Ngày 3/4, theo ông Trần Văn Hoành- Chủ tịch UBND xã An Tiến, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) trên địa bàn huyện vừa xảy ra hiện tượng sụt lún đất. Vụ sụt lún xảy ra vào khoảng 8h30 ngày 2/4 tại khu vực nhà anh Nguyễn Văn Bắc và bà Nguyễn Thị Sợi (thôn Hòa Lạc, xã An Tiến).
Hiện trường vụ sụt lún tại xã An Tiến, huyện Mỹ Đức (Hà Nội).
Ông Hoành cho biết, hiện đã di dời tài sản và người của 5 hộ ra khỏi khu vực nguy hiểm; lập các chốt, hàng rào và biển báo, cử lực lượng chốt trực 24/24 giờ.
Được biết, hố sụt lún có đường kính khoảng 10m, chiều sâu khoảng 7m. Trong đó, nhà thiệt hại nhất gồm cả khoảng sân trước nhà, công trình phụ (nhà tắm, nhà vệ sinh), sụt vào tận chân móng nhà. Do vị trí sụt lún nằm trên tuyến đường dân sinh (bên trong còn 10 hộ dân sinh sống) nên chính quyền địa phương đã vận động một hộ dân phá tường rào, lập tuyến đường tạm thời cho nhân dân trong khu vực đi lại.
Chiều tối 2/4, toàn bộ các hộ dân trong khu vực nguy hiểm đã được chính quyền địa phương hỗ trợ sơ tán đến nơi an toàn.
Theo đại diện Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, đánh giá sơ bộ ban đầu có thể do dưới địa tầng của đất có nhiều hố cát, mùa này nước rút dẫn đến lún sụt.
Trước đó 10 năm, năm 2006, cũng tại thôn Hòa Lạc, cách vị trí bị sụt lún này khoảng 100m đã xảy ra một hố sụt lún, nuốt trọn cả một khóm tre. Năm 2010, khi một hộ gia đình tại thôn Hòa Lạc tiến hành khoan giếng cũng xảy ra hiện tượng sụt lún. Người dân còn cho biết, trên cánh đồng của thôn, khi tiến hành lấy nước sản xuất cũng diễn ra hiện tượng tương tự. Nước trên ruộng rút toàn bộ xuống các hố sâu. Để xử lý tạm thời, chính quyền địa phương đã phải rải sỏi, đá san lấp mặt ruộng để cho người dân tiếp tục sản xuất.
Điều này cho thấy, nguyên nhân sụt lún có thể do địa chất của thôn Hòa Lạc yếu và có nhiều hố, mạch ngầm sâu chưa được khảo sát, gây ra sự cố bất cứ lúc nào. Các cụ cao tuổi trong thôn cho biết, trước đây có một dòng suối chảy qua thôn, sau đó người dân san lấp làm nhà ở, vì thế nền đất yếu.
Với việc xuất hiện “hỗ tử thần” mới này, UBND xã An Tiến đã đề nghị các cấp, các ngành có phương án hỗ trợ các hộ gia đình chịu ảnh hưởng sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống.
Cũng tại Hà Nội, mới đây UBND TP đã ban hành Công văn số 1840/UBND-CT, yêu cầu sở, ngành liên quan, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý xe máy điện trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu sở, ngành: Công an thành phố, Giao thông Vận tải, Công thương, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Cục Hải quan thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Trong quá trình triển khai thực hiện cần bám sát chỉ đạo của bộ, ngành Trung ương và phối hợp chặt chẽ UBND các quận, huyện, thị xã để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý xe máy điện trên địa bàn thành phố.
UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo các lực lượng trực thuộc và UBND xã, phường, thị trấn phối hợp các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền vận động để người dân chấp hành quy định pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ và thành phố.
Trước đó, UBND TP Hà Nội nhận được văn bản của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tăng cường quản lý xe máy điện.
Cụ thể, UBND TP chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương phối hợp với ngành Công an, Tài chính, Công thương trong việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh xe máy điện trên địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền (thông qua các cơ quan quản lý tại địa phương: Xã, phường, tổ dân phố...), vận động để người dân chấp hành quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1630/TTg-KTN ngày 11/9/2015 về đăng ký xe máy điện.