Trận động đất năm 1556 ở Thiểm Tây và Sơn Tây - một trong những cột mốc đen tối nhất lịch sử nhân loại - đã san phẳng “Cái nôi của nền văn minh Trung Quốc", tạo ra hiệu ứng domino với nhiều thảm họa kinh hoàng theo sau đó.
Không có gì chứng minh sức mạnh của “Mẹ thiên nhiên” hơn là một trận động đất. Chỉ trong nháy mắt, Trái Đất giải phóng một nguồn năng lượng “vô biên", dễ dàng “quét sạch" một nền văn minh trong nháy mắt.
Ví dụ, trận động đất Kashmir 7,6 độ Richter vào tháng 10/2005 phá hủy hơn 30.000 công trình kiến trúc và “chôn sống" khoảng 79.000 người (dựa trên dữ liệu của Britannica). Ở Trung Quốc, trận động đất Tứ Xuyên năm 2008 đã khiến 5 triệu người mất nhà cửa gần như ngay lập tức, với biên độ Richter kinh hoàng lên tới 7,9 độ.
Những cơn địa chấn kinh hoàng khác (đôi khi kèm theo sóng thần) đã diễn ra ở Haiti, Peru, Nhật Bản và lưu vực Ấn Độ Dương trong những năm gần đây.
Điều khiến thảm họa thiên nhiên thực sự là một cơn ác mộng của toàn nhân loại bởi sự khó đoán khi chúng ập đến các khu vực đông dân cư và những dư âm chết chóc chúng để lại. Hơn nữa, việc giữ bình tĩnh và tìm kiếm lối thoát trong cơn loạn lạc là một thử thách cực kỳ khó khăn.
Tuy nhiên, khi nói đến một trong những sự kiện diệt vong nhất trong lịch sử loài người, địa chấn năm 1556 - thứ đã tàn phá "Cái nôi của nền văn minh Trung Quốc" - thành phố Tây An thuộc Thiểm Tây - luôn khiến nhiều người phải “run rẩy" khi nhắc lại.
Cái nôi của nền văn minh Trung Quốc
Tây An là điểm kết thúc phía Đông của “Con đường tơ lụa” huyền thoại, nơi kết nối mạng lưới của các tuyến đường thương mại trải dài từ Trung Đông đến Trung Á và các khu vực khác ở Trung Quốc.
Nằm trên con sông Vị Hà, thủ phủ của Thiểm Tây sở hữu vô số địa điểm khảo cổ - lâu đời nhất là từ 600.000 năm trước - khi con người sống tại thời kỳ đồ đá mới học hỏi cách làm nông nghiệp. Vào thời Trung cổ, Tây An đã nổi tiếng là một trong những đô thị lớn nhất trên toàn thế giới.
Qua bao thế hệ, thành phố Tây An và khu vực xung quanh Thiểm Tây luôn được coi như "Cái nôi của nền văn minh Trung Quốc".
Nơi đây là kho tàng chứa đựng những cổ vật và di tích có giá trị lịch sử “đáng kinh ngạc”, từ chùa Đại Nhạn đến Rừng bia đá ở Bắc Lâm và Tháp chuông ở Chung Lâu. Tuy nhiên, di tích lịch sử nổi tiếng nhất trong khu vực vẫn là Đội quân đất nung của vua Tần Thủy Hoàng,
Bất chấp tất cả những tiến bộ có được, các tỉnh và khu vực thuộc Thiểm Tây và Sơn Tây vẫn phải “đầu hàng" trước cơn địa chấn mang tính diệt vong ở thế kỷ 16.
Cơn thịnh nộ của thiên nhiên
Vào ngày 23/1/1556, một trận động đất lớn đã làm rung chuyển các tỉnh Thiểm Tây và Sơn Tây phồn vinh. Cho đến nay, các nhà sử học đều nhất trí rằng trận động đất đó ở Trung Hoa không phải là trận động đất mạnh nhất, nhưng lại là trận động đất có số người chết lớn nhất.
Số người chết được nhà Minh chép lại lên tới 830.000 người - 60% dân số của 2 tỉnh, tổng hợp từ các số liệu địa phương.
Các nhà chép sử thời bấy giờ mô tả động đất Gia Tĩnh rất khác biệt, vì khiến cho những ngọn núi bị san phẳng, lụt lội, hỏa hoạn xảy ra triền miên, làm thay đổi hoàn toàn cảnh quan thiên nhiên ở miền trung Trung Quốc.
Ở Hóa Châu, Vị Nam, Thiểm Tây, không một căn nhà nào còn tồn tại sau động đất, hơn một nửa số dân ở khu vực thiệt mạng, ước tính lên tới hàng trăm ngàn người.
Trong phạm vi 500 km tính từ tâm chấn, không đâu là không ghi nhận người chết. Khi phát triển thang đo cường độ động đất Richter vào những năm 1930, các nhà khoa học đã phác họa lại trận động đất ở Thiểm Tây và phát hiện cường độ động đất vào khoảng 8-8,3 độ Richter.
Núi và sông thay hình đổi dạng. Đường sá đổi hướng. Nhiều ngọn núi lung lay tận gốc. Đồi và thung lũng thay hình đổi dạng. Ở một số nơi, đất bỗng dưng trồi lên hình thành những ngọn đồi mới hoặc sụp xuống biến thành những thung lũng mới. Ở một số nơi khác, nước phụt lên, mặt đất sụp xuống hình thành những con mương mới.
Nhà cửa, công sở, đền đài, miếu mạo và tường thành sụp đổ bất thình lình... Âm thanh động đất được mô tả như sấm rền. Lửa cháy hai, ba ngày chưa tắt. Hầu hết dân chúng sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Người ta chết vì động đất, lửa thiêu, lũ lụt, cướp bóc...
“Mồ chôn tập thể” từ kiến trúc không vững chắc
Câu trả lời nằm ở việc triều đại nhà Minh đánh dấu sự bùng nổ dân số Trung Hoa. Đến năm 1500, số dân đã tăng lên khoảng 125 triệu người, gần gấp đôi so với năm 1393.
Người dân Trung Hoa khi đó sống tập trung thành các cộng đồng với mật độ dân số lớn. Các công trình xây dựng bằng đá lại hết sức đơn sơ. Một khi đổ sụp gây thương vong nặng nề cho những người ở bên trong.
Hoàng thổ là loại đất phù sa do gió cát từ sa mạc Gobi thổi tới bao phủ cả một vùng cao nguyên. Sau thời gian dài cả triệu năm, nó biến thành đất và đá vôi sét dễ bị nước và gió làm xói mòn.
Cao nguyên hoàng thổ bao trùm hầu như toàn bộ các tỉnh Thiểm Tây, Sơn Tây, Cam Túc và một phần các tỉnh khác.
Thời nhà Minh, hàng triệu dân sống trong hang động vách núi vùng hoàng thổ ấy. Động đất làm sập tất cả các hang động chôn vùi người ở. Đây là nguyên nhân khiến có quá nhiều người chết.
Theo lịch sử, các thành phố lớn trong khu vực có nhiều công trình kiến trúc được xây dựng từ các khối đá thay vì hoàng thổ. Thật không may, những viên đá này đã đổ ập xuống trận động đất, nghiền nát hàng nghìn dân cư trong khu vực.
Các ghi chép lịch sử cho chúng ta biết rằng các thành phố như Hoa Âm, Vị Nam và Hoạt đã phải chứng kiến mọi tòa nhà bỗng chống biến thành đống đổ nát trong nháy mắt.
Một số người sống sót kể rằng, họ “nhìn thấy vết nứt tách ra từ mặt đất khiến nước phun lên, tường thành và các công trình bằng đá đổ sập trong tích tắc, đồng bằng bỗng chốc biến thành những quả đồi…”.
Học giả Qin Keda, một trong những người may mắn sống sót sau thảm họa động đất, đã viết lại cách giữ bản thân an toàn trong một trận động đất.
“Khi động đất xảy ra, mọi người ở trong nhà không nên vội chạy ra ngoài. Hãy ngồi xuống, lấy tay che đầu và chờ đợi cơ hội. Dù cả tổ chim bị phá hủy thì vẫn còn những quả trứng nguyên vẹn”.
Sau trận động đất lịch sử, nhiều người bắt đầu chuyển sang xây nhà bằng tre và gỗ, chống chịu động đất tốt hơn và nếu có đổ sập thì gây thiệt hại ít hơn.
Nguyên nhân chính dẫn đến thảm họa động đất kinh hoàng
Theo các nhà nghiên cứu, trận động đất bắt nguồn từ khu vực gần huyện Hoạt, trong thung lũng sông Vệ Hà. Tuy nhiên, mức độ tàn phá của cơn đại địa chấn này trải dài trong bán kính 200 dặm, phá hủy nhiều ngôi làng lân cận và loạt ngôi nhà đơn lẻ. Và một số hồ sơ thậm chí còn ghi nhận thiệt hại vượt quá 300 dặm.
Trận động đất Thiểm Tây năm 1556 liên quan đến ba đứt gãy lớn, tạo thành ranh giới của lưu vực sông Ngụy. Tất cả 26 trận động đất được ghi trong biên niên sử đều có tâm chấn ở lưu vực này.
Những tổn thất nặng nề đối với những giá trị văn hoá
Trận động đất mà người ta hay gọi là "Hoa Huyện đại địa chấn" đã tàn phá nhiều ngôi chùa, đền đài, miếu mạo được xây dựng rất nhiều ở Trung Quốc.
Trong những ngôi chùa danh tiếng được trùng tu hoặc xây dựng lại có chùa Phổ Cựu ở Dũng Trị, tỉnh Sơn Tây và chùa Tiểu Nhạn ở thành phố Tây An đời nhà Hán (đây là thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây).
Hiện nay, tại chùa Phổ Cựu vẫn còn một bài thơ kể chuyện tái thiết chùa, đại ý như sau: “Vào thời vua Gia Tĩnh triều Minh, có một trận động đất ở Phổ Châu. Tháp chùa Phổ Cựu bị phá hủy. Nền chùa trở thành một di tích thiêng liêng trong một thời gian khá lâu. Sau đó, quan huyện Đông Lượng hạ lệnh tái thiết chùa. Mỗi tháng, dư chấn xảy ra 3-5 lần. Tình trạng này kéo dài cả nửa năm. Ba năm sau, thỉnh thoảng vẫn còn dư chấn nhẹ. Năm năm sau mới hết”.
Chùa Tiểu Nhạn Tháp là một trong hai ngôi chùa danh tiếng ở Tây An. Ngôi chùa kia là Đại Nhạn Tháp xây cất năm 652 và trùng tu năm 704. Tiểu Nhạn Tháp được xây dựng vào khoảng năm 707-709 đời nhà Đường. Lúc đó chùa cao 45 m.
Sau trận động đất năm 1556, ngôi chùa bị hư hại khá nặng, lún xuống chỉ còn 43 m với 15 tầng lầu.