Lê Duy Ứng vẽ bức tranh về Hồ Chủ tịch khi mắt bị hỏng do mảnh đạn găm vào. Đam mê không chưa đủ. Niềm tin không chưa đủ. Chắc rằng những đam mê và niềm tin đó phải thực sự bốc cháy.
Họa sĩ biết thổi sáo
Cuộc trò chuyện của tôi với họa sĩ thương binh - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Duy Ứng bắt đầu từ buổi gặp ở nhà vợ chồng họa sĩ Bằng Lâm và Mai San. Nhìn thấy cây sáo Mông trong túi của họa sĩ Lê Duy Ứng, tôi băn khoăn hỏi: “Chú biết thổi sáo ạ?”. Họa sĩ Lê Duy Ứng gật đầu quay sang hỏi vợ chồng họa sĩ Bằng Lâm, Mai San: “Mình thổi sáo luôn bây giờ hay trò chuyện tý nữa thổi?”. “Thổi luôn”, họa sĩ Bằng Lâm, Mai San cùng đáp. Thế là không ngại ngần, họa sĩ Lê Duy Ứng thay luôn trang phục áo Mông và đội mũ Mông vào…
“Chú biết thổi sáo từ khi còn là đứa trẻ chăn bò, chăn trâu ở quê bên dòng sông Nhật Lệ”, họa sĩ Lê Duy Ứng giải đáp câu hỏi của tôi. Cây sáo Mông này là của các chiến sĩ biên phòng Lào Cai tặng chú 4 năm trước.
Câu chuyện chưa “thấm tháp gì” nên sau khi dời nhà vợ chồng họa sĩ Bằng Lâm, Mai San, chúng tôi lên xe về nhà họa sĩ Lê Duy Ứng ở phố Đông Thiên, phường Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội để tiếp tục mạch chuyện.
Huyết họa - bức tranh vẽ bằng máu của họa sĩ Lê Duy Ứng chiều ngày 28/4/1975 tại căn cứ Nước Trong, trước cửa ngõ Sài Gòn bất ngờ đưa tên tuổi của Lê Duy Ứng được nhiều người biết tới. Một bức huyết họa giàu tính tư tưởng, chính trị.
Giữa thời khắc sinh tử, Lê Duy Ứng đã vẽ bức tranh với hình tượng Hồ Chủ tịch bằng máu.
Hình tượng Bác đi cùng chiến dịch
Lê Duy Ứng sinh năm 1947 tại quê hương làng Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông được thừa hưởng gen nghệ thuật từ người cha - họa sĩ, nhà báo Lê Yến. Lúc nhỏ lại được thầy Bùi Đình Sơn dạy vẽ. Lên lớp 4, Lê Duy Ứng đã có triển lãm tranh đầu tiên với chủ đề “Xấu nên tránh, tốt nên làm”.
Năm 1967, Lê Duy Ứng vào học Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội. Năm 1971, khi đang học năm thứ 3 thì Lê Duy Ứng viết đơn xung phong nhập ngũ vào chiến trường miền Nam.
Sau khi học một khóa huấn luyện trinh sát, Lê Duy Ứng về Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 101 của sư đoàn 325, quân đoàn 2. Lê Duy Ứng được giao nhiệm vụ làm Trợ lý văn hóa của trung đoàn. Ngoài những bức tranh về hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ, người lính họa sĩ Lê Duy Ứng còn nổi tiếng với bức tranh “Bác Hồ trên đỉnh Trường Sơn”.
Trước khi chuẩn bị đi chiến dịch năm 1972, Lê Duy Ứng được đơn vị giao thực hiện vẽ tranh khổ lớn về Hồ Chủ tịch để trưng bày tại Đại hội cán bộ toàn sư đoàn. Bức tranh thể hiện thần thái Hồ Chủ tịch rõ nét qua đôi mắt Bác như đang nhìn từng cán bộ, chiến sĩ đi làm nhiệm vụ giải phóng miền Nam.
Khi vào chiến trường Quảng Trị, Lê Duy Ứng thường xuyên vẽ chân dung Hồ Chủ tịch. Nhiều du kích và người dân Quảng Trị đều mong muốn có được một bức tranh chân dung Bác để thờ.
Giữa chiến trường túi bom đạn Quảng Trị, Lê Duy Ứng vinh dự được kết nạp Đảng.
Rồi đầu năm 1975, cục diện chiến trường thay đổi, thời cơ cách mạng đã đến. Lê Duy Ứng và đơn vị tiến vào giải phóng Huế. Trên chiếc xe GMC do đồng chí Thời - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 chỉ huy, Lê Duy Ứng vẽ và cho căng lên một bức tranh chân dung Hồ Chủ tịch khổ lớn của tờ crô-ki. Đồng bào hai bên đường ùa ra vẫy tay hoan hô…
Huyết họa - Biểu tượng của niềm tin
Một buổi trưa đầu tháng 4/1975, thiếu tướng Lê Linh - Chính ủy Quân đoàn 2 cho gọi Lê Duy Ứng tới và giao nhiệm vụ vẽ một bức tranh cổ động chuẩn bị cho chiến dịch Giải phóng miền Nam. Lê Duy Ứng được xem bức điện của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi Quân đoàn 2. Cuối bức điện nổi bật lên hàng chữ: “…Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới. Giải phóng hoàn toàn miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.
Sau một đêm suy nghĩ, Lê Duy Ứng đã vẽ bức tranh cổ động khổ lớn cao 1,5m, rộng 1,2 m. Trong tranh hình ảnh Bác Hồ giơ tay chỉ về phía trước. Phía trên, là máy bay, dưới là tàu hải quân, dưới đất là xe tăng, những bộ binh lao về phía trước theo tay Bác chỉ. Phần trên cùng bức tranh đề “Hành quân thần tốc”, phía dưới đề “Xốc tới lập công”. Bức tranh cổ động này cùng với bức tranh “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” được đặt trên chiếc xe chỉ huy.
Lê Duy Ứng nhớ mãi thời khắc cuộc họp của mũi cánh Đông tại rừng cao su Xuân Lộc do Trung tướng Lê Trọng Tấn chỉ huy. Các sư đoàn, các lữ đoàn, các trung đoàn đến nhận nhiệm vụ. Kế hoạch giải phóng Sài Gòn được Trung tướng Lê Trọng Tấn giao nhiệm vụ cho các mũi, các hướng. Sư đoàn 304 được giao nhiệm vụ đánh vào căn cứ Nước Trong, sau đó phát triển dọc theo xa lộ Biên Hòa tiến vào nội đô Sài Gòn. Phối thuộc cùng là Lữ đoàn tăng thiết giáp 203. Sư đoàn 325 được giao đánh vào Long Thành vượt phà Cát Lái tiến vào Sài Gòn… Khi đó, Lê Duy Ứng đang làm nhiệm vụ chụp ảnh để lưu lại phòng truyền thống Quân đoàn 2. Khi biết mũi 304 đánh vào nội đô như vậy, Lê Duy Ứng đã xin Thượng tá Lê Khả Phiêu - Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 2 được theo mũi của Lữ đoàn tăng thiếp giáp 203…
Lê Duy Ứng được chỉ định lên chiếc xe tăng 847. Leo lên xe, Lê Duy Ứng ngồi ngay sau tháp xe tăng, trước mặt là khẩu 12 ly 7 và Đại đội trưởng Đình. Bên cạnh là Trinh sát của sư đoàn 304.
Cuộc tấn công vào căn cứ Nước Trong, Biên Hòa, Đồng Nai, mục tiêu là Trường Sĩ quan thiết giáp ngụy. Lữ đoàn xe tăng 203 tấn công với sự phối hợp của E9, bộ binh Sư đoàn 304.
Lê Duy Ứng tận mắt chứng kiến cảnh chiến đấu anh hùng của quân đội ta và sự ngoan cố bắn trả của địch. Ông chụp ảnh, tốc ký vội những cảnh chiến tranh. Trong khi đang vẽ người lính xạ thủ mặt chữ điền, lông mày lưỡi mác, mắt quả trám đang mím chặt môi, mồ hôi đổ dòng dòng trên má, tay xiết cò súng nhả đạn vào công sự địch đang quạt đại liên vào bộ binh ta thì bất ngờ… rầm một tiếng. Sau cơn choáng váng, Lê Duy Ứng tỉnh lại. Cố nhìn mọi vật xung quanh không được, Lê Duy Ứng đưa tay lên mặt. Má ướt. Sờ tay lên mắt phải, Lê Duy Ứng thấy bê bết máu. Sờ sang mắt trái, thấy máu cũng đầm đìa. Biết mình bị thương hai mắt, đầu, ngực, Lê Duy Ứng kêu lên “Tôi bị thương rồi” nhưng không có trả lời. Đáp lại là tiếng bom đạn gầm rú xung quanh. Còn bên cạnh, người trinh sát đã hy sinh.
Lê Duy Ứng tỉnh táo lạ thường. Phải làm gì bây giờ? Nghĩ mình không sống nổi, Lê Duy Ứng quyết định phải làm một việc gì đó để lại cho mọi người. Trong khoảnh khắc đó, Lê Duy Ứng nhớ tới bức tranh vẽ bằng máu của họa sĩ Diệp Minh Châu. Và giờ đây, máu đang chảy tràn, Lê Duy Ứng quyết định vẽ chân dung Hồ Chủ tịch bằng máu…
Lê Duy Ứng trải tờ giấy crô-ki ra và vẽ. Đây là bức vẽ đầu tiên và ngay khi Lê Duy Ứng bị thương trên tháp xe tăng. Vẽ xong hình Hồ Chủ tịch, Lê Duy Ứng vẽ thêm cờ Tổ quốc, cờ Đảng ở phía trên. Bên dưới tranh, Lê Duy Ứng viết: “Ánh sáng niềm tin. Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân - Lê Duy Ứng”. Vẽ xong, Lê Duy Ứng gập bức tranh lại nhét vào túi áo ngực trái rồi lịm đi…
Năm 1990, tức là 15 năm sau ngày chiến thắng, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bức tranh được đưa từ Bảo tàng Quân đội về Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Ánh sáng
Trong khuôn viên của ngôi nhà bốn tầng ở phố Đông Thiên, Lê Duy Ứng dành tới ba tầng để trưng bày một số tác phẩm tranh, tượng của mình. Đó thực sự là một bảo tàng. Tại sao một thương binh nặng hỏng hai mắt lại có thể sáng tác được nhiều tượng đến thế? Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã tặng Lê Duy Ứng danh hiệu họa sĩ thương binh nặng 1/4 có nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc nhất.
Tháng 6/1975, Lê Duy Ứng được đưa về Viện 108 điều trị. GS, bác sĩ Đào Xuân Trà- Phó Viện trưởng kiêm Trưởng khoa Mắt - Viện Quân y 108 thấy Lê Duy Ứng buồn bã ngồi trên ghế đá, ông đã đến khuyên: “Mình biết là họa sĩ mà lại bị hỏng mắt, Ứng sẽ rất buồn. Nhưng mình sang Liên Xô, thấy có một người mù nặn tượng đẹp lắm, hay là Ứng thử chuyển sang điêu khắc xem sao”. Lời khuyên như một luồng sáng thắp lên…
Tính đến nay, Lê Duy Ứng đã có 45 cuộc triển lãm về tranh tượng trên cả 3 miền đất nước và ở nước ngoài. Giành được 9 giải thưởng mỹ thuật trong nước và quốc tế. Năm 2013, Lê Duy Ứng được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Khi được báo tin, Lê Duy Ứng xúc động bồi hồi, và trong tâm khảm bật ra bài thơ, 4 câu mở đầu là: “Hay tin danh hiệu Anh hùng/ Lặng đi khoảnh khắc tưởng dừng nhịp tim/ Biết bao đồng đội hy sinh/ Để vun thành tích cho mình hôm nay...”.
Một số tác phẩm điêu khắc của họa sĩ Lê Duy Ứng: