Văn hóa

Họa sĩ Đỗ Đức - người hướng hội họa đến ‘non nước biên thùy’

NGỌC ANH 08/09/2024 11:24

Triển lãm mỹ thuật “Non nước biên thùy” của hoạ sĩ Đỗ Đức sẽ diễn ra từ 11/9-15/9/2024 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ 7 của ông ở Hà Nội, sau triển lãm “Ngựa trên núi” cách đây đúng 10 năm.

đỗ đức 1

“… Bức tranh bản Tìa Cu Sì (bãi phân dê) tôi đã đi ngược thời gian để hiểu gốc gác, đó là đất của người Lô Lô sống và chăn nuôi dê. Khi vẽ, tôi gắng tái tạo lại không gian hoang sơ trầm mặc của vùng đất thời mới hình thành.
Một cách nhìn hướng về dân tộc học, dù vẫn là tác phẩm hội họa chứ không phải làm tiêu bản cho nghiên cứu khoa học, nhưng cái hồn cốt của mảnh đất có lịch sử con người khai phá thì ta biết càng nhiều càng tốt, và vì thế tác phẩm có tiếng nói nhân bản về vùng đất đó sâu sắc hơn…”

HOẠ SĨ ĐỖ ĐỨC

Triển lãm sẽ trưng bày hơn 50 tranh sơn dầu về chân dung đất nước, thông qua hình ảnh con người và cảnh vật vùng biên viễn phía Bắc của Tổ quốc. Cùng với triển lãm, hoạ sĩ Đỗ Đức cũng sẽ giới thiệu cuốn sách tranh sơn dầu cùng tên “Non nước biên thuỳ”, vừa được NXB Mỹ Thuật ấn hành, giới thiệu khoảng 200 tác phẩm sơn dầu mà họa sĩ Đỗ Đức đã sáng tác trong suốt 20 năm qua. Sách dày 124 trang.

Sinh năm 1945, họa sĩ Đỗ Đức tốt nghiệp khoa Mỹ thuật Trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc năm 1970. Năm 1980, ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội với bài thi tốt nghiệp tranh khắc gỗ “Chợ vùng cao”. Tác phẩm này đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đưa vào bộ sưu tập tranh khắc gỗ.

Đặc biệt, ngoài các tác phẩm hội họa được các nhà sưu tập tư nhân trong và ngoài nước đánh giá cao, Đỗ Đức còn có 14 tác phẩm được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập và 15 tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Thái Nguyên. Tất cả tác phẩm này đều được ông vẽ về đề tài đời sống và văn hóa, trang phục của đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam.

Hoạ sĩ Đỗ Đức còn là 1 nhà nghiên cứu phong tục văn hoá, tập quán. Ông có nhiều quyển sách rất thú vị như “Trang phục và nét văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam”, “Hà Nội đây chứ đâu”... Ông cũng đã xuất bản nhiều tập sách trong đó có các công trình nghiên cứu về mỹ thuật như "Nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam hiện đại", "Tranh khắc gỗ Việt Nam", "Mỹ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam", "Nhiếp ảnh các dân tộc thiểu số Việt Nam"...

Nói về nhân duyên gắn bó với vùng văn hoá miền biên cương phía Bắc, hoạ sĩ Đỗ Đức tự bạch: “Năm 1973 lần đầu lên Hà Giang, tôi đi mấy huyện vùng cao Đồng Văn, Quản Bạ chỉ 23 ngày, và sau đó, cả vùng biên viễn ấy theo tôi suốt cuộc đời làm nghệ thuật. Tôi đã đến với miền biên cương phía Bắc như một nhân duyên thế đấy!”

Thế rồi nhiều năm điền dã trên núi, từ Tây Bắc đến Việt Bắc, Đông Bắc, tìm hiểu và chia sẻ với đời sống các sắc tộc thiểu số, ông nhận ra thêm nhiều giá trị nhân văn kết nối giữa thiên nhiên với con người. “Những tác động qua lại với góc nhìn nhiều phía giúp tôi khi vẽ thấy được dần chiều sâu của mối quan hệ đó. Ấy là sự gắn kết lịch sử giữa con người với vùng đất và giúp tôi tái tạo lại không gian thủa mới hình thành. Tôi thấy giữa rừng xanh, người dân nhận được sự chia sẻ từ sông nước, cỏ cây, núi và đá mật thiết với nhau như thế nào.” - Hoạ sĩ Đỗ Đức tâm sự.

đỗ đức 2

Tác phẩm Huyền thoại Khau Vai được hình thành khi hoạ sĩ ngồi bên nương đá, quan sát thiên nhiên hùng vĩ. Đó là “những mối tình hóa đá” trong ngày 27 tháng 3 Âm lịch hàng năm thành chợ Khau Vai, mà ngày nay quen gọi là “chợ tình”.

Những tranh ông vẽ về vùng biên cương của tổ quốc, dù chỉ là chủ đề phong cảnh hay đời sống sinh hoạt, nhưng dần dần các tác phẩm đã vượt qua giới hạn là những bức tranh phong cảnh.

Đó là nhận xét của cố họa sĩ Anh Thường trong một lần đến xem tranh. Hoạ sĩ Đỗ Đức kể cố hoạ sĩ Anh Thường đã bảo: “Là phong cảnh, nhưng nó đã trở thành chân dung đất nước, gương mặt đất nước cậu ạ!. Bởi nhìn tranh mà muốn bước vào chơi, thấy được làng bản, núi rừng như đang chứa đầy sức sống của con người. Ở những góc khuất, khoảng ngoặt, người ta đều thấy có con người đang tồn tại trong đó, đang nương náu và kiếm sống. Xem tranh người ta thấy các sắc dân đã hình thành giá trị phên dậu của tổ quốc...”.

Lời nhận xét của bậc hoạ sĩ đàn anh đi trước đã trở thành lời động viên khích lệ. “Tôi thật bất ngờ với nhận xét của ông. Sự phát hiện khách quan của bậc huynh trưởng khiến tôi phấn khích, nâng đỡ cảm xúc trong sáng tác, khiến tôi thêm yêu rừng, yêu núi, yêu đồng bào mình hơn, và thêm tự tin hơn trong sáng tác. Rồi từng bước, từng bước, hội họa của tôi luôn hướng về phía đó, nơi non nước biên thuỳ.” - Hoạ sĩ Đỗ Đức chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Họa sĩ Đỗ Đức - người hướng hội họa đến ‘non nước biên thùy’