“Mỗi lễ hội đình làng đều theo đặc thù của từng làng nên có rất nhiều nội dung khác nhau”, hoạ sĩ Nguyễn Quốc Thắng tâm sự “Như lễ hội rước nước của làng Cự Đà hay lễ hội dâng hương chung của các làng nghề truyền thống”.
Cự Đà, nơi mà hoạ sĩ Nguyễn Quốc Thắng cùng vợ là hoạ sĩ Nguyễn Bình Nhi và con trai đang chọn là nơi sinh sống, cũng là nơi gợi nhiều cảm hứng cho sáng tác, là ngôi làng cổ nổi tiếng của Hà Nội với khoảng 400 năm tuổi. Ở đây, vẫn còn lưu giữ những ngôi nhà cổ vẹn nguyên lối kiến trúc Việt vùng Đồng bằng Bắc Bộ nằm bên bờ sông Nhuệ, và cũng là làng nghề làm miến và tương truyền thống.
Cuộc sống diễn ra thường nhật ở làng Cự Đà, có những nét tương đồng với tuổi thơ của hoạ sĩ Nguyễn Quốc Thắng. Những ký ức trôi qua đầy sắc màu yên bình và trò chơi tuổi thơ, từ những ngày hè đi dãi nắng bắt ve, bọ xít, tắm sông, lang thang qua bến phà để câu tôm câu cá… Đến các trò chơi với cả hội con gái như nhẩy dây, chơi bóng chuyền, làm đèn trung thu bằng ống bơ, làm mặt nạ bằng bìa, rồi tự vẽ những bộ mặt gớm ghiếc cho riêng mình.
Trước khi đi vào con đường mỹ thuật chuyên nghiệp, hoạ sĩ Nguyễn Quốc Thắng, với bản tính ngang tàng, không chịu được sự gò bó, thường phản ứng mạnh khi cảm thấy bản thân đang bị ép vào khuôn phép. Khi luyện thi, thầy của anh sớm nhận thấy những yếu điểm này, vì vậy, anh vào học tại Khoa Đồ hoạ truyền thống, Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Đồ hoạ truyền thống theo hoạ sĩ Nguyễn Quốc Thắng, có phương pháp luyện khác với hội hoạ. Ngành này buộc hoạ sĩ phải rèn cho mình kiểu cách, chuẩn chỉ về mảng, nét, bố cục, với nhịp điệu, màu sắc chuyển đậm nhạt.
Hơn 50 tác phẩm được trưng bày trong triển lãm “Về” - triển lãm cá nhân lần thứ hai của hoạ sĩ Nguyễn Quốc Thắng vừa diễn ra, được vẽ chung trên một chất liệu: bột màu báo cũ. 50 tác phẩm cùng hoà chung với nhịp điệu hình ảnh về những mái nhà, khung cảnh, các trò chơi dân gian, lễ hội xưa trong ngôi làng ven phố thị. “Ưa sử dụng những màu mạnh như hồng, điều vàng chanh, vàng cam, xanh nõn, xanh lá, xanh lam, đỏ cờ… nhưng họa sỹ Nguyễn Quốc Thắng biết nhấn và buông đúng vị trí cho từng bố cục mỗi bức tranh, sử dụng màu trắng như những đám mây bồng bềnh hư hư thực thực điều chỉnh sự cân bằng. Những phong cảnh bình yên ẩn hiện trong ngôi làng cổ hiện hữu như hư vô dưới ánh sáng của mảng màu khi đỏ ong khi vàng cháy hấp dẫn đưa con người thật gần gũi với trẻ thơ. Tìm sự tự do trong hình tượng và phong cách của riêng mình để làm nên cái phóng túng và lãng mạn, biết lựa chọn cái đẹp của quá khứ xa mà vẫn như gần. Đó cũng là cách để anh khéo léo ngợi ca cái đẹp của lễ hội vốn hình thành từ trong tâm thức dân gian, mượn cái hoài cổ để nói cái riêng của mình trong thế giới thuyền không bí mật và linh thiêng”. PGS.TS Trần Thị Biển chia sẻ.
Bột màu trên báo cũ là chất liệu mà hoạ sĩ gắn bó 10 năm nay. “Như mọi người đã biết nhiều hay ít về chất liệu bột màu, một chất liệu mộc mạc nhưng rất cảm xúc với tôi…”. Hoạ sĩ Nguyễn Quốc Thắng chia sẻ. “Chất liệu đó cho phép tôi thể hiện, bộc lộ được sự rung động, ý tưởng trong một khoảng thời gian rất ngắn. Với bột màu, trên báo cũ hay giấy dó đều có điểm mạnh khác nhau, tuy nhiên giấy dó có phần không thể hiện được độ bông xốp như giấy báo… Trong kỹ thuật vẽ bột màu, tôi chỉ là hậu thế của các bậc tiền bối, cũng không dám nói nhiều về kỹ thuật, nhưng cũng xin chia sẻ đôi chút, đó là khi vẽ chất liệu bột màu, nên tạo độ ẩm, thời gian vẽ nhanh, bên cạnh đó, chất liệu bột màu ngày nay rất tốt”.
Nhật báo có sự xoay vòng đời ngắn ngủi, khi thông tin trên đó chỉ hữu ích cho một ngày, nhưng qua tinh thần nghệ sĩ, nhật báo được lưu giữ dài lâu, làm nền cho bay bổng đường nét sắc màu trong tình yêu văn hoá dân gian… Hơn 50 bức tranh trưng bày được hoạ sĩ Nguyễn Quốc Thắng lựa chọn từ gần 400 bức mà anh đã sáng tác qua một thập kỷ, từ tình yêu gắn bó với không gian văn hoá làng, ngoại thành Hà Nội.
Từ triển lãm cá nhân đầu tiên “Đối cảnh Cự Đà” năm 2020, bốn năm sau là triển lãm “Về”, cùng chung một nội dung mà hoạ sĩ Nguyễn Quốc Thắng muốn chia sẻ, khi cuộc sống của anh gắn bó với đình chùa trong khung cảnh làng xã Bắc bộ. Triển lãm “Về” lần này là đúc kết của 10 năm làm việc của hoạ sĩ Nguyễn Quốc Thắng và sự yêu thích của anh với những nét văn hóa dân gian của làng xã đồng bằng Bắc bộ, cụ thể hơn, anh lấy phong cảnh của làng Cự Đà, ngoại thành Hà Nội, cũng như các lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc dân gian.
Bên cạnh đề tài về văn hóa phong tục, trong tranh anh còn có yếu tố quan trọng khác là kiến trúc nhà ở: “Kiến trúc đó rất khác biệt giữa làng xã hay phố phường. Ngược lại không gian phố, là khung cảnh gần gũi, ấm áp từ kiến trúc của làng Cự Đà. Ở làng Cự Đà là sự kết hợp, hoà trộn giữa kiến trúc nhà Việt và kiến trúc của Pháp, tạo ra được ứng dụng rất hợp lý cho người làng sinh sống. Những đầu hồi trên mái nhà rất ấn tượng và chính nó tạo ra cảm hứng và sự nhấn nhá trong mỗi bức tranh.
Theo quan điểm của nhiều người khi nghĩ về làng cổ là liên tưởng đến không gian thâm trầm, nhưng làng mà không có người, không có phong tục, tập quán thì nó sẽ không có giá trị. Còn khi có người, có lễ hội là có sức sống, có tinh thần, có cờ hoa, như vậy màu sắc đó phải là màu dân gian, màu gốc phẩm, thì không gian làng cổ hiện lên qua sắc màu tâm cảm, không thể thâm trầm”.