Mấy ngày qua, hoa đào rừng bỗng chốc trở thành tâm điểm của dư luận khi Chính phủ chính thức cấm chặt phá đào rừng. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cho rằng cần thiết phải kiểm soát chặt việc chặt phá đào rừng, đào cổ thụ mang về xuôi phục vụ thú chơi cây cảnh ngày Tết của một bộ phận người dân để bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên của nhiều địa phương, để những cây đào rừng quý, có tuổi đời lâu năm không bị chặt phá.
Tuy nhiên, thực tế thì đào rừng tự nhiên ở thời điểm hiện tại là vô cùng hiếm, gần như không có để bán trên thị trường. Hoặc nếu có thì giá sẽ vô cùng cao. Đa số, đào rừng được người dân mang về dưới xuôi bán vào mỗi dịp Tết là được người dân ở các tỉnh miền núi phía Bắc trồng trong vườn và đồi của nhà, nhà nào cũng có.
Thực chất đào rừng có hai loại là đào rừng mọc tự nhiên trong rừng và đào rừng có giống từ cây đào rừng đã được người dân ươm trồng nhiều năm trên các vườn rừng, vườn đồi và vườn nhà mình. Với những người dân miền núi phía Bắc, việc bán đào rừng vào dịp Tết giúp họ có thêm tiền để lo cái Tết ấm cúng cho gia đình.
Trong chuyến công tác Sơn La mới đây, Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cũng chia sẻ với người dân: Thủ tướng Chính phủ không cấm chặt, khai thác cây đào, cây hoa mà người dân trồng. Thậm chí, những loại cây này đã trở thành hàng hóa, thành nguồn thu nhập của người dân. “Tuy nhiên, cần phải kiểm soát, quản lý rừng tốt từ địa bàn, từ cơ sở… Về lâu dài, cây này có hiệu quả nếu trồng trên đất nông nghiệp, trồng ở vườn”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng đề nghị một số tỉnh miền núi phía Bắc nghiên cứu vận động bà con làm chứng nhận xuất xứ đối với loại cây này vừa đảm bảo thương hiệu, giá trị, được nhà nước bảo hộ cho việc làm ăn chân chính. Việc này không chỉ đối với cây đào mà các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, sạch có xuất xứ địa lý sẽ được nâng cao giá trị và đây là xu hướng bắt buộc.
Nhìn từ cây đào để thấy vấn đề sinh kế cho người dân dựa vào rừng để sống vẫn cần phải được các ngành chức năng quan tâm một cách thiết thực hơn nữa. Không chặt phá rừng, đã có rất nhiều mô hình như trồng hoa lan, trồng sâm ngọc linh... dưới tán rừng để mưu sinh. Và với các tỉnh miền núi phía Bắc, trồng hoa đào cũng không phải là ngoại lệ.