Họa sĩ Nam Thành Trung (sinh năm 1982), tốt nghiệp tại Đại học Nghệ thuật Huế, sau đó anh lấy bằng Thạc sĩ Nghệ thuật Thị giác tại Đại học Maha Sarakham, Thái Lan.
Anh đã tham gia nhiều triển lãm trong và ngoài nước và sáng lập điều hành các không gian nghệ thuật mở, dự án cho các nghệ sĩ trẻ Huế như “Nam eye Workshop”, “Secret Studio”, “Indoink Workshop”…
“Xuất phát điểm ở một ngành học về thiết kế, nhưng với tần suất va chạm, tiếp cận với ngôn ngữ hội họa khá cao, đặc biệt là chất liệu sơn mài đã kích mở và kéo mình đi theo con đường làm nghệ thuật đến tận giờ. Cũng có thể nói là hội họa đã chọn tôi!”.
Con người, cuộc sống đương đại, những sắc thái đầy biến động là đề tài trong sáng tác của Nam Thành Trung.
Để đi được trên hành trình của mình và không bỏ cuộc, anh đã vượt qua những khó khăn nào?
- Một trong những khó khăn mà có lẽ ai cũng gặp phải, đó là cảm xúc! "Cảm xúc là kẻ thù của thành công!" Câu này quả không sai khi mà khó khăn bủa vây người làm nghệ thuật, ngoài chuyện cơm áo gạo tiền thì cảm xúc cũng là một thứ đối trọng đáng kể trong quỹ đạo đó. Không ai có thể dễ dàng trải qua, vượt qua những khó khăn trong chặng đường làm nghệ thuật của mình mà không trầy vi tróc vảy! Song mỗi người với bản lĩnh và đam mê của mình đều có mỗi cách khác nhau để vượt qua. Tôi thì chọn cách lấy lại cân bằng qua sự tạm tìm đến một công việc khác để làm trong một khoảng thời gian. Việc mượn môi trường khác đó giúp cho tôi thăng bằng trong cách nghĩ, để tự chiêm nghiệm, và cũng là ủ lại đam mê trong thời gian tạm rời xưởng vẽ.
Dường như cuộc đời của anh thực sự thay đổi khi anh không còn “một mình”, bắt đầu khi có con trai?
- Đó là những ngày không còn "ngang tàng" mà tĩnh hơn, điềm đạm hơn, chậm hơn, mà bằng chứng là những sáng tác ít còn ở trạng thái gai góc, bạo liệt... Tất nhiên, ở trong những câu chuyện, ý niệm mới sau đó vẫn không dễ lẫn được với cái khác, người ta vẫn "đọc" được tranh-của-Trung.
Cháu đã mang đến cho anh những gì? Và dường như anh tận tụy với việc làm cha nhiều hơn là bên giá vẽ?
- Sự có mặt của con trai đối với tôi là điều tuyệt vời trong cuộc sống, một cảm xúc, một năng lượng đủ mạnh để làm bất cứ việc gì.
Tôi xem việc chăm sóc con cũng như việc làm nghệ thuật, thế nên được song song vừa làm cha vừa làm nghệ thuật, và tự nhiên tôi được lợi khi tự có thêm được một sự cân bằng mới khi ở studio luôn có cậu nhóc bi bô làm kim chỉ nam. Tâm hồn con trẻ đều đặn bước vào mạch nghĩ của tôi!
Khi còn trẻ thì anh sống đơn giản, nhẹ nhõm mà cũng bất cần, nhưng khi có con, anh lựa chọn cho mình lối sống, suy nghĩ khác?
- Có tiết chế, nghĩa là cái "trẻ" có giảm đi chứ không hề khác đi mấy, khi ở đó vẫn luôn dễ bắt gặp một con người với cách sống, cách vẽ, cách viết với đặc trưng cũ! Tất nhiên lúc này suy nghĩ của tôi trở nên điềm đạm hơn, ứng biến với thời cuộc cũng tĩnh hơn!
Đây là thời gian khó khăn với những người làm nghệ thuật ở Huế ra sao?
- Dịch bệnh bao trùm, nghệ sĩ cũng không nằm ngoài vòng xoáy khó khăn. Người kinh doanh về nghệ thuật với các loại hình như gallery, không gian mở... thì gần như phải đóng cửa dài, nghệ sĩ cũng khó hơn trong việc tiếp cận thị trường, thu nhập bấp bênh, đời sống khó khăn khiến chuyện làm nghệ thuật cũng chập chờn...
Quan trọng hơn hết là trong bối cảnh dịch bệnh buộc phải ban bố lệnh giãn cách,việc không còn được cảm nhận hơi thở thường nhật của mỹ thuật qua những triển lãm,trưng bày, được va chạm vật lý là một thiệt thòi quá lớn ảnh hưởng đến đời sống nghệ thuật của những ai đang hoạt động.
Anh làm thế nào để vượt qua những bất lợi khi dịch bệnh xảy ra?
- Đây cũng là thời điểm mà tôi có được không gian yên tĩnh nhiều hơn, dành cho sách, hoặc ghi chép... Bằng cách này hay cách khác, miễn là cứ lao động để dung hoà bớt sự ngột ngạt của những ngày dịch bệnh.
Trong thời gian này, anh cũng đang thay đổi phong cách vẽ của mình ra sao?
- Thực ra thay đổi thì chưa hẳn, mà là có thêm! Ở những tác phẩm gần đây, cái thêm được hiểu là có sự tinh lọc hơn, trau chuốt hơn, tìm tòi, nghĩ ngợi nhiều hơn trên tinh thần vẫn là những mảng nét sơn mài quen thuộc.
Vì sao anh bắt đầu vẽ về tính thiền trong cuộc sống?
- Đó là một sự xa xỉ trong cách nghĩ của tôi trước đây. Tôi cho rằng đó là một đề tài khó, khi bản thân chưa đủ cảm, nên vẫn chỉ dừng lại ở một vài bản thảo để dành. Trong một lần thực tế sáng tác ở cố đô Ayuthaya, Thái Lan, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những pho tượng Phật xưa, đặc biệt là những cái bị khuyết đi phần nào, như đầu, tay, chân... Nhiều cuộc chiến trong quá khứ khiến tôi bị kéo lại với một cảm xúc đầy ám ảnh. Sau đó đã có những tác phẩm sơn mài như một đối thoại với văn hoá bản địa ngay trong triển lãm báo cáo. Sau lần đó, tôi tạm gác lại đề tài này. Nhưng cơ duyên lại thêm lần nữa khi mà một nơi tiếp theo, tôi được sống và làm việc ở Huế, lại có sự hiện diện của một không gian đầy chất thiền, mà đáng nói là hiện diện trong không gian đó lại có một bức tượng nằm trong câu chuyện của tôi nhiều năm trước.
Ban đầu chỉ là những ghi chép, phác vẽ, rồi dần dà như bị cuốn vào, bị lôi cuốn bởi tạo hình, sự sâu sắc trong tinh thần của Phật, và khi chạm vào triết lý đầy nhân văn của tinh thần đó, gần như thấy được sự tương đồng phần nào với ngôn ngữ hội họa của mình, khai mở, rung cảm nhiều hơn, tìm thấy sẻ chia nhiều hơn, và quan trọng nhất là cảm nhận được mình như đang tiếp cận gần hơn với thiền.
Những khó khăn mà anh đã trải qua, đã làm thay đổi tinh thần và suy nghĩ của anh?
- Trải nghiệm,vốn sống luôn là điều đáng giá, nhất là đối với người làm nghệ thuật. Và sau tất cả, những khó khăn khi được chuyển hóa thành năng lượng tích cực giúp tôi đứng vững hơn, giúp tôi nhìn thấy mình rõ hơn
Dự định của anh về nghệ thuật sau những ngày giãn cách vì dịch bệnh?
- Sẽ tiếp tục hoạt động sáng tác cho những dự án còn dở dang. Đồng thời chuẩn bị cho không gian nghệ thuật mở đang bị gián đoạn bởi dịch bệnh tái hòa nhập với đời sống,tiếp tục là điểm đến cho cộng đồng yêu nghệ thuật ở Huế.
Xin cảm ơn anh!