Nghề làm hoa giấy ở làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế) cũng lắm công phu, đòi hỏi tính kiên nhẫn và khéo tay không kém gì nghề trồng hoa tươi. Nỗ lực của khoảng 30 hộ theo nghề đã tạo cho hoa giấy Thanh Tiên một luồng sinh khí mới.
Nhiều du khách nước ngoài thích trải nghiệm nghề làm hoa giấy tại làng Thanh Tiên.
Nửa thế kỷ bị thất truyền
Cách thành phố Huế khoảng 7km, xuôi theo dòng Hương giang thơ mộng, ngay ngã ba Sình, chúng tôi về với Thanh Tiên - ngôi làng gắn với nghề làm hoa giấy truyền thống. Trong căn nhà chất đầy hoa giấy với nhiều màu sắc sặc sỡ, bà Nguyễn Thị Thanh (59 tuổi) tâm sự: “Những năm gần đây làng nghề làm hoa giấy có bước phát triển. Mấy năm trước, phải mang xuống chợ bán, nay người ta tới tận nhà đặt mua luôn”…
Theo nhiều tư liệu ghi lại, làng hoa giấy Thanh Tiên ra đời cách đây hơn 300 năm, vào thời các chúa Nguyễn. Sau khi vua Gia Long lên ngôi (1802–1820), nhân lễ Thượng tuần, nhà vua ban chiếu đề nghị mỗi trấn đem về kinh thành một loài hoa quý. Trong triều đình có một vị quan người làng Thanh Tiên làm chức Tả Hữu Đồng Nghị ở Bộ Lễ dâng lên nhà vua một loài hoa ngũ sắc với ý nghĩa Tam Cương - Ngũ Thường, đồng thời tâu rằng: “Ba cành hoa ở giữa tượng trưng cho Trung - Hiếu - Nghĩa. Trong đó, luôn luôn có một chiếc hoa màu vàng hoặc đỏ được làm to nhất tượng trưng cho đấng minh quân, còn 5 bông hoa hai bên tượng trưng cho Nhân - Lễ - Nghĩa -Trí -Tín”. Khi nghe vị quan này trình bày về ý nghĩa của loài hoa, nhà vua liền ban chiếu khuyến khích làng Thanh Tiên làm hoa giấy để bày biện, bán lên kinh đô và phổ biến nghề cho mọi người.
Hoa giấy gắn với tín ngưỡng thờ cúng của người Huế, trước là dâng cúng thần linh, tổ tiên ông bà, sau là trang hoàng nhà cửa. Hàng năm vào dịp lễ tế Nam Giao, triều đình đều đặt dân làng Thanh Tiên làm hàng ngàn bông sen màu trắng và màu hồng để trang hoàng trên đàn tế trong những ngày đại lễ.
Có lịch sử lâu đời là vậy, thế nhưng không rõ vì nguyên nhân gì mà kỹ thuật làm hoa sen giấy của làng lại bị thất truyền trong suốt 50 năm. May thay, một số người con của làng vẫn còn tâm huyết với nghề, cũng như mong muốn gìn giữ một ngành nghề truyền thống mà ông cha đã để lại. Họa sĩ Thân Văn Huy và em trai là Thân Đình Hoài cùng một số nghệ nhân tâm huyết đã cố công lục tìm trong những ký ức hạn hẹp của mình, cũng như tìm đến những nghệ nhân lớn tuổi trong làng để tìm hiểu về kỹ thuật, từ đó phục hồi bí quyết làm hoa sen giấy.
Hồi sinh một làng nghề
Sau nhiều năm miệt mài tìm hiểu cùng với hàng trăm lần thử nghiệm, họa sĩ Thân Văn Huy mới thành công trong việc phục dựng hoa sen giấy. Bằng những mẫu mã tự thiết kế và cách nhuộm màu, phối màu tài tình, họa sĩ và các nghệ nhân ở làng Thanh Tiên đã làm nên các sản phẩm hoa sen giấy nhiều màu sắc với đầy đủ các kích cỡ như: Hoa sen đại có đường kính 20 cm, hoa sen lớn đường kính 15 cm, hoa sen nhỏ và hoa sen ngũ sắc...
Theo lời kể của nhiều nghệ nhân trong làng, để làm được cành hoa giấy, người thợ phải chuẩn bị các công đoạn từ mấy tháng trước khi Huế vào mùa mưa. Họ chọn những cây tre tốt trong làng đem chẻ nhỏ, vót mỏng rồi phơi khô làm cuống hoa. Ngoài các loại hoa: lan, huệ, hồng, cúc, dã quì, tường vi… vốn chỉ phục vụ cho nhu cầu thờ tự, lễ nghi và chỉ được làm trong dịp Tết, làng Thanh Tiên còn làm thêm hoa sen giấy để trang trí trong nhà. Giấy làm hoa có thể do người thợ tự nhuộm với những màu sắc tự nhiên mà mỗi gia đình có một bí kíp riêng.
Công đoạn sau cùng là tạo nếp nhăn trên hoa để cánh hoa sống động như hoa thật và kết hoa lại thành từng cành, mỗi cành từ 9-10 bông hoa.
Theo họa sĩ - nghệ nhân Thân Văn Huy, để có một bộ hoa sen hoàn chỉnh như hiện nay, đòi hỏi nghệ nhân phải có sự nhẫn nại, tỉ mỉ và khéo léo, nắm bắt kỹ thuật và quan trọng hơn hết là cái "tâm" của người thợ thủ công đối với nghề, đó là "làm ra đóa sen này, mong sẽ được tỏa đi khắp muôn phương, đem lại bình an, thanh tịnh cho mọi người".
Hoa sen giấy - một sản phẩm được nhiều khách du lịch lựa chọn.
Hoa giấy xuất ngoại
Cùng với cơ chế thị trường, nhiều làng nghề ở Thừa Thiên – Huế đã dần dần mai một và biến mất, thế nhưng, tại nhiều làng nghề khác, người dân đã biết nắm bắt thời cơ, tận dụng lợi thế để không những bảo tồn mà còn phát triển mạnh, trong đó nghề hoa giấy Thanh Tiên là một ví dụ. Song song với đó, như để bảo tồn cho một làng nghề truyền thống của vùng đất Cố đô không bị thất truyền, ngày 16/4/2019, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành Quyết định số 949/QĐ-UBND công nhận Làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên là điểm du lịch của tỉnh. Với việc được công nhận là điểm du lịch, làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên có điều kiện phát triển thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, thu hút khách tham quan trong và ngoài nước.
Trước đó, trong các dịp Festival Làng nghề truyền thống do thành phố Huế tổ chức 2 năm một lần, hoa giấy Thanh Tiên luôn luôn là địa chỉ thu hút du khách tìm hiểu và trải nghiệm nghề làm hoa giấy tại làng quê yên bình này. Du khách sẽ được những nghệ nhân nơi đây hướng dẫn những kỹ thuật làm hoa giấy trong khoảng thời gian từ 40–60 phút, sau đó tự tay du khách sẽ làm ra những bông hoa giấy theo ý thích của mình như một phần thưởng cho bản thân.
Anh Nguyễn Hiền (34 tuổi, cơ sở hoa giấy Nguyễn Hóa) cho biết: Những năm gần đây du khách trong và ngoài nước đến làng Thanh Tiên này rất đông. Nhiều du khách nước ngoài đã cùng trải nghiệm nghề làm hoa và mua những sản phẩm hoa giấy mang về nước làm quà tặng hoặc dùng trang trí cho ngôi nhà của mình. “Vào những dịp Tết Nguyên đán, cơ sở của chúng tôi xuất ra thị trường khoảng 1.500 hoa giấy. Tôi là thế hệ thứ năm nối tiếp truyền thống của gia đình theo nghề làm hoa giấy. Hoa ngũ sắc thường được cung cấp ra thị trường vào dịp những ngày Tết cổ truyền và có giá sỉ chỉ 7 ngàn đồng/ 1 cặp, còn hoa sen giấy thì xuất ra thị trường quanh năm và có giá khoảng từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/ 1 bông. Mình làm chủ yếu để giữ không khí ngày Tết, giữ lại nét đẹp văn hóa truyền thống của xứ Huế” - anh Nguyễn Hiếu, chủ cơ hoa giấy Nguyễn Hòa tâm sự.
Họa sĩ - nghệ nhân Thân Văn Huy, người đã có hơn 50 năm kinh nghiệm làm hoa giấy cho biết, mỗi năm, cơ sở của ông làm ra từ 2.000-3.000 sản phẩm, trong đó hoa sen giấy là một trong những sản phẩm được nhiều du khách trong và ngoài nước ưa chuộng.
Không chỉ nổi tiếng ở mảnh đất Cố đô, những năm gần đây, hoa giấy Thanh Tiên đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới như Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan… Sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên khi theo chân các du khách ra nước ngoài đã trở thành những “đại sứ thương hiệu” quảng bá hình ảnh quê hương con người Việt Nam nói chung và Thừa Thiên – Huế nói riêng đến với bạn bè quốc tế về một đất nước có nền văn hóa đa dạng, đặc sắc và riêng biệt, mang đậm nét đặc trưng của nền văn hóa Á Đông.