Tác phẩm “Dòng chảy” của họa sĩ Lương Lưu Biên đã mô tả khung cảnh những con người buồn khổ đeo khẩu trang ngay trước một tháng khi đại dịch xuất hiện.
Triển lãm “Bầy cô đơn” với 12 tác phẩm tranh vẽ trong 2 năm của anh vừa được trưng bày triển lãm tại TP HCM vào ngày 17/7, thì thông tin các ca nhiễm Covid-19 liên quan đến Đà Nẵng cũng tràn ngập…
Theo họa sĩ Lương Lưu Biên, đại dịch Covid-19 diễn ra ngay giữa thời gian đang triển lãm cũng làm mọi người ngại đến xem tranh. Cũng may, do chưa phải giãn cách quá nghiêm ngặt và những người thật sự quan tâm vẫn đến xem. Những ngày sau buổi khai mạc, gallery thường vắng người. Ở không gian vắng như vậy, họa sĩ Lương Lưu Biên cho rằng việc xem tranh sẽ thú vị hơn: “Một mình giữa bầy người cô đơn sẽ là một cảm xúc trọn vẹn với chủ đề.
Tiếp nữa, sự ngẫu nhiên trùng hợp của dịch bệnh như một phong nền lớn cho triển lãm, nó như một ngữ cảnh thực tế phù hợp để người xem có sự đối chiếu, chiêm nghiệm với hiện thực. Trong dịch bệnh con người buộc phải tự cách giãn nhau ra, cả khoảng cách vật lý và tinh thần, họ cũng có thời gian để nhìn nhận lại bản thân và xem xét các mối quan hệ xã hội. Cũng là một trùng hợp thú vị khi mình vẽ một bức ngụ ý về môi trường với những người đeo khẩu trang hoàn thành trước đợt dịch đầu tiên khoảng một tháng, sau đó thì mình nhận thấy thực tế xung quanh mọi người đều đeo đầy khẩu trang giống như vậy”.
Từ suy nghĩ ấy, trong cái nhìn lạc quan, họa sĩ thấy: dịch bệnh với riêng triển lãm lại có ảnh hưởng tốt. Ít nhiều nó cũng làm mọi người có một tâm thế phù hợp hơn để xem cuộc triển lãm.
Do anh sống và chấp hành các quy tắc ứng xử cộng đồng trong dịch bệnh. Và cũng như nhiều hoạ sĩ chủ yếu làm việc độc lập, ít tiếp xúc đám đông nên nếu có giãn cách xã hội thì cũng không ảnh hưởng gì nhiều.
Tuy nhiên, dịch bệnh lại làm họa sĩ Lương Lưu Biên suy tư hơn về tình trạng con người và cách họ cùng nhau tồn tại: “Sự phát triển của tiện nghi sống có đồng hành cùng sự tinh tấn trong tâm hồn mỗi người không, tốc độ của phát triển xã hội quá nhanh với những giá trị và tiêu chuẩn sống hiện đại có làm người ta đánh mất mình không? Trong một tập thể lớn, người ta có đủ sức đề kháng với những con virus tư tưởng tương tự như virus gây ra Covid-19 không?
Dịch bệnh đang gây khó khăn cho rất nhiều người. Trước hết, tôi lo lắng cho những người lao động, các y bác sĩ tuyến đầu chiến đấu với dịch bệnh, họ cần nhiều chia sẻ và quan tâm để vượt qua. Đây chắc chắn là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử văn minh nhân loại, nhiều ngươi tin rằng nó sẽ làm thay đổi cách con người sống, cách họ ứng xử với tự nhiên và với nhau. Những thứ tôi vẽ cũng là một sự cố gắng thấu cảm với những thân phận cô đơn, yếu đuối luôn mong cầu hạnh phúc và bình an trước cuộc đời này. Với tôi, vẽ đã là phương cách để cân bằng cảm xúc tinh thần”.
Với họa sĩ Lương Lưu Biên, một cách nào đó, kể cả khi không có dịch bệnh, một cá nhân luôn thể hiện mình trước đám đông với một mặt nạ phù hợp: “Nó là cách ứng xử bắt buộc do những quy tắc pháp luật rõ ràng hoặc quy tắc văn hoá bất thành văn. Điều này vừa có lợi cho sự chung sống hài hoà vừa bất lợi cho sự trung thực của tự do cá nhân. Còn tôi lại cảm thấy hạnh phúc khi được làm việc một mình”.
“Thực tại luôn là phóng chiếu từ tâm tưởng của riêng mỗi người, đó cũng chính là sự cô đơn. Có rất nhiều thực tại, mỗi người thấy điều mình muốn thấy và tìm ra cái mình cần tìm. Mỗi một cách vẽ trong muôn vàn cách vẽ của các họa sĩ cũng đều là mô phỏng hiện thực, chúng khác nhau chỉ vì hiện thực của mỗi người khác nhau. Ở đó, họ sẽ tìm thấy sự cân bằng và mức độ hài lòng nào đó. Mình nghĩ những người điên là những người vì lý do nào đó có một thực tại bị lệch cái thực tại họ mong muốn. Không phải là bất mãn hay hài lòng với hiện thực ta đang có, mà ai cũng nên mở rộng và tìm kiếm những tầng mức thực tại sâu hơn đến một mức độ chân thật nhất có thể. Và việc khai mở đó, theo tôi, chỉ có thể là sự vận động tự thân, một mình với cô đơn”.