Họa sĩ Mai Hương: Nhốt sắc màu trong những khối hình vuông

Y Ban 22/06/2020 15:55

Ngày còn ở phố Tân Ấp, căn nhà càng nhỏ hơn vì khối gia tài khổng lồ của chủ nhân, họa sĩ Mai Hương, chồng là một bác sĩ yêu hội họa Mạnh Hùng và cô con gái tiếp nối truyền thống hội họa đang sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội.

Căn nhà nhỏ đầy ắp, một nửa là những kỷ niệm của những chuyến đi, một nửa là tranh và màu vẽ. Tất cả đều toát lên một năng lượng dư thừa đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng nghỉ. Có lẽ vật duy nhất nằm im thâm trầm như một sự phân chia, giữa sự lao động nghệ thuật và những kỷ vật đã được chủ nhân mang về với ý đồ rõ rệt, rằng chúng sẽ kẻ dự phần trong các bức tranh tương lai, đó là cây đàn piano. Để cho những bức tranh của mình mang hơi thở cuộc sống đương đại mỗi lần đi thực tế họa sĩ Mai Hương thường mua về một thứ nào đó, ví như khi đi Vạn Phúc để ngắm những người đàn bà ngồi dệt lụa chị đã mua về một nắm sợi tơ, để khi vẽ bức tranh có tên là Tơ, chị đã gắn nắm sợi tơ đó lên tranh. Khi vẽ về biển chị gắn con sò hoặc mảnh lưới. Khi vẽ về hội làng chị gắn một mảnh họa tiết bằng đồng..

Hai người đàn bà “đồ sộ”ngồi nép vào một góc phòng trên những chiếc ghế nhỏ xinh. Mai Hương pha trà và mang kẹo sô cô la mời bạn. Chúng tôi huyên thuyên đủ chuyện. Đột nhiên Mai Hương hỏi tôi:

- Em đang vẽ một bức tranh với cái tựa là “Trăng xanh” mà vẽ nửa chừng thì tắc chị ạ.

- Trăng xanh là lần trăng tròn thứ hai trong một tháng, theo truyền thuyết mỗi khi có trăng xanh xuất hiện thì những người sói cũng xuất hiện. Những người sói tru lên từng hồi vì một tình yêu lầm lạc mà con người bị biến thành sói. Chúng lao vào cắn xé nhau, từng mảng thịt vung vãi, máu bắn cả lên mặt trăng để biến trăng xanh dịu dàng đẹp đẽ nhường kia thành trăng máu…

Tôi tự bịa ra một truyền thuyết về trăng xanh để kể cho Mai Hương.

- Dừng lại chị, không phải nói thêm gì nữa nhé. Chị cứ ngồi yên như thế nhé em sẽ vẽ chân dung của chị.

Mai Hương bày ra sàn những hộp màu, đưa toan trắng vào giá vẽ. Và cuối cùng lấy một chiếc băng để băng cổ tay. Cổ tay Mai Hương đã bị đau từ nhiều tháng, chữa trị mãi chưa khỏi. Nhát cọ đầu tiên vào lúc 5 giờ chiều. Lần đầu tôi ngồi làm mẫu, cứ chốc lại ngọ nguậy. Gần 10 giờ tối thì Mai Hương ký tên mình vào góc bức tranh. Tôi cảm nhận rất rõ sự hao tổn năng lượng của người họa sĩ, còn tôi thì quá phấn chấn vì được một bức chân dung đẹp.

Vài hôm sau Mai Hương gọi điện thoại cho tôi:

- Em đã hoàn thành xong bức “Trăng xanh”, rảnh chị đến ngắm nhé.

Khổ tranh vuông đã thành thương hiệu của họa sĩ Mai Hương. Mai Hương thường chọn khích thước 100x100cm cho những bức họa tâm huyết của mình. Khi chiêm ngưỡng bức “Trăng xanh” tôi hơi bị ám bởi câu chuyện tôi đã bịa ra để kể cho Mai Hương. Tôi cố gắng tìm một vệt màu đỏ. Không có một chút đỏ nào cả, vẫn là màu của ánh trăng như thủa hồng hoang đẹp tinh khôi và điên dại. Cả sự tinh khôi và điên dại ấy mấy mắt người trần nhận ra? Chính điều ấy đã khiến cho người họa sỹ luôn là kẻ cô độc.

Họa sĩ Mai Hương theo trường phái trừu tượng và tranh của cô kén người xem, điều đó không ảnh hưởng đến tâm thế sáng tác của cô. Bản lĩnh nghệ sỹ được tôi luyện trong một gia đình có gen sáng tạo nghệ thuật, vừa được truyền cảm hứng vừa được dạy dỗ bài bản. Cha cô,họa sĩ Nguyễn Thủy Tuân, hậu duệ đời thứ 30 của vua Lý Thái Tổ, từ một thầy giáo dạy toán đam mê với hội họa mà bỏ nghề. Ông đã đoạt nhiều giải thưởng về đồ họa. Ông truyền lửa đam mê cho các con, ba trong sáu người con của ông là họa sĩ. Người con rể, bác sĩ-là chồng của Mai Hương cũng từng là học trò của ông.

Mai Hương thành danh rất sớm, ngay từ tuổi 20 cô đã đoạt giải nhì trong một cuộc thi vẽ tại Ba Lan nhưng để nuôi ước mơ sáng tạo cô làm họa sĩ thiết kế của NXB Thanh Niên để có lương hàng tháng nuôi mình, nuôi con, nuôi vẽ..

Mai Hương đi nhiều, cô đi khắp các vùng miền của đất nước. Khi xuống biển cô mang về vỏ ốc vỏ sò và những mảnh lưới biển. Khi lên núi cô mang về những hòn đá,lên rừng mang về mảnh khăn piêu… Cô kể có lần đi vẽ vùng cao, cùng uống rượu cần và nhảy múa với đồng bào dân tộc cô đã cảm nhận được những hồn cốt nơi núi thẳm rừng sâu cũng đang vui múa bên ánh lửa bập bùng. Một lần đến nghĩa trang Trường Sơn linh hồn người lính trẻ đã theo cô về. Những mảnh hồn đó được cô đưa vào các bức tranh khiến chúng sống động vô cùng nên khi xem tranh của Mai Hương ta không thể lướt qua mà phải ngắm thật kỹ ta sẽ thấy những sóng những vỉa và cả mạch nước nhỏ li ti…

Bây giờ thì họa sĩ Mai Hương khá bận rộn vì thế cái sự rảnh của chúng tôi không nhiều, quán cà phê góc phố là nơi chúng tôi hẹn hò. Thường thì sau những chuyến đi triển lãm và làm việc ở nước ngoài về, tôi được uống trà và ăn kẹo mừng.

Mai Hương đoạt 2 giải xuất sắc tại triển lãm Mỹ thuật Quốc tế lần thứ 20 (2013) tổ chức tại Hàn Quốc với tác phẩm mang tên “Tơ” trên chất liệu Acylic ( 2013) và đoạt giải xuất sắc nhất với tác phẩm “Dòng chảy” lần thứ 24 (2017). Trước đó năm 2012 Mai Hương đã giành Huy chương Vàng danh dự và giấy chứng nhận Đại sứ Mỹ thuật Việt Nam tại Liên hoan Mỹ thuật Quốc tế tổ chức tại Hàn Quốc với sự tham gia của 84 họa sĩ đến từ nhiều nơi trên thế giới. Năm 2015 Mai Hương tham gia triển lãm tranh quốc tế lần thứ 6 tại Bắc Kinh. Năm 2016, Mai Hương tham gia Olympia Mỹ thuật và hội nghị chuyên đề ở Ấn Độ…

Tháng 11/2019, Triển lãm trao đổi ART quốc tế lần thứ 19 (Nhật Bản), Trung tâm nghệ thuật quốc gia, Tokyo, Nhật Bản. 9/2019 Triển lãm quốc tế về nghệ thuật thị giác EUROAMERICANA 2019 Cusco – Peru. 7/2019 Ủy ban triển lãm của MEADOWS ngo trong Hội chợ Nghệ thuật Ả Rập The Internationa...

Đến một ngày tôi cho phép mình rảnh lâu lâu để đến ngắm tranh của Mai Hương vì tôi sợ mình sẽ không được ngắm trực tiếp những bức tranh của chị khi tới tấp khách nước ngoài đến mua hết. Cái chòi xinh xắn đã được xây lên từ năm ngoái để khách có thể ngắm tranh trong một không gian riêng biệt. Òa, lại có vẻ như quá tải rồi. Cả một kho tàng tranh khổ vuông trên chất liệu acylic với phong cách trìu tượng rất Mai Hương. Những nét vẽ phóng khoáng như thu hết cả không gian vào trong cái khối vuông bằng những gam màu của tự nhiên. Dường như cô không muốn trộn lẫn các sắc màu. Những bức tranh tỏa ra rất nhiều năng lượng như một cuộc sống vô cùng sôi động. Kể cũng lạ, các cụ có câu, người làm sao của hao hao như thế, ngoài cuộc sống Mai Hương sống bình dị, hồn nhiên không ganh đua. Vậy mà những bức tranh của cô thì dậy sóng

Tôi chợt nhớ có lần Mai Hương nói với tôi:

- Em đang vẽ trên giấy dó, lạ lắm.

Tôi ngỏ ý muốn xem.

Mai Hương lật cho tôi xem từng bức tranh giấy dó. Vẫn là những gam màu nguyên bản của tự nhiên nhưng phong cách khác hẳn những bức tranh khổ vuông trên chất liệu acylic kia. Đẹp, khác và gần gũi. Trong trí óc tôi hiện lên ba từ đó, chấm hết vì tôi không phải là một nhà phê bình hội họa.

- Tuần trước có một bà khách người Mỹ đến xem tranh của em, bà ấy đặt mua một lúc 9 bức giấy dó.

Hôm kia lại có ông người Anh đến mua 4 bức. Em không muốn bán những bức tranh này đâu nhưng phải lấy ngắn nuôi dài chị ạ. Bây giờ em sẽ không bán nữa, tiếc lắm.

Có một người khách trẻ đến xem tranh. Cô là một kiến trúc sư vừa tu nghiệp ở nước ngoài về.

- Em được bạn em giới thiệu đến để xem ạ. Em muốn xem những bức tranh giấy dó ạ.

Họa sĩ Mai Hương bê tập tranh giấy dó ra cho cô khách trẻ. Tôi quan sát vẻ mặt của cô bé. Những sự hớn hở kìm nén không cho phép bung ra trên gương mặt, chắc cô nàng đã tu nghiệp nhiều năm ở trời tây nên đã học cách không phô bày sự hồn nhiên như người ta. Hai tay cô bé chắp trước ngực và nó đang xoắn vào nhau.

- Chị, em xin phép được nói ạ.

- Em cứ tự nhiên nhé.

- Chị có biết những bức tranh trên giấy dó của chị có thể làm họa tiết cho những bộ sưu tập thời trang thế giới được không? Có cách gì để quảng bá với Gucci, Chanel... Em nghĩ rằng nếu những bức tranh của chị mà được đến tay của họ thì từ giờ đến cuối đời chị chỉ đi bằng máy bay trực thăng không?

Tôi và họa sĩ Mai Hương cứ ngẩn người ra để nghe cô bé thuyết giảng. Cô bé về rồi còn lại hai chị em ngồi phệt xuống sàn để ngắm bức tranh có tên Linh Ứng. Trên bức tranh đó là ba mô dun như một sự sắp đặt thần thánh trong một ngôi chùa. Hay chính là bệ thờ linh thiêng trong trái tim của người nghệ sỹ ứng với các sắc màu? Mai Hương nói với tôi:

- Bức này có người trả em 10.000 đô la em chưa bán đâu chị ạ. Em phải đợi triển lãm xong đã.

- Chị này, em cứ lâng lâng về lời nhận xét của cô bé kia quá cơ. Vẫn biết mình đứng ở đâu trên trái đất này nhưng nghe những lời có cánh đó vẫn thấy thích thật.

Mai Hương là thế, người đàn bà làm xiếc với những sắc màu nhưng sống lại rất chân thành ngay thẳng với cảm xúc của chính mình.

Bây giờ Mai Hương đã chuyển qua một căn hộ rộng gần 140 mét vuông nhưng sự quá tải thì vẫn thế. Những bức tranh và những hộp màu đầy ắp căn nhà. Cổ tay đau đã chữa khỏi nên những bức tranh lại nối tiếp nhau ra đời trong sự sáng tạo không ngừng của họa sĩ Mai Hương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Họa sĩ Mai Hương: Nhốt sắc màu trong những khối hình vuông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO