Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, cơ quan này và Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã quyết định hỗ trợ tiền ăn cho tất cả trẻ em từ 0 đến 16 tuổi đang điều trị, cách ly y tế tập trung và phải cách ly y tế tập trung, theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Mức hỗ trợ 80.000 đồng/ngày/cháu trong 21 ngày, áp dụng từ thời điểm 27/4 đến 31/12. Nguồn hỗ trợ từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Tới thời điểm này cả nước có 4.083 trường hợp F0 và F1 cách ly là trẻ em. Số liệu này có thể sẽ tăng lên khi số lượng người cách ly tại khu công nghiệp, khu chế xuất tăng.
Đồng thời, Bộ LĐTBXH, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ hỗ trợ cho 3 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Điện Biên mỗi tỉnh 1,2 tỷ đồng để phòng, chống dịch, trong đó có trường hợp trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhằm chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống của người lao động và gia đình do phải cách ly y tế, Bộ LĐTBXH cũng đã đề xuất chi trả chế độ BHXH cho người lao động đi cách ly để phòng, chống Covid-19 theo mức hưởng của chế độ ốm đau. Cụ thể, đề xuất chi trả chế độ BHXH cho người lao động đi cách ly để phòng, chống Covid-19 theo mức hưởng của chế độ ốm đau (tức là bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc).
Theo tính toán của Bộ LĐTBXH, tiền lương bình quân tháng đóng BHXH năm 2020 là 5,6 triệu đồng/tháng thì mức hưởng chế độ ốm đau trong trường hợp này là 175.000 đồng/ngày.
Bộ LĐTBXH cũng đưa ra hai điều kiện để người lao động được hưởng chế độ BHXH khi cách ly. Đối với người lao động phải đang thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc và có đóng BHXH bắt buộc tháng liền kề trước khi nghỉ việc vì cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19; có giấy tờ hợp pháp liên quan tới việc người lao động phải cách ly y tế như “quyết định cách ly y tế”...
Đối với địa phương (cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) Bộ LĐTBXH đang đưa ra 2 phương án: Phương án 1 là tại thời điểm áp dụng chính sách, địa phương có số ca dương tính với SARS-CoV-2 bằng 0,1% dân số trở lên; Phương án 2 là tại thời điểm áp dụng chính sách, địa phương có tỷ lệ người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 bằng 0,1% trở lên.