Theo cam kết từ cơ quan quản lý, 100% hộ nghèo và cận nghèo, chính sách thuộc đối tượng vay vốn nếu có đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn phải được tiếp cận. Thế nhưng, giới chuyên gia cũng như nhiều người trong cuộc cho rằng điều quan trọng hơn là phải đẩy lùi, hạn chế, xóa bỏ tín dụng phi chính thức, nhất là tín dụng đen tại nông thôn.
Có một thực tế lâu nay diễn ra tại các vùng quê đó là khi người dân không tiếp cận được với nguồn tín dụng thương mại bởi các đòi hỏi yêu cầu khắt khe về hồ sơ pháp lý, năng lực tài chính, tài sản bảo đảm... thì họ buộc phải đi vay ngoài với lãi suất cao từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn địa phương.
Để thực hiện các chủ trương trên, thời gian qua nhiều giải pháp hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, trong đó có chính sách tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã được triển khai. Từ 3 chương trình tín dụng chính sách (Chương trình hộ nghèo, Học sinh sinh viên và Giải quyết việc làm), đến nay tín dụng chính sách xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã và đang triển khai thực hiện 20 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình, dự án do các địa phương, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước uỷ thác cho NHCSXH thực hiện.
Nguồn vốn tín dụng cho người nghèo đã giúp người nghèo khắc phục được trở ngại thiếu vốn dành cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho họ mua sắm vật tư, công cụ để lao động. Nhờ có nguồn vốn ưu đãi, người nghèo đã có thể sử dụng sức lao động của mình, biến sức lao động thành của cải, từ đó tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống khó khăn mà họ đang gặp phải.
Về đời sống tinh thần, tín dụng chính sách giúp các đối tượng chính sách nâng cao được đời sống văn hóa, góp phần giải quyết những bất ổn trong đời sống của họ. Với số vốn được vay, họ có thể tập trung lao động với năng suất lao động cao hơn và dành được thời gian để tham gia vào các sự kiện, chương trình văn hóa xã hội tại địa bàn địa phương. Do vậy, đời sống tinh thần được cải thiện, họ vươn lên thoát nghèo.
Anh Điêu Văn Dưỡng ở bản Nghé Toong, phường Na Lay, huyện Mường Lay, tỉnh Điện Biên cho hay, năm 2004, với số vốn vay 3 triệu đồng, anh mua trâu về cày kéo. Sau khi chuyển về nơi tái định cư, anh đầu tư máy làm gạch không nung với công suất trên 3 vạn viên/tháng. Thu nhập trung bình sau khi trừ mọi chi phí của gia đình anh thu gần 200 triệu đồng/năm. Đến nay không chỉ gia đình anh ổn định kinh tế, xưởng gạch của anh Dưỡng còn tạo việc làm cho 6 lao động trên địa bàn với thu nhập ổn định từ 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Theo GS.TS Đỗ Thị Kim Hảo- phó giám đốc Học viện Ngân hàng, tín dụng chính sách làm giảm sức thu hút của thị trường tín dụng đen đối với người dân, giúp họ không phải tìm đến với các khoản tín dụng nặng lãi. Cho nên, để phát triển tín dụng chính sách bền vững, bên cạnh nguồn vốn tín dụng từ ngân sách nhà nước, phải đa dạng hóa các nguồn vốn thông qua nhiều phương thức huy động phù hợp với điều kiện thực tế. Chẳng hạn, huy động nguồn vốn trên thị trường hay tìm kiếm các nguồn vốn từ nước ngoài. Các sản phẩm và dịch vụ huy động tiền gửi cần phải đa dạng, minh bạch với tất cả các khách hàng, hấp dẫn không chỉ về lãi suất, kỳ hạn mà còn có tính linh hoạt trong lãi suất, trong các dịch vụ khác mà khách hàng có thể sử dụng được…
Giới chuyên gia cũng cho rằng cần điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn cho vay hợp lý, tăng dần nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, nhất là đối với các doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần hình thành và phát triển các hợp tác xã kiểu mới, giúp người nghèo tiếp cận và tham gia được vào chuỗi giá trị thị trường.