Năm nay lập xuân sớm, giáp Tết Tân Sửu 2021 này thời tiết đẹp. Phố phường Hà Nội, nhất là những nơi tập trung cây cảnh, hoa Tết từ các tỉnh thành đổ về ngập tràn hoa, cây cảnh, đồ bán Tết. Oái oăm thay, hàng hóa thì nhiều, nhưng người mua thì ít. Nắng ấm, hoa đua nhau nở rộ, đẹp rỡ ràng, nhưng người bán thì lo đến thất thần.
“Xả hàng”, “Mua hai tặng một”, “Giảm giá 50%...”…những bảng biển kêu gọi, mời chào cứu hộ cho hoa, cây cảnh, hàng Tết, nhưng xem ra hàng hóa vẫn không vơi bớt đi được mấy. Thâm tâm bao người bán chỉ mong gỡ lấy đồng vốn, công sức bỏ ra vất vả cả năm mà thu lại rất khó khăn.
Đợt dịch Covid-19 lần thứ ba này ập đến vào mùa thu hoạch của những người trồng hoa, cây cảnh, làm hàng phục vụ Tết, chẳng khác gì một đòn chí mạng đánh vào người lao động trong lĩnh vực này. Chẳng kể những làng hoa, trồng đào, cây cảnh ở vùng dịch như Hải Dương khóc ròng, mà rất nhiều làng trồng hoa, cây cảnh khác cũng khóc dở, mếu dở.
Có một thực tế, do ảnh hưởng của dịch, kinh tế khó khăn, cũng có không ít đơn vị, doanh nghiệp phá sản, không có lương cho người lao động, nói gì đến thưởng Tết. Dịch tiếp tục bùng phát lại chất chồng thêm nỗi lo, khiến người dân phải tính toán kiểu “thắt lưng buộc bụng”, mua sắm dè chừng…
Cũng có một thực tế, từ việc bung ra làm ăn, sản xuất theo “phong trào” mà nguồn cung lại vượt quá nhu cầu. Như năm trước, khi người dân thích chơi chậu quất nhỏ thì năm nay ngoài việc cây quất nhiều thì các loại cây quất nhỏ cũng tràn ngập phố phường…
Cả năm chăm cây, nâng niu từng dáng thế, chăm bón từng cái lá. Để có được một cây hoa như địa lan, cây quất dù nhỏ cũng là bao công sức của người trồng cây. Cây trồng đã bị ảnh hưởng bởi thị trường cung cầu, nay thêm bị ảnh hưởng của dịch, đúng là “thiên tai, dịch họa”. Với người kinh tế khá giả thì không vấn đề gì nhưng sẽ khó, sẽ khổ nhất cho những người nghèo, có chút vốn nhỏ dốc ra, hay phải vay vốn làm ăn.
“Giải cứu” hoa Tết, hàng Tết đã là một chuyện. Và với việc chăm lo cái Tết cho người nghèo, chính quyền, đoàn thể các cấp cũng cần rà soát, có giải pháp hỗ trợ người dân, nhất là dân nghèo để họ vượt qua khó khăn thời dịch dã này.