Kinh tế

Hòa Bình: Người dân dần thoát nghèo từ những nguồn vốn được hỗ trợ phát triển

H.S 26/11/2023 21:03

Nhờ những sự hỗ trợ, tư vấn, đào tạo, qua các chương trình mục tiêu mà việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp cải thiện thu nhập, mở ra hướng thoát nghèo cho người dân trên địa bàn xã duy nhất của TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) thuộc diện “Chương trình 135”.

Theo ông Nguyễn Văn Phong (Phó Chủ tịch UBND xã Độc Lập, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) thì xã Độc Lập là “xã 135” duy nhất thuộc TP Hòa Bình. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn xã đã có hàng trăm ha đất trồng bí xanh, đậu cove, mướp đắng và các loại rau khác… Các sản phẩm làm ra đều được HTX liên kết bao tiêu, giúp người dân có được đầu ra ổn định. Bên cạnh đó, nhiều mô hình chăn nuôi đang phát huy hiệu quả, giúp người dân có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Các dự án mục tiêu thuộc phát triển kinh tế - xã hội cho nhân dân theo Quyết định 1719 của Chính phủ cũng đã được tỉnh hỗ trợ, thực hiện hiệu quả, thiết thực, đang dần nâng cao đời sống cho nhân dân. Tính đến hết tháng 10/2023, bình quân thu nhập đầu người của xã Độc Lập đạt 42 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 6,25 %, cận nghèo 7,05%.

th1.jpg
Sự hỗ trợ từ các chương trình của Nhà nước đã giúp cho người dân có nội nực để phát triển kinh tế, dần thoát nghèo, đảm bảo cuộc sống.

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đời sống của người dân xã Độc Lập ngày được cải thiện, thu nhập được nâng cao, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, có của ăn của để, xây dựng nhà cửa khang trang.

Hộ gia đình anh Nguyễn Văn Toàn (xóm Sòng, xã Độc Lập) trước đây làm ruộng, thu nhập thì thấp, luôn nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. Tuy nhiên, khi được hỗ trợ từ các chương trình của nhà nước gia đình anh đã phát triển thêm cả mô hình chăn nuôi. Từ 5 con dê giống ban đầu, sau một thời gian chăm sóc, đàn dê sinh trưởng và phát triển tốt, số lượng đàn dê của gia đình anh tăng dần. Nhờ đàn dê tăng trưởng và phát triển, anh Toàn bán đi để có thêm vốn, thêm động lực để vươn lên phát triển kinh tế, gia tăng thu nhập. Anh Toàn còn mạnh dạn vay thêm vốn để mua thêm bò nuôi, tăng dần số lượng để phát triển kinh tế.

Cũng như hộ gia đình anh Toàn, hộ gia đình chị Nguyễn Thị Thu Phương (xóm Sòng, xã Độc Lập) cũng thuộc diện được hỗ 5 con dê sinh sản, được hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh. Đến nay đàn dê của gia đình chị luôn phát triển, khỏe mạnh, ít bị bệnh. Qua thời gian chăm sóc, đàn dê phát triển rất nhanh, từ 5 con dê ban đầu, đến nay đàn dê của gia đình chị đã nhân lên gấp nhiều lần.

th2.jpg

Bên cạnh đó, người dân ở xã cũng đã tham gia vào những mô hình phát triển kinh tế theo hướng liên kết, kết hợp nhiều nguồn lực, đa dạng cơ cấu cây trồng vật nuôi nên hiệu quả kinh tế nâng cao, được gia tăng một cách hữu hình.

Theo anh Nguyễn Trung Kiên (xóm Nội, xã Độc Lập - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Độc Lập): Sau khi thành lập HTX đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ chỉ trồng lúa sang trồng bí xanh, mướp đắng, đậu cove…, đồng thời kết hợp với người dân lên kế hoạch sản xuất, bao tiêu đầu ra sản phẩm cho người dân, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm mà mỗi vụ bà con có thể thu nhập từ 50 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. Từ những sự phát triển ổn định đó, nhiều hộ gia đình đã xây dựng được nhà cửa khang trang, có cuộc sống ổn định. Hiện tại, HTX đã có 70 thành viên chính thức và liên kết với hàng trăm hộ dân trong đó có nhiều hộ nghèo và cận nghèo. HTX còn có 50 hộ chăn nuôi dê, nhiều hộ gia đình chăn nuôi tốt đã có khoảng vài chục con dê để làm vốn phát triển kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hòa Bình: Người dân dần thoát nghèo từ những nguồn vốn được hỗ trợ phát triển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO