đem lại thu nhập, ổn định cuộc sống.

Đẩy mạnh các mô hình hỗ trợ

Đánh giá về công tác phòng ngừa và hỗ trợ nạn nhân mua bán người, đại diện Bộ LĐTBXH cho biết, công tác hỗ trợ nạn nhân mua bán người đã thu được những kết quả đáng khích lệ, trong đó đã làm tốt công tác truyền thông nâng cao nhận thức, nhất là đối với nhóm có nguy cơ cao; nhiều vụ mua bán người được triệt phá; nhiều nạn nhân của tội phạm mua bán người được giải cứu và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, tình hình mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, nhiều người vì thiếu hiểu biết vẫn bị bọn tội phạm lợi dụng để mua bán, bị cưỡng bức lao động, cưỡng bức tình dục, mua bán bộ phận cơ thể… làm mất an ninh trật tự, phá vỡ hạnh phúc của nhiều gia đình. Phần lớn nạn nhân bị mua bán suy giảm về sức khỏe thể chất, sang chấn tâm lý, dẫn đến suy giảm khả năng lao động, học tập, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa các mô hình hỗ trợ nạn nhân mua bán người tái hòa nhập cộng đồng.

Thực tế đánh giá của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban chỉ đạo 138/CP) cho thấy, tình hình tội phạm mua bán người trong nội địa và nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng mạng xã hội, sử dụng chiêu trò “việc nhẹ lương cao” để lừa gạt nạn nhân đưa ra nước ngoài nhằm mục đích kết hôn trái pháp luật, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, hoạt động phạm tội…

Theo thống kê, chỉ riêng trong quý III/2024, các đơn vị, địa phương đã tiếp nhận, giải quyết 63 tin báo, tố giác liên quan đến tội phạm mua bán người. Đã điều tra xử lý 83 vụ với 240 bị can liên quan đến 269 nạn nhân mua bán người theo các tội danh được quy định tại Điều 150, Điều 151, Bộ luật Hình sự. Trong đó tội danh mua bán người chiếm 46 vụ, 110 bị can và 149 nạn nhân; Mua bán người dưới 16 tuổi chiếm 37 vụ án, 130 bị can và 120 nạn nhân. Đã khởi tố mới 32 vụ án với 92 bị can.

Còn theo thống kê của Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người (Tổng đài điện thoại quốc gia về bảo vệ trẻ em - số 111 - Bộ LĐTBXH) đã tiếp nhận 621 cuộc gọi (tăng 30 cuộc so với cùng kỳ năm 2023) phản ánh về tình hình mua bán người tại Việt Nam và các vấn đề khác như di cư, xuất khẩu lao động hoặc việc làm; đề nghị tư vấn về tâm lý, chính sách các dịch vụ và hỗ trợ nạn nhân, tìm kiếm người mất tích; hỗ trợ tư vấn tìm kiếm nơi tạm lánh, hỗ trợ y tế, pháp lý, tư vấn tâm lý cho nạn nhân và gia đình của nạn nhân…; đã hỗ trợ cho 36 người có dấu hiệu và nguy cơ là nạn nhân của mua bán người.

Trước thực trạng trên, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người các cơ quan chức năng tiếp tục coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp, mặt khác, lồng ghép ưu tiên chương trình phòng, chống mua bán người với các chương trình, dự án giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động tạo việc làm, vay vốn phát triển sản xuất với lãi suất thấp, giúp người dân ổn định cuộc sống; hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tiếp cận dịch vụ như trợ giúp pháp lý, vay vốn, học nghề, tạo việc làm...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỗ trợ thiết thực cho nạn nhân mua bán người