Với ngân sách gần 9 tỉ đồng, sau 2 năm triển khai dự án Hỗ trợ chính sách và thí điểm mô hình hòa nhập cộng đồng cho nữ thanh niên bị bóc lột tình dục tại Hà Nội (Dự án), đã có 409 phụ nữ bán dâm được hỗ trợ, trong đó 82 người được hỗ trợ nghề, 36 chị em được nhận hỗ trợ vay vốn và tài trợ để hoạt động kinh doanh. Mặc dù vậy, rất khó để xác định bao nhiêu người trong số họ đã từ bỏ hoạt động mại dâm.
Ảnh minh họa.
Đây là những thông tin được Bộ LĐTB&XH đưa ra tại Hội nghị tổng kết Dự án tổ chức ngày 26/10 tại Hà Nội.
Thành công từ một mô hình
Nhằm giúp nữ thanh niên bán dâm có con nhỏ có cơ hội để tái hòa nhập cộng đồng, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã phối hợp với Cục Phòng chống tệ nạn xã hội và tổ chức Plan triển khai kế hoạch thực hiện Dự án “Hỗ trợ xây dựng chính sách và thí điểm mô hình hòa nhập cộng đồng cho nữ thanh niên bị bóc lột tình dục tại thành phố Hà Nội” giai đoạn 2012-2015. Chỉ sau gần 3 năm thực hiện, Dự án đã đem lại những tín hiệu khá tích cực, mở ra cơ hội được tái hòa nhập cho những nữ thanh niên bị bóc lột tình dục.
Ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã tổ chức 8 khóa học nghề, hỗ trợ dạy nghề cho 82 chị em với các nghề: cắt uốn tóc, thiết kế đồ họa, vẽ móng nghệ thuật, bàn- bar, pha chế đồ uống, bán hàng-maketing. Các học viên là người bán dâm hoàn lương đã tham gia học nghề được học miễn phí (mỗi khóa học nghề từ 3-3,5 tháng).
Khi kết thúc khóa học, 100% các chị em được Trung tâm REACH giới thiệu và xin việc làm. Trong đó có 42 chị em tốt nghiệp làm đúng nghề với mức thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng. Đáng chú ý, tính đến nay, dự án đã hỗ trợ được 40 mô hình của 43 chị em với tổng tiền hỗ trợ là hơn 500 triệu đồng, trong đó hỗ trợ không hoàn lại là hơn 264 triệu đồng, cho vay không lãi suất cũng với số tiền như vậy. Theo báo cáo giám sát từ nhóm cán bộ dự án, đa số các mô hình được hỗ trợ đều đang kinh doanh ổn định, có lợi nhuận từ 4 đến 6 triệu/tháng.
Có được kết quả trên ông Thức cho biết, Dự án là đã huy động được sự tham gia của công an, chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm vào trong các hoạt động của dự án; thủ tục xin hỗ trợ đơn giản (không cần xác minh của chính quyền địa phương mà chỉ cần qua kênh của đồng đẳng hoặc đơn vị tổ chức liên quan, không bắt chị em bỏ hoạt động mại dâm khi tham gia và nhận hỗ trợ của dự án); không phân biệt, kỳ thị với người bán dâm…
“Với những người bán dâm họ vốn rất mặc cảm với bản thân. Chính vì vậy, quá trình tiếp cận chúng tôi luôn dựa trên tinh thần tôn trọng và công bằng. Do đó, những cán bộ tham gia dự án đều phải hiểu về nhu cầu và khó khăn của đối tượng để có những điều chỉnh linh hoạt về cách thức tư vấn, hỗ trợ, đào tạo kỹ năng sống và xây dựng các chương trình đào tào nghề thích hợp và hiệu quả” – ông Thức nói.
Nhiều trăn trở
Mặc dù việc triển khai đã đem lại những hiệu quả khá tích cực, song đại diện Sở LĐTB&XH Hà Nội thừa nhận, công tác giúp đỡ người bán dâm tại cộng đồng vẫn còn khá nhiều hạn chế. Đặc biệt, việc hỗ trợ tạo việc làm cho người bán dâm sau khi hoàn lương khó thực hiện. Theo quy định, người bán dâm có nhu cầu hỗ trợ việc làm phải là người bán dâm đã hoàn lương, có địa chỉ thường trú tại Hà Nội, có đơn xin hỗ trợ và được chính quyền địa phương xác nhận, với mức hỗ trợ học nghề 2 triệu đồng/người và tìm việc làm 1 triệu đồng/ người. Tuy nhiên trên thực tế mức hỗ trợ trên không đủ để học nghề và tạo việc làm, ổn định cuộc sống. Mặt khác, việc công khai danh tính gái bán dâm tại chính quyền địa phương khi lập hồ sơ vay vốn cũng là trở ngại lớn.
Thực tế cho thấy, nhiều phụ nữ và trẻ em gái từ những vùng quê khác nhau đến Hà Nội với hy vọng đổi đời, có thêm thu nhâp và nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhưng vì thiếu kỹ năng sống và có trình độ văn hoá hạn chế nên họ chỉ có thể tiếp cận tới những công việc thu nhập thấp và thường trong những điều kiện không an toàn, dễ bị lạm dụng. Điều này dẫn tới hệ quả nhiều người đã phải tham gia lao động tình dục. Khi đó cánh cửa để tái hòa nhập không hề đơn giản.
Đánh giá cao việc triển khai Dự án, tuy nhiên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, con số 409 nữ thanh niên bị bóc lột tình dục được hỗ trợ còn quá khiêm tốn. Nhất là khi tình hình mại dâm ở Hà Nội đang diễn biến hết hết sức phức tạp.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, không riêng gì Hà Nội mà ở các tỉnh thành vấn đề tái hòa nhập cho đối tượng này đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Bộ LĐTB&XH đang xây dựng chương trình hành động, phòng chống mại dâm giai đoạn 2016 -2020. Theo đó các chương trình can thiệp sẽ dựa trên quan điểm tiếp cận mới, bảo đảm sự bình đẳng, thúc đẩy việc đảm bảo quyền tiếp cận và sử dụng các dịch vụ an sinh xã hội, tạo cơ hội để người bán dâm thay đổi công việc…