Nguyễn Linh Khiếu là nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu triết học. Tác phẩm của ông khá phong phú về thể loại, bao gồm cả triết học, chính trị, báo chí và văn chương. Với văn chương, tác phẩm của ông có cả thơ, trường ca và tùy văn. Nguyễn Linh Khiếu thời gian qua được xem là một nhà thơ tiên phong. Thơ, trường ca và tùy văn của ông có một phong cách khác biệt và đã mang đến cho độc giả những trải nghiệm mới mẻ và hết sức thú vị.
Ngôi làng Chỉ Thiện, nơi tác giả sinh ra và lớn lên, đã từng là chốn êm đềm với nhiều kỷ niệm vô cùng đẹp đẽ. Hai tiếng quê hương ở đây là nguồn cội của niềm tự hào và nỗi nhớ nhung.
Ký ức của Nguyễn Linh Khiếu về quê hương hiện lên với nỗi tiếc nuối qua hình bóng cây đa, bến nước, đụn cát và con thuyền nơi mom sông, cửa biển những nơi chốn từng là không gian sinh hoạt và vui chơi của bao trẻ thơ.
Trong bối cảnh tươi đẹp của hoài niệm song hành với tâm tư nuối tiếc, hình ảnh Cò Bé - nhân vật chính của tập tùy văn "Hoa Khởi trinh" (NXB Hội Nhà văn) - trở nên sống động và gần gũi hơn bao giờ hết. Cò Bé là con trai thứ hai trong gia đình nghèo khó có sáu người con. Bố là người từng đánh cá biển, sau đó tham gia thanh niên xung phong và trở thành cán bộ nhà nước. Mẹ suốt đời làm ruộng, đôi vai gầy mòn gánh vác muôn gánh nặng gia đình. Từ nhỏ, Cò Bé đã phải đối mặt với nhiều thử thách. Nó là một đứa trẻ suy dinh dưỡng, vóc dáng gầy gò, nhỏ bé, ốm yếu nên thường bị bắt nạt và luôn mặc cảm tự ti. “Những lúc ấy nó thường cam chịu buồn phiền và nghĩ vẩn vơ. Nó chỉ có mỗi ước mơ là được to cao khỏe mạnh để không bị bắt nạt” (tr.140). Có lẽ ước mơ bé mọn ấy, không đơn thuần là mong mỏi về thể chất, mà còn là khao khát vượt qua những giới hạn của chính mình.
Mỗi câu chuyện trong "Hoa khởi trinh" đều là một mảnh ghép quý giá về những giá trị sống giản dị nhưng sâu sắc của đời sống nông thôn. Cò Bé cùng chúng bạn suốt ngày nhảy nhót nô đùa trên cánh đồng. Chúng chăn trâu cắt cỏ, đắp đập be bờ, mò cua bắt ốc. Khi đói quá, chúng rủ nhau trộm cá, trộm vịt, trộm trứng, trộm dưa, trộm ổi và tút đòng đòng lúa non để ăn. Chắc là người lớn biết cả, nhưng họ thấy bọn trẻ đói quá nên vờ như không biết thôi. Khi chúng tút đòng đòng thì người lớn bảo bọn trẻ phá hoại. Nhưng ta lại như nghe thấy tiếng cười vang vọng của tuổi thơ: “Bông lúa non trắng nõn nà như một dải lụa mềm ăn ngọt lịm thơm tho” (tr.7). Hương vị ngọt ngào của đòng đòng lúa là món ăn ngon, là biểu tượng cho những khoảnh khắc đẹp đẽ của cuộc sống chất phác, đơn sơ, thuần hậu.
Câu chuyện đôi bạn nhí Cò Bé và Tý Nhớn cùng đám trẻ con làng Chỉ Thiện là bức tranh sinh động về tuổi thơ hồn nhiên vô tư trong sáng với những cuộc phiêu lưu đầy thú vị. Những ngày hè nắng nóng, Cò Bé và Tý Nhớn chạy nhảy giữa đồng xanh, hình ảnh ấy như một bức tranh tươi sáng, rực rỡ sắc màu. Cảnh Cò Bé được mẹ dặn xuống ông ngoại xin rau nhưng lại gặp Tý Nhớn và cùng nhau hút mật hoa quên nhiệm vụ của mình (tr.8-9). Ngõ nhà Cò Bé nhỏ và có nhiều rắn nhưng “Cũng không hiểu sao hàng ngàn con rắn ngày đêm trườn qua ngõ nhưng chưa có người nào bị rắn cắn bao giờ” (tr.11) tạo nên không khí kỳ bí. Hai đứa trẻ khám phá hoa linh thảo nở trên triền đê nhưng mẹ Cò Bé lại lo lắng vì hoa mọc gần “mả Ông”, sợ ma bắt bọn trẻ mẹ phải thắp hương cầu khấn (tr. 14-15). Mùa đông, đám trẻ thường ra đồng kiếm rau cho lợn và mẹ Cò Bé dặn “đừng hái rau khúc nếp” (tr.19). Những câu chuyện như trèo cây phượng cho đến việc cứu chim chích chòe khỏi bị rắn bắt đều trở thành những mảnh ghép nhỏ trong ký ức.
Ký ức về dòng sông Hồng còn đậm sâu bởi đó là nơi tuổi thơ của Cò Bé có mẹ đồng hành. Mẹ luôn là người giữ lửa cho gia đình. Những món ăn mẹ nấu mang trong đó tình yêu thương và sự chăm sóc. Một kỷ niệm đẹp về mẹ là khi mẹ làm cốm. Mẹ “cắt về một bó lúa xanh” và khéo léo cạo hạt, sau đó luộc chín và giã tay. Mùi cốm thơm ngọt ngào lan tỏa khắp nhà, “mùi gạo nếp non thơm dịu dàng tinh khiết” (tr.16) và tiếng gạo rang nở “tí tách râm ran” (tr.16) mang lại âm thanh ấm cúng, nồng ấm tình cảm gia đình. Khi Cò Bé ốm, mẹ lại nấu canh tôm chua, chỉ cần ăn một bát canh tôm vàng nóng hổi, sức khỏe của Cò Bé hồi phục ngay: “Nó thấy mình đã thành một con người hoàn toàn khác. Chỉ có mùi canh tôm vẫn bâng khuâng nồng nàn đâu đó” (tr.18). Trong ngày tổng kết năm học lớp 1, thầy Thỏn gọi tên, “nó giơ tay cầm giấy khen và phần thưởng mà nước mắt ầng ậc tuôn ra” (tr.139). Cầm phần thưởng, Cò Bé lủi thủi về nhà, và cái giấy khen nó có được đầu tiên trong đời đã nhàu nát vì nước mắt nhưng trong mắt mẹ, Cò Bé vẫn là niềm tự hào lớn lao. Mẹ luôn lo lắng cho Cò Bé qua từng khoảnh khắc động viên con, là nguồn động lực và tình yêu thương vô tận trong cuộc sống của Cò Bé. Bông hoa khởi trinh trắng tinh êm đềm bên dòng sông Hồng như Cò Bé có tuổi thơ êm đềm trong tình yêu của mẹ.
Miền ấu thơ của Cò Bé có tiếng cười chứa đựng nỗi buồn của sự mất mát, những sự mất mát trẻ con. Chú sao đen mỏ vàng nó nuôi từ non bấy khi khôn lớn cũng bỏ nó bay đi (tr.42-43). Chú sáo nghệ phải vạch mỏ cho thức ăn vào họng đến lúc lớn lên hót rất hay, hình dáng rất đẹp cũng bị người ta bắn chết (tr.44-45). Con cò ruồi được nó cứu khi gặp bão và nuôi nấng đến trưởng thành rồi cũng tấn công nó mà bỏ đi (tr.46-47). Cây mai trắng nó chăm bẵm vun trồng cũng bị người lớn chặt vụn (tr.50). Hình ảnh vịt bầu, con vật nuôi như một người bạn tri kỷ của Cò Bé, chúng lúc nào cũng quấn quýt bên nhau. Nhưng khi gia đình có khách, không còn cách nào buộc phải giết vịt bầu đãi khách, nó cũng đành chịu. “Hôm ấy Cò Bé thương vịt bầu nên không ăn miếng nào… Nhiều tháng sau Cò Bé vẫn thẫn thờ ngẩn ngơ nhớ vịt bầu” (tr.40).
Mỗi câu chuyện trong tập tùy văn như một hồi ức ngọt ngào và nghẹn ngào về tuổi thơ, mang đến những bài học quý giá về cuộc sống. Hình ảnh Sáo Đen bay xa gợi lên nỗi nhớ và sự tiếc nuối: “Ngày tháng thấm thoát không hiểu sao chẳng thấy sáo đen mỏ vàng về nữa” (tr.43). Và, người bạn Cu Ti thân thiết bỗng nhiên một ngày theo bố mẹ đi đâu không biết. Cò Bé lên nhà tìm, thấy cửa nhà khoát chặt, “Nó đứng ở sân ngẩn ngơ một lúc mới về” (tr.57). Tình bạn, dù có thay đổi, vẫn lưu giữ những kỷ niệm đẹp và bài học về tình yêu thương. Ký ức về Giấy khen của Cò Bé, dù mang lại niềm vui, cũng đầy nỗi buồn vì áp lực từ thầy giáo, nhắc nhở chúng ta rằng thành tựu không phải lúc nào cũng đi đôi với sự tự hào. Trong những ngày đông lạnh giá, Cò Bé cùng bạn đi hái rau khúc, học được giá trị của sự cẩn trọng: “Mẹ dặn đừng hái rau khúc nếp” (tr.19). Hình ảnh ngọn rau khúc biểu trưng cho sự sinh tồn, cho nỗ lực trong cuộc sống. Khi đối diện với bóng đen, nỗi sợ tan biến khi nhận ra đó là bố: “Hóa ra cái bóng đen ấy chính là bố nó” (tr.27), cho thấy sự hiện diện và tình yêu của cha mẹ luôn là nguồn động viên lớn lao. Những câu chuyện giản dị này, từ “Trà cám”, “Chiếc tăm” đến những kỷ niệm bên bờ sông, vẽ nên bức tranh hạnh phúc trong miền hoa khởi trinh.
Nguyễn Linh Khiếu đã ghi lại những câu chuyện của Cò Bé trong 82 tùy văn, tạo thành bức tranh sống động và đầy ý nghĩa về tuổi thơ nơi miền quê yêu dấu. Những câu chuyện ấy mang nỗi trăn trở về việc gìn giữ những giá trị văn hóa bản địa, thiên nhiên hoang dã và căn tính khởi nguyên của con người. Qua từng câu chuyện, tác giả khéo léo lồng ghép triết lý nhân sinh: sự yêu thương, sự sẻ chia và ý nghĩa của những mất mát, lòng vị tha, bao dung trong cuộc sống. Điều này thể hiện rõ trong những câu nói của nhân vật, những chi tiết dung dị nhưng sâu sắc, mà tác giả đã thể hiện một cách chân thực để người đọc cảm nhận được giá trị và trân trọng từng khoảnh khắc sống.
"Hoa khởi trinh" là hành trình tìm kiếm bản thân. Mỗi ký ức đều đáng giá và nó khơi gợi độc giả dừng lại để suy ngẫm, trân trọng, nâng niu những gì mình đã và đang có. Hành trình khám phá ký ức trong "Hoa khởi trinh" cũng chính là hành trình khám phá bản thân của mỗi người băng qua những thăng trầm của đời sống thực tại để nhận thấy giá trị nhân văn luôn hiện hữu. Tác phẩm như một bản nhạc đồng quê, vừa có âm thanh vui tươi vừa có nốt trầm của cuộc sống. Đó là bản hòa âm trong trẻo, tươi sáng và truyền cảm hứng.
Nguyễn Linh Khiếu bằng một cách giản dị đã hiển thị rằng, ông đã sống những tháng ngày rực rỡ khi cánh hoa khởi trinh tươi thắm nơi đồng bãi Sông Hồng. Hoa khởi trinh chạm đến những điều sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người, khích lệ ta trân trọng và gìn giữ ký ức ấu thơ. Những cánh hoa ấy sẽ mãi là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của quê hương, đất nước, của gia đình và tình người.